[Kon Tum] Kết quả thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tại huyện Kon Plông
Huyện Kon Plông có 128.139 ha/137.124 ha diện tích tự nhiên là rừng và đất lâm nghiệp với tài nguyên động vật, thực vật rừng đa dạng, phong phú, đây vừa là tiềm năng vừa là thách thức của ngành lâm nghiệp và cả hệ thống chính trị của địa phương.
Nhận thức được điều đó, cấp ủy, chính quyền huyện Kon Plông luôn quan tâm, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai công tác quản lý bảo vệ rừng, phát triển lâm nghiệp bền vững. Nổi bật là Nghị quyết số 05-NQ/HU của Huyện ủy Kon Plông về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện đến năm 2025; Nghị quyết số 08-NQ/HU về bảo tồn và phát triển các loại lan rừng giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030; Chương trình số 45-CTr/HU triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/HU của Tỉnh ủy về phát triển lâm nghiệp bền vững đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn huyện Kon Plông và Kế hoạch số 121/KH-UBND trồng “Một triệu cây xanh vì Kon Plông xanh trên địa bàn huyện giai đoạn 2024-2030”.
|
Theo đó, lực lượng Kiểm lâm, Công an, Dân quân, các đơn vị chủ rừng và toàn bộ hệ thống chính trị trên địa bàn huyện nổ lực triển khai các giải pháp quản lý bảo vệ rừng tại gốc nhằm quản lý, bảo vệ, phát triển diện tích hiện có, ngăn chặn sự suy thoái về tài nguyên rừng, động, thực vật trên địa bàn và phát động phong trào này đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, các cấp, các ngành và nhân dân trên địa bàn huyện. Đồng thời, tập trung nguồn lực triển khai chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững; tăng cường các hoạt động trồng rừng, trồng cây xanh phủ xanh đất trống, đồi núi trọc; bảo tồn và phát triển dược liệu; đẩy mạnh giao đất, giao rừng, khoán quản lý bảo vệ rừng; phát triển các mô hình nông lâm kết hợp; triển khai chi trả dịch vụ môi trường rừng, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người làm nghề rừng, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, giảm nhẹ thiên tai; phục vụ cho phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện.
Từ năm 2020 đến nay, các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương đã tổ chức 2.074 buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp với 108.555 lượt người tham gia; tổ chức 1.877 đợt tuần tra, truy quét bảo vệ rừng với 46.693 lượt người tham gia, qua đó đã phát hiện và xử lý 193 vụ vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp; giao khoán bảo vệ rừng với diện tích 29.915 ha cho 69 cộng đồng, 15 hộ gia đình; giao đất giao rừng với diện tích 16.091 ha cho 467 hộ và 43 cộng đồng, 1 tổ chức; cho 11 tổ chức thuê rừng tự nhiên gắn với giao đất rừng tự nhiên sản xuất với diện tích 258 ha; thực hiện bàn giao diện tích rừng do UBND các xã, thị trấn tạm quản lý cho chủ rừng là tổ chức quản lý với diện tích 3.369 ha theo Quyết định số 1047/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum để đảm bảo rừng có chủ thực sự.
Các cơ quan, ban, ngành, UBND các xã, chủ rừng phối hợp các sở, ngành tổ chức tập huấn nâng cao năng lực, cung cấp thiết bị phục vụ tuần tra, tham quan học tập kinh nghiệm bảo tồn; hỗ trợ phát triển du lịch sinh thái, cải thiện sinh kế cho cộng đồng bảo tồn động thực vật hoang dã. Ngoài ra, huyện Kon Plông tổ chức các đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát, phát hiện, tháo gỡ và tiêu hủy 309 dụng cụ bẫy các loại được đặt trong rừng, thu giữ 2 khẩu súng tự chế; vận động người dân giao nộp 44 khẩu súng, 400 viên đạn các loại.
|
Thực hiện khoanh nuôi phục hồi rừng được 592 ha, hỗ trợ trồng rừng sản xuất và vận động trồng rừng từ nguồn xã hội hóa được 1.288ha, trồng được 353.518 cây xanh phân tán, 1.250,5ha cây dược liệu các loại; khoanh vùng bảo tồn và phát triển dược liệu dưới tán rừng với 38.200 cây lan kim tuyến, 4245 ha dược liệu dưới tán rừng thuộc lâm phần Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Kon Plông.
Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế từ rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện; tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp còn xảy ra và luôn tiềm ẩn nguy cơ bị xâm hại, đặc biệt là các khu vực rừng giàu tài nguyên và khu vực giáp ranh; công tác trồng rừng, trồng cây phân tán được chú trọng triển khai mọi lúc, mọi nơi nhưng chất lượng rừng mới trồng chưa cao; tác động của ngành lâm nghiệp đối với việc xóa đói, giảm nghèo còn hạn chế, người dân chưa thể sống ổn định bằng nghề rừng; nguồn kinh phí đầu tư cho các hoạt động bảo vệ rừng, phát triển lâm nghiệp bền vững còn hạn chế.
Để phát huy thế mạnh về rừng và đất lâm nghiệp; phát triển ngành lâm nghiệp bền vững, trong thời gian tới, các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị đẩy mạnh chỉ đạo, triển khai cơ chế, chính sách phát triển lâm nghiệp bền vững:
Một là, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng theo tinh thần Kết luận số 61-KL/TWcủa Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương; các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về tăng cường công tác quản lý bảo vệ, phát triển rừng.
Hai là, tiếp tục chỉ đạo rà soát, xác định các khu vực có nguy cơ xảy ra vi phạm Luật Lâm nghiệp, nắm chắc thông tin các đối tượng phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản, động vật hoang dã trái pháp luật để chủ động tổ chức kiểm tra, truy quét, ngăn ngừa, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm.
Ba là, tập trung nguồn lực điều tra, kiểm kê rừng đảm bảo chất lượng, tiến độ theo quy định để chuẩn hóa cơ sở dữ liệu về rừng và đất lâm nghiệp phục vụ xây dựng các chương trình, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, phát triển ngành lâm nghiệp hiệu quả hơn.
Bốn là, tập trung chỉ đạo quyết liệt các biện pháp đẩy mạnh trồng rừng, trồng cây phân tán, trồng dược liệu gắn với chăm sóc, quản lý, bảo vệ để nâng cao năng suất, chất lượng đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân và phát triển các dịch vụ lâm nghiệp. Có cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển vùng trồng rừng, dược liệu tập trung gắn với nhà máy sản xuất, chế biến và thị trường tiêu thụ.
Năm là, tiếp tục chỉ đạo triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách về lâm nghiệp.
Sáu là, kêu gọi sự hỗ trợ, đầu tư từ các chương trình, dự án trong nước và quốc tế; huy động đóng góp của doanh nghiệp và nhân dân để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; tranh thủ các nguồn lực, quản lý và sử dụng có hiệu quả ngân sách đầu tư của Nhà nước cho quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, khuyến lâm, xây dựng hệ thống quản lý rừng, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng lâm nghiệp.