[Kom Tum] Chuyển đổi số để phát triển du lịch

Hiện nay, nhiều người dân ở xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum đã nhanh chóng bắt kịp thời cuộc, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quảng bá, giới thiệu hoặc hỗ trợ du khách tìm kiếm các thông tin về dịch vụ du lịch một cách nhanh chóng, dễ dàng. Việc này vừa mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình vừa truyền cảm hứng cho cộng đồng về ứng dụng chuyển đổi số trong đời sống.

Anh A Kâm (dân tộc Ba Na thuộc thế hệ 9X – nguyên là cán bộ văn hóa xã Đăk Rơ Wa, sống tại làng Kon K’tu đã mở rộng mô hình kinh doanh homestay tại gia đình với nhiều dịch vụ như ẩm thực dành cho khách thích mạo hiểm; chèo thuyền độc mộc trên sông Đăk Bla; tổ chức trekking cho khách đoàn và đặc biệt là tập hợp, hỗ trợ bà con dân làng tham gia các buổi trình diễn cồng chiêng để phục vụ du khách.

Năm 2020, làng văn hóa Kon K’tu, xã Đăk Rơ Wa được UBND tỉnh Kon Tum quyết định công nhận điểm du lịch cộng đồng. Bắt đầu từ đó, A Kâm được bà con dân làng tín nhiệm bầu vào Tổ trưởng tổ điều hành du lịch làng Kon K’tu.

Anh A Kâm sử dụng thành thạo mạng xã hội để quảng bá du lịch. Ảnh: Q.T

Anh A Kâm cho biết: “Hiện nay việc ứng dụng công nghệ thông tin để quảng bá du lịch là rất phổ biến, chính vì vậy tôi và bà con trong làng đã mạnh dạn đưa các dịch vụ du lịch của làng lên mạng xã hội như Facebook, Zalo, Viber, Instagram để quảng bá, giới thiệu các dịch vụ ăn nghỉ, tham quan của thôn, dần dần thấy có hiệu quả, du khách đến với làng ngày càng nhiều. Từ đó, thu nhập từ các dịch vụ tại làng đã góp phần vào việc cải thiện cuộc sống của bà con, chính vì thế người dân đã nhận thức được lợi ích của du lịch cộng đồng và tầm quan trọng trong công cuộc chuyển đổi số để phát triển du lịch”.

Tại thôn Kon Klor, xã Đăk Rơ Wa, người dân làm du lịch nơi đây cũng đã áp dụng mạng xã hội để giới thiệu và nhận đặt phòng của khách du lịch qua các trang Facebook,  Zalo điển hình là anh Nguyễn Xuân Vinh, chủ cơ sở homestay Nắng Nghiêng.

Trước đây anh Nguyễn Xuân Vinh chưa sử dụng thành thạo Internet, khi xây dựng cơ sở homestay của gia đình, anh tự tìm hiểu và học hỏi bạn bè, cho đến nay đã sử dụng thành thạo các trang mạng xã hội để quảng bá về các dịch vụ tại homestay của mình.

Anh Nguyễn Xuân Vinh chia sẻ: “Mạng xã hội trong kinh doanh dịch vụ du lịch mang lại rất nhiều lợi ích, một là không mất phí quảng bá – đây là thế mạnh lớn nhất, hai là giảm chi phí quảng cáo cho homestay trên các phương tiện thông tin đại chúng chính thống trong khi vẫn kéo được khách du lịch đến với mình. Do vậy, tôi đã tận dụng mạng xã hội để mở rộng hoạt động kinh doanh du lịch”.

Anh Nguyễn Xuân Vinh quảng bá cơ sở của mình trên mạng xã hội. Ảnh: QT

Dịch bệnh Covid-19 đã tác động rất lớn đến hành vi và xu hướng của khách du lịch. Nhu cầu đặt tour du lịch online, phương thức tiếp cận khách hàng, quảng bá, giao dịch, thanh toán dịch vụ đang chuyển dần sang môi trường số, xu hướng du lịch “không chạm” của du khách đã trở thành sự ưu tiên hàng đầu trong ngành du lịch hậu Covid-19. Do đó, chuyển đổi số đang trở thành lựa chọn của những tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch nếu muốn tồn tại, phát triển trong thời kỳ cách mạng 4.0.

Bà Y Khiêm – Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Rơ Wa nói: “Những người nhanh nhạy ứng dụng công nghệ thông tin và đạt được hiệu bước đầu trong việc phát triển du lịch như anh A Kâm, anh Nguyễn Xuân Vinh đã truyền cảm hứng cho việc thúc đẩy chuyển đổi số vào lĩnh vực du lịch ở địa phương. Tuy nhiên, ở vùng nông thôn, người dân vốn quen với làm nông, làm ruộng, làm vườn nên cần có thời gian để thay đổi, thích ứng dần với việc chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch”.

Với những bước đi ban đầu nhưng đúng hướng trong việc ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động du lịch, xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum đang phấn đấu trở thành điểm đến được yêu chuộng của du khách trong nước và quốc tế, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch của thành phố Kon Tum nói riêng và tỉnh Kon Tum nói chung.

Theo Báo Kom Tum