[Kom Tum] Nâng cao hiệu quả hoạt động các HTX điểm

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 3 hợp tác xã (HTX) điểm (HTX Ngọc Linh H80, HTX Du lịch-Nông nghiệp Đăk Rơ Wa, HTX dịch vụ nông nghiệp Đăk Kan). Với sự quan tâm của các cấp, các ngành, sự nỗ lực của các thành viên, bước đầu các HTX điểm đã đi vào hoạt động ổn định. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn cần được quan tâm tháo gỡ.

HTX Du lịch – Nông nghiệp Đăk Rơ Wa (xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum) được thành lập vào năm 2023 với 636 thành viên, vốn điều lệ hơn 382 triệu đồng, HTX tổ chức kinh doanh đa dịch vụ, gồm dịch vụ nông nghiệp và phi nông nghiệp. Ngay năm đầu tiên, doanh thu của HTX đạt hơn 319 triệu đồng. Đến nay, diện tích đất sản xuất của HTX liên kết với các thành viên gồm 4,5ha trồng mía; 1,4ha làm dịch vụ; 2ha trồng cây ăn quả và nuôi gà; 1,5ha trồng dừa, sầu riêng và cây ngắn ngày; 1,9ha trồng gỗ trắc, bò ma thí điểm xen canh sả lấy hương liệu.

Xã viên HTX Du lịch-Nông nghiệp Đăk Rơ Wa dệt thổ cẩm. Ảnh: PN

Còn HTX dịch vụ nông nghiệp Đăk Kan (xã Đăk Kan, huyện Ngọc Hồi) được thành lập vào tháng 8/2022 với 401 thành viên, vốn điều lệ 450 triệu đồng, hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ liên kết tiêu thụ nông sản; sản xuất lúa; cung ứng vật tư nông nghiệp; chăm sóc cây cao su; dịch vụ cung ứng lao động; dịch vụ hướng dẫn kỹ thuật. Thời gian qua, HTX đã lập một số điểm thu mua lúa, dứa của xã viên; tổ chức sản xuất gạo DaKa đạt tiêu chuẩn OCOP và tiêu thụ được 4.000kg gạo DaKa ra thị trường; liên kết cung ứng 120 tấn phân hữu cơ vi sinh cho 96 thành viên mua trả chậm.

HTX Ngọc Linh H80, được thành lập vào tháng 9/2022 ở xã Măng Ri, (huyện Tu Mơ Rông) với 210 thành viên, vốn điều lệ 771,5 triệu đồng. Thời gian qua, HTX đã triển khai các dịch vụ liên kết trồng sâm dây; liên kết tiêu thụ nông sản (chủ yếu là sâm dây, mật ong, sơn tra, ngũ vị tử); phát triển du lịch cộng đồng (tổ chức khách tham quan vườn sâm và bán dược liệu cho thành viên); đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm. Đến tháng 3/2024, doanh thu của HTX đạt 360 triệu đồng. Đặc biệt, HTX đã tạo cơ hội việc làm cho cộng đồng qua việc sử dụng 10 lao động thường xuyên, trên 30 lao động thời vụ phục vụ dẫn khách tham quan và tạo việc làm gần 700 ngày công lao động cho cộng đồng. Thời gian qua, HTX đã bán được hơn 3 tấn sâm dây, 1 tấn sơn tra, 50 lít mật ong và làm được một số sản phẩm như trà sâm thái lát, mứt sâm, trà sâm túi lọc; kết nối để tổ chức thử nghiệm dịch vụ “tham quan vườn sâm” 39 lần với gần 1.200 lượt khách.

Ông A Blung- thành viên HTX Ngọc Linh H80 cho biết, HTX rất quan tâm đến lợi ích của các thành viên. HTX đã mua sâm dây và sản phẩm của thành viên giá cao hơn của nông dân không là thành viên và chủ yếu tập trung tiêu thụ sản phẩm cho thành viên. Bên cạnh đó, khi các thành viên HTX dẫn đoàn tham quan vườn sâm thì 100% thu nhập từ dịch vụ này đều để lại cho thành viên HTX tham gia phục vụ. Qua đó, HTX cũng góp phần tích cực trong việc cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống cho các thành viên.

Người dân Tu Mơ Rông phát triển diện tích sâm dây. Ảnh: P.N

Dù đã đạt được một số kết quả bước đầu, tuy nhiên các HTX điểm vẫn gặp những khó khăn. Các HTX mới được thành lập với quy mô hoạt động nhỏ, nguồn vốn điều lệ còn ít, hoạt động ở địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa nên điều kiện cơ sở hạ tầng kinh tế còn khó khăn. Tư duy của xã viên còn mang nặng tính chất làm ăn riêng lẻ; trình độ sản xuất, kinh doanh còn thấp. Cơ sở vật chất các HTX điểm còn thiếu như kho bãi, nhà xưởng; máy móc; diện tích trồng và chăm sóc các loại cây trồng nhỏ lẻ. Lợi nhuận của các HTX còn thấp, như ở HTX Ngọc Linh H80 lợi nhuận đem phân phối là 10,5 triệu đồng, HTX Đăk Kan lợi nhuận (lợi nhuận sau thuế và trừ chi phí) khoảng 15 triệu đồng.

Để tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, việc nâng cao hiệu quả hoạt động các HTX nói chung, các HTX điểm nói riêng là hết sức cần thiết. Bởi vậy, thời gian tới, các HTX điểm cần phát huy hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ, vận động thành viên mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng phương án sản xuất cụ thể và có hiệu quả, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, tăng cường liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.

Bên cạnh đó, các HTX điểm cần phân công nhiệm vụ và trách nhiệm cho từng bộ phận cụ thể nhằm gắn trách nhiệm và hoạt động năng động hơn để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Theo Báo Kom Tum