[Kon Tum] Phát huy tiềm năng, khơi thông nguồn lực đưa kinh tế phát triển
Từ sau thống nhất đất nước đến nay, đặc biệt, sau 33 năm thành lập lại tỉnh, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, kinh tế của tỉnh từng bước ổn định và phát triển mạnh mẽ. Đây là nền tảng vững chắc, tạo thế và lực để tỉnh ta tiếp tục hiện thực hóa mục tiêu và khát vọng phát triển nhanh, bền vững.
Sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, tỉnh ta sáp nhập với tỉnh Gia Lai thành tỉnh Gia Lai- Kon Tum. Đến năm 1991, theo Nghị quyết về việc chia tách tỉnh Gia Lai- Kon Tum tại Kỳ họp thứ 9 (ngày 12/8/1991) của Quốc hội khóa VIII, tỉnh ta chính thức được thành lập lại. Đây là dấu mốc quan trọng, mở ra một thời kỳ mới trong phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Với tinh thần vượt khó, đổi mới, sáng tạo cùng với những quyết sách đúng đắn của Đảng bộ, chính quyền về phát huy nội lực và tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ từ Trung ương, các lĩnh vực kinh tế của tỉnh từng bước phát triển. Đặc biệt, trong những năm gần đây, Kon Tum có sự chuyển mình mạnh mẽ, trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế trong khu vực với dấu mốc năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đứng thứ nhất Khu vực Tây Nguyên và đứng thứ 22 cả nước.
Theo đó, với lợi thế về đất đai và khí hậu, nông nghiệp được xác định là mặt trận hàng đầu trong chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh. Vì thế, từ khi tái lập, các cấp, các ngành chú trọng đầu tư mạng lưới hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, triển khai các chương trình đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất đến từng hộ dân nhằm từng bước mở rộng diện tích cây trồng, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản. Đáng chú ý, trong những năm gần đây, tỉnh tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, gắn với công nghiệp chế biến đã đưa kinh tế nông nghiệp phát triển mạnh mẽ, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.
|
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng chuyên canh cây công nghiệp dài ngày như cà phê, cao su; 16.878,7ha cây trồng có ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, xây dựng 7 cánh đồng lớn, gần 392ha cây ăn trái đã được cấp mã số vùng trồng để phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.
Bên cạnh đó, phát huy tiềm năng, lợi thế về dược liệu, thời gian qua, tỉnh ta tập trung đầu tư phát triển ngành dược liệu theo hướng bền vững, hướng tới đưa Kon Tum trở thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia và là trung tâm sản xuất duợc liệu lớn của cả nước; trong đó, chú trọng phát triển sản phẩm đặc hữu sâm Ngọc Linh Kon Tum. Đến nay, toàn tỉnh đã phát triển được 2.385ha sâm Ngọc Linh, trên 7.700ha cây dược liệu khác.
Để góp phần nâng cao hiệu quả khai thác, phát huy lợi thế về nguồn tài nguyên nông nghiệp, tỉnh cũng tích cực kêu gọi, thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Hiện, đã có một số doanh nghiệp tham gia đầu tư thực hiện những dự án quy mô lớn như: Dự án quản lý bảo vệ rừng, kinh doanh du lịch và nhân giống, trồng, phát triển cây dược liệu kết hợp chăn nuôi dê sữa công nghệ cao của Công ty Cổ phần Dược liệu và Thực phẩm Măng Đen; Dự án đầu tư trồng cây ăn quả, chăn nuôi bò sữa tại huyện Sa Thầy của Tập đoàn TH.
Kinh tế nông nghiệp phát triển tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn tỉnh có 49 xã cơ bản đạt chuẩn 19/19 tiêu chí, trong đó, có 44 xã đã được công nhận xã nông thôn mới.
Thực hiện chủ trương, đường lối đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước của Đảng và Nhà nước, với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, bằng các cơ chế, chính sách cụ thể, phù hợp của các cấp ủy đảng, chính quyền và các giải pháp thiết thực, lĩnh vực công nghiệp của tỉnh ngày càng có chuyển biến tích cực. Sản xuất công nghiệp luôn phát huy được ưu thế, tiềm năng của địa phương và đóng góp không nhỏ vào sự phát triển chung của tỉnh.
|
Trong đó, với việc khai thác hiệu quả vùng nguyên liệu, công nghiệp chế biến luôn khẳng định là nhóm ngành công nghiệp chủ lực. Toàn tỉnh hiện có 8 cơ sở chế biến tinh bột mì,1 doanh nghiệp sản xuất đường, 11 nhà máy chế biến mủ cao su, 10 cơ sở thu mua và chế biến cà phê nhân, 24 xưởng chế biến lâm sản và một số nhà máy chế biến rau củ.
Ngoài đầu tư mở rộng về quy mô sản xuất, các doanh nghiệp còn chú trọng đầu tư trang thiết bị, dây chuyền sản xuất hiện đại để dần đa dạng hoá và nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và xuất khẩu. Trong năm 2023, xuất khẩu đã mang về cho tỉnh 359,5 triệu USD và trong 3 tháng đầu năm 2024 là 78 triệu USD.
Song song với công nghiệp chế biến, phát huy lợi thế về tài nguyên nước, năng lượng gió, mặt trời, những năm gần đây, lĩnh vực công nghiệp năng lượng được tỉnh ưu tiên phát triển và thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 30 công trình thủy điện vừa và nhỏ, 2 nhà máy thủy điện lớn, 9 nhà máy thuỷ điện liên tỉnh với Gia Lai và Quảng Ngãi, 1 nhà máy điện mặt trời đã hoàn thành và đi vào hoạt động, đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế- xã hội và đóng góp tích cực vào nguồn thu ngân sách của tỉnh.
Giai đoạn 2021-2023, chỉ số phát triển công nghiệp của tỉnh tăng bình quân 16,51%/năm. Sản xuất công nghiệp đã khẳng định vai trò kinh tế mũi nhọn, tạo động lực cho các ngành kinh tế khác như nông nghiệp, thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh phát triển.
Trong những năm qua, mạng lưới kinh doanh thương mại phát triển nhanh, đa dạng với hệ thống chợ, trung tâm thương mại, siêu thị và các cửa hàng bán buôn, bán lẻ được mở rộng từ thành thị xuống tận cơ sở, địa bàn khu dân cư.
Hoạt động của ngành thương mại tăng trưởng ổn định, lưu thông hàng hóa thông suốt, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng đa dạng và không ngừng tăng lên của sản xuất và đời sống.
Với lợi thế về tài nguyên thiên nhiên và văn hóa đa dạng, đặc sắc, thời gian qua, tỉnh ban hành nhiều chính sách phát triển du lịch; đặc biệt, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI xác định “đẩy mạnh phát triển du lịch với nhiều loại hình” và là một trong những lĩnh vực đột phá trong phát triển kinh tế. Phát huy nội lực và tranh thủ các nguồn lực bên ngoài, tỉnh tập trung đầu tư cho du lịch nhằm từng bước xây dựng ngành du lịch- dịch vụ trở thành ngành kinh tế động lực. Nhờ đó, Kon Tum đang trở thành điểm đến hấp dẫn với khách du lịch.
Chỉ tính riêng trong 3 năm trở lại đây, tổng lượng khách du lịch đến tỉnh tăng bình quân khoảng 38%/năm.
Bên cạnh đó, tỉnh tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội để đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là hệ thống giao thông. Đến nay, hệ thống các trục giao thông Bắc- Nam và Đông- Tây được thông suốt, mạng lưới giao thông nội tỉnh được mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi và mở đường cho sự phát triển.
Kiên định mục tiêu phát huy các tiềm năng, nguồn lực để xây dựng tỉnh phát triển nhanh và bền vững; tại Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh nhất quán quan điểm phát triển kinh tế trong tình hình mới là theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, toàn diện; chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, quy mô lớn, giá trị gia tăng cao là nền tảng; các ngành công nghiệp năng lượng, khai khoáng, chế biến, chế tạo và du lịch là mũi nhọn đột phá. Mục tiêu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân đạt trên 9,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng trên 110 triệu đồng/người…
Có thể nói, với việc vận dụng đúng đắn, sáng tạo các chủ trương, nghị quyết của Đảng vào điều kiện thực tế của tỉnh cùng sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt với các giải pháp có trọng tâm, trọng điểm của các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, tỉnh ta đã khai thác, phát huy hiệu quả các nguồn lực để đưa kinh tế phát triển nhanh, vững chắc. Từ đó, tạo nền tảng, niềm tin, động lực để tỉnh ta tiếp tục phấn đấu vươn lên trong giai đoạn mới.