Khởi nghiệp sáng tạo: Cần cơ chế, chính sách đặc thù
Những năm gần đây, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã và đang được Đảng, Nhà nước và Chính phủ quan tâm, chú trọng.
Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021 – 2030 khẳng định khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong các khâu đột phá chiến lược quan trọng. Bên lề sự kiện hưởng ứng Ngày Sáng tạo và Đổi mới sáng tạo thế giới – 21/4 hằng năm, do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức ngày 19/4, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Phạm Hồng Quất đã trao đổi với báo chí về tình hình phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam thời gian qua cũng như định hướng tăng trưởng lĩnh vực này thời gian tới.
Ông đánh giá thế nào về tình hình phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam hiện nay? Đâu là thách thức đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp, thưa ông?
Dưới con mắt các chuyên gia, cố vấn, nhà đầu tư quốc tế đối với hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam, nước ta đang là một điểm đến hấp dẫn với thế hệ trẻ đầy năng động, sáng tạo, thích ứng nhanh với các mô hình kinh doanh. Đặc biệt, sau COVID-19, khi các nước đang đứt gãy chuỗi giá trị về cung cấp vốn, về phát triển thị trường thì Việt Nam vẫn giữ vững mối kết nối; các chủ thể trong nước và quốc tế vẫn liên kết được với nhau bằng việc nhanh chóng chuyển các hoạt động từ trực tiếp sang trực tuyến. Tốc độ phục hồi rất nhanh với những mô hình nông nghiệp thông minh; dịch vụ, đào tạo, du lịch thông minh. Việt Nam tiếp tục là một điểm đến hấp dẫn đối với nhà đầu tư khu vực cũng như quốc tế.
Thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp hiện nay, ở phạm vi khu vực và toàn cầu sau COVID-19 là chuỗi cung ứng về công nghệ, nguyên liệu, thị trường đầu ra cũng như nguồn vốn. Vì vậy, chúng ta phải có những giải pháp sáng tạo ngay từ thể chế, chính sách. Hiện nay, với Thành phố Hồ Chí Minh, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố, trong đó dành một nội dung rất quan trọng về khuyến khích, kêu gọi các nhà đầu tư hỗ trợ đầu tư và khởi nghiệp sáng tạo, đồng thời có nhiều chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp sáng tạo cũng như ưu đãi các chuyên gia, cố vấn. Thành phố Đà Nẵng cũng đang đề xuất một cơ chế tương tự. Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đang đề xuất với Chính phủ một nghị định mới về chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo; trong đó đưa ra những cơ chế khuyến khích các tổ chức trung gian, địa phương, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm đổi mới sáng tạo, phù hợp với nhu cầu trong nước cũng như quá trình hội nhập quốc tế.
Quá trình khởi nghiệp sáng tạo, Việt Nam đã xuất hiện 4 kỳ lân công nghệ (VNG, VNLIFE, MOMO, SKY MAVIS). Với những chính sách thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo như hiện nay, ông kỳ vọng gì vào việc xuất hiện những kỳ lân công nghệ mới trong thời gian tới?
Có được nhiều kỳ lân công nghệ là mục tiêu chung của tất cả các hệ sinh thái quốc gia trong khu vực cũng như trên thế giới giới. Các quốc gia cũng đang cạnh tranh nhau quyết liệt để kêu gọi và giữ chân người tài. Việt Nam có tiềm năng về nguồn nhân lực chất lượng cao. Đó là những người Việt ở trong nước, người Việt đang làm việc tại các tập đoàn lớn ở nước ngoài cũng như các tập đoàn đa quốc gia đang có mặt tại Việt Nam. Chúng tôi kỳ vọng, không chỉ là số lượng bao nhiêu kỳ lân mà Việt Nam làm chủ được bao nhiêu công nghệ mới, mô hình mới.
Tiềm năng phát triển của cả một hệ sinh thái cần phải theo hướng bền vững hơn. Kỳ lân có thể xuất hiện ở thời điểm này, nước này, nước kia khi có những chính sách tạm thời hấp dẫn về thuế, về đầu tư. Thế nhưng, để cả một hệ sinh thái phát triển, thế hệ đi trước phải hỗ trợ thế hệ đi sau, cơ sở đào tạo phải gắn với khu vực tư nhân, gắn với chính sách kiến tạo của Chính phủ. Điều này đòi hỏi một quá trình phát triển bền vững, lâu dài.
Chúng tôi kỳ vọng đặt ra nhiều chỉ tiêu, ngay từ nhỏ, các em học sinh bậc học phổ thông sẽ được học về STEM, được tiếp cận những mô hình mới. Từ đó, Việt Nam mới có những kỳ lân công nghệ trong tương lai một cách bền vững. Cách tiếp cận hệ sinh thái cần theo hướng vì con người, lấy con người làm chủ.
Để phát triển hệ sinh thái, chúng ta phải thử nghiệm chính sách. Theo đó, thử nghiệm chính sách phải có những thành phố tích cực đi đầu trước khi nhân rộng ở quốc gia. Hiện nay, một số thành phố của Việt Nam đang rất tích cực đề xuất những cơ chế thử nghiệm chính sách. Đối với các chính sách thử nghiệm công nghệ cụ thể, các bộ, ngành cũng như các tập đoàn sẽ là điểm đến đầu tiên để những công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới bước vào quá trình thử nghiệm.
Khởi nghiệp từ những giá trị bản địa đang là một trong những hướng đi mới của các bạn trẻ, ông đánh giá thế nào về hướng đi này?
Khởi nghiệp từ những giá trị bản địa như giá trị về văn hóa, lịch sử, con người luôn là một nguồn cảm hứng rất quan trọng của tất cả các quốc gia cũng như quá trình đổi mới sáng tạo toàn diện. Đổi mới sáng tạo dựa trên tài nguyên bản địa là một chủ đề rất “hot”, mang tính thời sự. Đây cũng là một chủ đề TechFest 2024 hướng tới. Chúng tôi đang mời gọi các tổ chức quốc tế như UNDP, ADB, các quỹ về tăng trưởng xanh tham gia.
Hiện nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Liên minh Hợp tác xã đã có cam kết tham gia hỗ trợ chủ đề này. Những hành động này chính là khởi nguồn quan trọng để chúng ta làm mới những giá trị gia tăng dựa trên công nghệ, dựa trên những mô hình kinh doanh mới trên cơ sở khai thác tài nguyên, thế mạnh vốn có của từng địa phương.
Năm 2024 là năm thứ 10 Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức. Xin ông cho biết những điểm mới của TechFest 2024?
TechFest là sự kiện thường niên lớn nhất dành cho cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam được tổ chức dưới sự chỉ đạo của Bộ Khoa học và Công nghệ cùng một số bộ, ngành Trung ương, tổ chức chính trị xã hội. Sự kiện hướng đến nâng cao nhận thức về vai trò của đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo đóng góp vào phát triển kinh tế-xã hội bền vững; khuyến khích cộng đồng chung tay đẩy mạnh các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo.
Chủ đề của TechFest mỗi năm đều gắn liền với những vấn đề cần tập trung xử lý trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, thu hút sự quan tâm và chung tay của cộng đồng trong việc tìm kiếm giải pháp hiệu quả, thức thời. TechFest 2024 dự kiến được tổ chức vào cuối tháng 11 đầu tháng 12/2024 tại Hải Phòng, nhằm tổng kết hoạt động và trình diễn những công nghệ, mô hình kinh doanh nổi bật của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong năm 2024 cũng như trong suốt hành trình 10 năm TechFest từ năm 2015.
Hải Phòng là một thành phố năng động, đang có nhiều dự án về phát triển công nghệ mạch bán dẫn, công nghệ về tăng trưởng xanh, công nghệ về biển xanh. Tôi hy vọng đây sẽ là điểm đến hấp dẫn cho startup, chuyên gia, cố vấn công nghệ của Việt Nam và toàn cầu trong năm nay.
Chủ đề TechFest 2024 nhấn mạnh việc đưa hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam hội nhập với khu vực và quốc tế, đặc biệt trong các chủ đề: Tạo tác động xã hội, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; tạo nền tảng thiết lập liên hiệp các quốc gia khởi nghiệp sáng tạo; nhấn mạnh những công nghệ mới, công nghệ cao gắn với chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn và chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo toàn diện, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Dự kiến sẽ có gần 150 hoạt động được tổ chức xuyên suốt từ nay đến thời điểm tổng kết tại TechFest quốc gia với sự tham gia của gần 30 làng công nghệ.
Trong khuôn khổ TechFest quốc gia, dự kiến sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Khởi nghiệp công nghệ cao và kỳ lân châu Á với sự tham gia của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo công nghệ cao, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo kỳ lân (unicorn) và có tiềm năng trở thành kỳ lân (soonicorn) tại châu Á. Ngoài ra, còn có Hội nghị quốc tế về xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo với sự tham dự của các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội quan trọng từ Trung ương đến địa phương, các tổ chức quốc tế UNDP, ADB, USAID, WB…
Trân trọng cảm ơn ông.