[Thừa Thiên Huế] Phát huy nội lực, tìm kiếm ngoại lực

Xét trên các phương diện để đánh giá quy mô của ngành du lịch, như: lượt khách, tổng nguồn thu, số lượng doanh nghiệp du lịch,… Huế cho thấy sự chuyển mình còn chậm. Việc tìm kiếm các nguồn lực để ngành “công nghiệp không khói” phát huy thành ngành kinh tế mũi nhọn chưa bao giờ là chưa được đặt ra.

Nguồn lực mạnh mới giúp điểm đến xây dựng được sản phẩm, dịch vụ mới

Nhận diện nguồn lực

Thống kê trong 3 quý đầu năm 2022, có khoảng 1,5 triệu lượt khách đến Huế; trong đó, khách quốc tế là hơn 102 nghìn lượt; khách do các cơ sở lưu trú phục vụ là hơn 879 nghìn lượt; tổng doanh thu từ du lịch là 3.334 tỷ đồng. So với lượng khách đến Huế cùng kỳ năm 2021, tăng từ 3-5 lần. Nhưng khi so sánh với một số điểm đến trong khu vực, Huế vẫn cho thấy sự chậm hơn một nhịp. Trong 9 tháng, riêng Bình Định đón hơn 3,5 triệu lượt khách. Tổng doanh thu của địa phương này ước đạt 11.578 tỷ đồng, gấp khoảng 3,5 so với Huế (3.334 tỷ đồng). Khánh Hòa có tổng lượt khách lưu trú ước đạt 2,11 triệu lượt, doanh thu du lịch ước đạt gần 10.801 tỷ đồng. Hay ở Đà Nẵng, ngành du lịch địa phương này đã đón hơn 2,7 triệu lượt khách lưu trú trong 9 tháng đầu năm…

Lữ hành và lưu trú của Huế – hai lĩnh vực quan trọng nhất trong du lịch, đều còn thiếu và yếu. Số lượng cơ sở lưu trú du lịch đến nay là 883 cơ sở; trong đó, có 225 khách sạn, với khoảng 13.000 phòng. Trên địa bàn tỉnh có 72 đơn vị lữ hành; trong đó, có 46 đơn vị lữ hành quốc tế. Ở lĩnh vực này, một thông số đáng phải suy ngẫm là chỉ 1 công ty lớn ở hai đầu cũng đã có tổng lượt khách khai thác được vượt xa tổng 72 đơn vị lữ hành ở Huế cộng lại.

Đề dẫn như thế là vì chuyến bay charter (thuê nguyên chuyến) từ Huế đi Băng Cốc (Thái Lan) và ngược lại được tổ chức thí điểm từ 21 – 24/10 đã phải chậm 1,5 tháng so với kế hoạch ban đầu. Bên cạnh những lý do khách quan về thủ tục pháp lý, nguyên nhân cơ bản vẫn là nguồn lực để thực hiện chuyến bay này. Chuyến bay đã thành công về lượt khách vì đã kín chỗ cả hai chiều, nhưng tỉnh phải trợ giá cho cả hai chiều khoảng 1,5 tỷ đồng. Khi đó, mức bán tour cho khách cho chuyến đi 4 ngày 3 đêm chỉ 5,9 triệu đồng/khách.

Chưa thể khẳng định sau chuyến bay charter đầu tiên này, trong thời gian đến sẽ được triển khai thành chuyến bay thương mại hay không. Nhưng có điều chắc chắn là việc trợ giá sẽ không thể duy trì lâu dài. Vấn đề quan trọng là tự nội lực các đối tác, doanh nghiệp thực hiện – đặc biệt là doanh nghiệp trong tỉnh, phải xác định được vai trò then chốt trong cho kế hoạch này.

Ở một chỉ số khác để chứng minh điểm đến có sự phát triển hay không là tổng vốn đầu tư. Theo giới đầu tư, môi trường đầu tư du lịch ổn định là khi vốn đầu tư thực hiện trung bình hàng năm chiếm trên 30% tổng doanh thu; vốn đầu tư từ nước ngoài tại điểm đến khoảng 20%. Thông tin từ ngành du lịch, hai chỉ số trên ở Huế đến nay vẫn chưa đạt được. Tổng vốn đầu tư vào ngành này thời gian qua là không nhiều. Nhiều dự án du lịch đang chậm tiến độ và tạm dừng triển khai, chưa tái khởi động sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Điều này phần nào cũng cho thấy tiềm lực của các nhà đầu tư.

Ngành kinh tế nói chung và du lịch nói riêng, luôn bị chi phối bởi hai nguồn nội và ngoại lực. Nguồn lực hiện nay không chỉ được xét về nguồn vốn đầu tư mà cả con người, công nghệ, tài nguyên du lịch… Ngoài ra, để nhanh chóng chuyển mình, cần phải bảo đảm một tỷ lệ đầu tư bằng nguồn vốn nước ngoài (FDI). Điều này ở lĩnh vực du lịch thời gian qua chưa có nhiều nhà đầu tư vốn FDI “rót” vốn.

Ưu tiên nội lực, tìm kiếm ngoại lực

Dịch bệnh đã được kiểm soát, “bức tranh” đầu tư ở Huế cần phải được sôi động hơn. Nếu để tình trạng “đóng băng” thêm kéo dài, đồng nghĩa thời gian để Huế có những chuyển mình sẽ càng chậm. Trước trào lưu toàn cầu hóa về du lịch ngày càng mạnh, vấn đề tăng cường và phát huy các nguồn lực để chủ động phát triển nhanh và ổn định là cần thiết.

Ông Trần Trọng Kiên, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Minh từng phân tích, đối với du lịch Huế, trong bối cảnh “sức khỏe” các nhà đầu tư bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh kéo dài chưa thể phục hồi như trước, môi trường đầu tư có sự cạnh tranh và những quy định mới… yếu tố nội lực cần được ưu tiên hàng đầu. Cùng với đó là tạo môi trường có tính cạnh tranh cao để thu hút ngoại lực. Ở nhiều điểm đến, nội lực đóng vai trò hết sức quan trọng, như là “sức đề kháng” để điểm đến có thể duy trì và vực dậy sau những khó khăn.

Tạm không nhắc đến tiềm lực của doanh nghiệp. Với một doanh nghiệp ở địa phương, có thể là ý kiến chủ quan, song tin chắc một điều là bên cạnh lợi nhuận, phát triển kinh tế thì luôn đặt cái tâm trong đầu tư. Sự hiểu rất rõ và sâu sắc về địa phương của mình, nhà đầu tư có những đầu tư, có những kế hoạch và dịch vụ được đầu tư cũng kỹ lưỡng và có những mục tiêu đa diện hơn. Có thể chỉ là những đầu tư nhỏ, nhưng tin chắc sẽ hướng đến xã hội, cộng đồng người dân nhiều hơn. Quan trọng là chất lượng dịch vụ, tính chuyên nghiệp được đề cao và có sự định hướng tốt.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, thời gian qua, để tăng nội lực cho du lịch Huế sau khi dịch bệnh được kiểm soát, ngành du lịch đã phối hợp với tất cả các địa phương để tiến hành khảo sát, đánh giá tài nguyên du lịch, khả năng khai thác các điểm đến, chất lượng dịch vụ,… để có những định hướng mới, thu hút đầu tư vào du lịch. Tập huấn kỹ năng làm du lịch cho các doanh nghiệp và người dân để tăng nội lực về năng lực… Việc huy động nguồn lực cũng được ngành du lịch làm thường xuyên và hiệu quả hơn rất nhiều, là gắn kết doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp… Trên cơ sở đó hình thành những liên minh du lịch, cho ra đời những sản phẩm, dịch vụ mới. Có thể chưa có những kết quả thật sự rõ rệt, nhưng chắc chắn sẽ có sự chuyển biến theo hướng tích cực.

Ông Trần Đức Minh, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay, một số đầu tư của doanh nghiệp trong tỉnh khi đầu tư vào du lịch thì bị vướng vào các quy hoạch, vì đó không phải đất du lịch. Có địa phương linh động, nhưng một số địa phương không thể thực hiện. Do đó, tỉnh, ngành du lịch, các địa phương cần quy hoạch và có những cơ chế, chính sách để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong đầu tư nhanh hơn.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã từng nhấn mạnh: “Nội lực là cơ bản, ngoại lực là đột phá để phục hồi kinh tế”. Bên cạnh huy động, phát huy nội lực bên trong, Thừa Thiên Huế cần tiếp tục kêu gọi thu hút các nhà đầu tư trong nước và quốc tế có thương hiệu. Khi hai nguồn lực kết hợp và song hành với nhau chắc chắn ngành du lịch sẽ thay đổi.

Theo Báo Thừa Thiên Huế