Kéo dài thời gian giảm thuế VAT 2%: Cần thiết nhưng chưa đủ
Việc kéo dài thời gian giảm thuế VAT 2% là hết sức cần thiết để hỗ trợ người dân, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh phục hồi, phát triển, xây dựng. Tuy nhiên, 1 số ĐBQH cho rằng, song song với việc việc giảm thuế, phí, cần phải quan tâm đến đơn giản, minh bạch các thủ tục hành chính.
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, PGS.TS. Trần Hoàng Ngân, Đoàn ĐBQH TP.HCM đánh giá, Nghị quyết số 43/2022/QH15 về hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, trong đó có chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) đã triển khai hai năm qua, mang lại nhiều ý nghĩa tích cực cho doanh nghiệp, người dân.
Hiện nay, chính sách giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% đang được áp dụng đến hết ngày 31/12/2023 cho hàng hóa, dịch vụ, ngoại trừ các nhóm hàng gồm: viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại và sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất.
PGS.TS. Trần Hoàng Ngân, Đoàn ĐBQH TP.HCM
“Mục tiêu của chúng ta là dùng chính sách tài khóa tiền tệ để hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế để đạt được mục tiêu tăng trưởng theo kế hoạch 5 năm từ 6,5 – 7%. Đến nay, sau gần hai năm triển khai, mục tiêu đó mình có đạt được nhưng chưa trọn vẹn”, đại biểu Trần Hoàng Ngân đánh giá.
Cũng theo đại biểu Ngân, hiện Quốc hội đang có ý kiến thảo luận kéo dài việc giảm 2% thuế VAT đến hết hết ngày 30/6/2024, bởi phát sinh yếu tố mới sau khi ban hành Nghị quyết 43 là cuộc xung đột Nga – Ukraine.
“Tác động của cuộc xung đột này cũng nghiêm trọng như đại dịch COVID-19, vì nó cũng gây đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến doanh nghiệp, người lao động do thương mại toàn cầu suy giảm, đầu tư quốc tế suy giảm kéo theo các đơn hàng suy giảm và số lượng doanh nghiệp giải thể tăng cao, người lao động giảm thu nhập, mất việc làm… Những yếu tố này chưa được lường trước trong Nghị quyết 43. Do đó, với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp, người yếu thế, chúng ta nên kéo dài gói hỗ trợ, đó là điều phù hợp với thực tiễn”, đại biểu Ngân phân tích.
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng, việc giảm 2% thuế giá trị gia tăng có tác dụng kích cầu nhất định bởi khi giảm thuế VAT, người tiêu dùng sẽ được mua hàng với giá thấp hơn. Qua đó, có tác dụng kích cầu, doanh nghiệp (DN) cũng được hưởng lợi và khi doanh nghiệp hưởng lợi thì phần thuế của doanh nghiệp nộp cho Nhà nước cũng tăng lên.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương
Tuy nhiên, theo đại biểu Nga, dù kéo dài việc giảm thuế thêm 6 tháng hay lâu hơn nữa thì đây cũng chỉ là giải pháp hỗ trợ trước mắt. Bởi về lâu dài, theo báo cáo của Liên đoàn Thương mại – Công nghiệp Việt Nam (VCCI), điều DN cần nhất chưa hẳn là hỗ trợ bằng tiền hay các chính sách thuế, phí mà là sự hỗ trợ về thủ tục hành chính.
“Với rất nhiều DN, đặc biệt là DN có vốn đầu tư nước ngoài thì thủ tục hành chính quá rườm rà và mất nhiều thời gian đang là một rào cản rất lớn. Theo thống kê, mỗi một DN muốn đầu tư thì tất cả các thủ tục liên quan đến đất đai, liên quan đến đầu tư và sau khi xin được các thủ tục qua các địa phương, bộ, ngành thông thường mất từ 1,5 – 2 năm. Rất mất thời gian”, đại biểu Nga nêu thực tế.
Đại biểu Đoàn Hải Dương cho rằng, thủ tục hành chính vẫn còn là rào cản, do đó, đối với các DN thì sự hỗ trợ cần thiết nhất vẫn là sự thông thoáng, minh bạch và đơn giản về thủ tục hành chính.
“Có những DN nói nếu như họ rút ngắn được thời gian thực hiện các thủ tục hành chính mấy tháng cho đến nửa năm thì DN cũng đã có lợi rất nhiều. Tôi lấy ví dụ như DN phải vay tiền ngân hàng thì rút ngắn thời gian hoặc sớm đi vào ổn định để sản xuất sẽ giúp họ có thu nhập, có lãi – điều này tốt hơn nhiều so với việc chúng ta chỉ có hỗ trợ về mặt chính sách tài khóa tiền tệ như giảm thuế, phí”, bà Nga nói.
Do đó, đại biểu Nga đề nghị: “Song song với việc việc giảm thuế, phí, cần đặc biệt quan tâm đến đơn giản, minh bạch các thủ tục hành chính”.
Liên quan tới việc nhiều nhóm DN như: bất động sản, ngân hàng kiến nghị được bổ sung vào nhóm được giảm 2 % thuế VAT, bà Nga cho rằng, cần phải xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng.
“Hiện nay giảm 2% thuế VAT chủ yếu là áp dụng cho các ngành, nhóm ngành hàng tiêu dùng để kích cầu tiêu dùng, còn đối với ngân hàng và một số doanh nghiệp khác thì cần phải có sự đánh giá, rà soát xem nếu giảm thì người dân có được hưởng lợi nhiều hay không và đối với ngân sách nhà nước thì sau khi giảm có thu được tác động gì không, cần đánh giá thật kỹ, không nên dàn trải”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nêu quan điểm.
Trước đó, Bộ Tài chính đề xuất giảm 2% thuế suất thuế VAT , áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Bộ Tài chính cho biết, việc thực hiện chính sách giảm thuế VAT 2% trong thời gian này sẽ giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 25.000 tỷ đồng. Trong đó, mức giảm thu mỗi tháng đối với khâu nội địa là khoảng 2.700 tỷ đồng; giảm thu khâu nhập khẩu khoảng 1.475 tỷ đồng.
Trong công văn góp ý về việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 6 tháng đầu năm 2024 của Bộ Tài chính, VCCI đề xuất giảm thuế VAT 2% cho tất cả hàng hóa. Đại diện VCCI cho biết, biện pháp giảm thuế VAT đã được thực hiện trong 2 năm 2022, 2023, mang lại nhiều tác động tích cực đối với các DN và nền kinh tế, đặc biệt là giúp tăng tiêu dùng nội địa trong bối cảnh các đơn hàng xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, theo ghi nhận của VCCI, các DN cũng gặp khá nhiều vướng mắc khi áp dụng chính sách này, chủ yếu xuất phát từ việc phân loại hàng hóa nào phải chịu thuế 10%, hàng hóa nào được giảm thuế xuống 8%. Mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị định 15/2022 và Nghị định 44/2023 hướng dẫn thực hiện nhưng trên thực tế, việc phân loại hàng hóa, dịch vụ vào các mức thuế suất khác nhau vẫn còn nhiều lúng túng.
Văn bản của VCCI nêu rõ: “Nhiều DN hỏi cơ quan thuế, cơ quan hải quan nhưng các cơ quan này cũng không dám khẳng định cho DN vì sợ sai. Nhiều DN phải thuê thêm người làm kế toán để điều chỉnh hóa đơn và sổ sách cho đúng với mức thuế mới. Có DN phản ánh tình trạng đàm phán mua bán hàng hóa, thỏa thuận xong hết với khách hàng về số lượng, chất lượng, giá cả nhưng không thống nhất về mức thuế 8% hay 10% nên không ký được hợp đồng. Với những lý do trên, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc phương án giảm thuế VAT cho tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ từ mức 10% xuống mức 8% trong 6 tháng đầu năm 2024”.