[Gia Lai] Tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án 06
Lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, Gia Lai đang nỗ lực triển khai thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06).
“Điểm sáng” trong chuyển đổi số
Sau 2 năm triển khai thực hiện, Đề án 06 của Gia Lai đã đạt được những kết quả đáng phấn khởi. Hiện tỉnh đã hoàn thành 47/102 nhiệm vụ, 36 nhiệm vụ thực hiện thường xuyên và đang triển khai thêm 19 nhiệm vụ. Toàn bộ thủ tục hành chính của tỉnh được cung cấp theo dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), trong đó cung cấp 943 DVCTT một phần và 982 DVCTT toàn trình. Gia Lai cũng đã hoàn thành cung cấp 25/25 dịch vụ công theo Đề án 06 và 16/28 dịch vụ công theo Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 4-4-2022 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó, 23/25 dịch vụ công thiết yếu đã thực hiện toàn trình.
Gia Lai đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính để tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Ảnh: Hà Duy
Trong năm 2023, toàn tỉnh đã tiếp nhận, giải quyết 778.046 hồ sơ, trong đó, tiếp nhận và trả kết quả qua Cổng Dịch vụ công 518.730 hồ sơ (chiếm tỷ lệ 66.7%), cao hơn chỉ tiêu UBND giao năm 2023 tối thiểu 60%. Nhiều lĩnh vực tiếp tục đẩy mạnh thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, như: lĩnh vực bảo hiểm (tại vùng đô thị có 53% số người nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) hàng tháng; 86% số người hưởng trợ cấp BHXH 1 lần; 97% số người hưởng trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản ngân hàng); lĩnh vực y tế (16/26 cơ sở khám, chữa bệnh triển khai thanh toán khám, chữa bệnh không dùng tiền mặt, chiếm tỷ lệ 61.5%, cao hơn 10% so với chỉ tiêu đề ra).
Kết quả về đẩy mạnh ứng dụng dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư, căn cước công dân (CCCD), định danh và xác thực điện tử trên các lĩnh vực cũng đạt những kết quả đáng mừng, như viễn thông (làm sạch 24.088 thông tin thuê bao di động); giao thông vận tải (ứng dụng VneID mức độ 2 với hành khách đi tàu bay tại các chuyến bay nội địa); bảo hiểm (làm sạch 8.123 thông tin bảo hiểm Y tế (BHYT), BHXH trong các khu công nghiệp, 1.227.984 thông tin BHYT tích hợp thẻ CCCD, triển khai xác thực sinh trắc học trên thẻ CCCD); thuế (làm sạch 156.758 thông tin người nộp thuế);… Tỷ lệ dân số trưởng thành được cấp tài khoản VNeID đạt 66.8% (843.822/1.262.597 dân số); hoàn thành công tác cấp thẻ CCCD cho 100% công dân đủ điều kiện.
Về kết nối, chia sẻ dữ liệu dùng chung các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn đã tập trung thực hiện các nhiệm vụ theo chỉ đạo của UBND tỉnh; số hóa sổ hộ tịch, số hóa sổ hộ tịch trên nền CSDL quốc gia về dân cư; cập nhật, làm giàu, làm sạch các CSDL về dân cư, đất đai, bảo hiểm, an sinh xã hội, thuế, hộ tịch, trẻ em,… đảm bảo dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống”.
Trung tâm Dịch vụ hành chính công tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hà Duy
Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án 06 tỉnh Gia Lai Trương Hải Long-khẳng định: “Với sự chỉ đạo quyết liệt và sự sáng tạo trong tổ chức thực hiện, nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và nhân dân về chuyển đổi số nói chung, Đề án 06 nói riêng có sự chuyển biến tích cực, đã nhìn nhận rõ hơn về thực trạng hạ tầng, nhân lực, dữ liệu, an ninh, an toàn và yêu cầu hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu thực hiện Đề án 06. Niềm tin vào thành công của chuyển đổi số được nâng lên. Nhiều tiện ích từ dữ liệu dân cư, CCCD, định danh điện tử được cung cấp, người dân và xã hội được thụ hưởng ngày càng tốt hơn. Các CSDL quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo thẩm quyền, trách nhiệm của tỉnh dần được hình thành, hoàn thiện để kết nối, chia sẻ phục vụ chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia thường xuyên được cập nhật, đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống”…”.
Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu
Mới đây, ngày 29-1-2024, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 219/UBND-NC về việc Triển khai thực hiện nhiệm vụ Đề án 06 trên địa bàn tỉnh Gia Lai năm 2024. Tiếp tục xác định lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, Kế hoạch đưa ra các mục tiêu chính, gồm: tiếp tục duy trì, thúc đẩy, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, triển khai đồng bộ các giải pháp, hoàn thành các nhiệm vụ Đề án 06 trong năm 2024, triển khai ứng dụng CSDL quốc gia về dân cư phục vụ công tác chuyển đổi số, cải cách hành chính; huy động sự vào cuộc của hệ thống chính trị, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu; khắc phục các khó khăn, vướng mắc, hạn chế “điểm nghẽn” phát sinh trong quá trình thực hiện; sử dụng các điều kiện hạ tầng công nghệ thông tin có sẵn của tỉnh và tiếp tục nâng cấp để đảm bảo triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ Đề án 06.
Kế hoạch đề ra 5 nhiệm vụ với sự phân công phân nhiệm rõ ràng. Cụ thể, các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn và các cơ quan, đơn vị có liên quan được giao chủ trì, thực hiện 2 nhiệm vụ gồm: người đứng đầu các địa phương tăng cường chỉ đạo, có cơ chế kiểm tra, giám sát việc triển khai, thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06 để hướng dẫn, giải đáp, tháo gỡ vướng mắc cho cơ sở; tổ chức thực hiện quy định bãi bỏ yêu cầu nộp, xuất trình sổ hộ khẩu giấy, Sổ tạm trú giấy, Giấy xác nhận cư trú trên địa bàn tỉnh. Công an tỉnh được giao chủ trì thực hiện 2 nhiệm vụ, gồm: rà soát, đánh giá hiện trạng các CSDL dân số do các sở, ngành quản lý và phối hợp xây dựng Quy chế khung thống nhất phương pháp, cách thức chia sẻ các CSDL dùng chung về dân cư của quốc gia.
Cùng với đó, các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục triển khai các nhiệm vụ nhằm hoàn thiện chính sách pháp luật về phát triển, cung cấp ứng dụng, dịch vụ số liên quan đến thông tin dân cư, phát triển ứng dụng khoa học công nghệ (gồm 11 nhiệm vụ); phục vụ cải cách thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến (gồm 19 nhiệm vụ); xây dựng hệ sinh thái, dữ liệu và kết nối, chia sẻ, dùng chung (gồm 15 nhiệm vụ); hoàn thiện nguồn lực, hạ tầng công nghệ thông tin (gồm 8 nhiệm vụ); phát triển công dân số (gồm 4 nhiệm vụ); phát triển kinh tế-xã hội (gồm 6 nhiệm vụ). Đồng thời thực hiện các nhiệm vụ thuộc Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia theo Nghị quyết số 175/NQ-CP ngày 30-10-2023 (gồm 5 nhiệm vụ); phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành (gồm 3 nhiệm vụ).
Nhiều nhà đầu tư chọn Gia Lai làm nơi “đất lành chim đậu” nhờ môi trường đầu tư thông thoáng, TTHC được đơn giản hóa tối đa. Ảnh: Hà Duy
Nói về việc triển khai Đề án 06 trên địa bàn huyện trong năm 2024, Chủ tịch UBND huyện Chư Păh Nay Kiên-chia sẻ: Huyện sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện số hóa các loại hồ sơ, dữ liệu đang quản lý gắn với các biện pháp kiểm tra, xác thực tính chính xác của hồ sơ và làm sạch dữ liệu chuyên ngành. Chủ động nghiên cứu, hoàn thiện và triển khai cung cấp các DVCTT trên Cổng dịch vụ công đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng; tiếp tục tăng cường ứng dụng CSDL quốc gia về dân cư, thẻ CCCD gắn chíp điện tử, tài khoản định danh. Đưa việc thực hiện chỉ tiêu Đề án là một trong các chỉ tiêu chuyên môn của các ban, ngành của huyện gắn với trách nhiệm của thủ trưởng các đơn vị…
“Để tiếp tục triển khai thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh trong năm 2024 với chủ đề “Hoàn thiện hạ tầng công nghệ, số hóa, kết nối chia sẻ dữ liệu phục vụ xây dựng Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, công dân số”, yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phối hợp các sở, ngành có liên quan tổ chức kiểm tra kết quả thực hiện nhiệm vụ Đề án 06, tập trung vào các đơn vị, địa phương chậm chuyển biến trong thực hiện các nhiệm vụ được giao. Các sở, ngành có liên quan theo dõi tiến độ xử lý đối với 558 thủ tục hành chính chưa được thực thi theo 19 Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ, của Tổ Công tác rà soát văn bản pháp luật của Chính phủ để tham mưu UBND tỉnh triển khai. Các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ triển khai Đề án 06”-Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu.