[Gia Lai] Công nghiệp chế biến: Kỳ vọng tăng trưởng mạnh

Với mục tiêu tăng trưởng khoảng 13% so với năm 2023, Gia Lai phấn đấu đạt giá trị ngành công nghiệp chế biến và chế tạo khoảng 22.143 tỷ đồng trong năm 2024.

Đây là mục tiêu có cơ sở khi nhiều sản phẩm công nghiệp chế biến chủ lực của tỉnh có thị trường ổn định, các nhà máy lớn bắt đầu phát huy công suất hoạt động.

Đa dạng hóa sản phẩm công nghiệp chế biến

Gia Lai có diện tích tự nhiên lớn thứ 2 cả nước, có lợi thế về diện tích đất sản xuất nông nghiệp gần 850.000 ha cùng điều kiện khí hậu thuận lợi, đất đai màu mỡ, thích hợp với nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Toàn tỉnh có khoảng 100.000 ha cà phê, 102.900 ha cao su, 32.000 ha cây ăn quả, 20.000 ha điều, 79.300 ha mì, 76.000 ha lúa nước, 37.000 ha mía, 690 ha chè…

Đây là cơ sở để phát huy tiềm năng, lợi thế trong việc xây dựng, phát triển các vùng chuyên canh, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến vào sản xuất theo chuỗi giá trị, chế biến sâu, tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng lớn.

Trong 2 tháng đầu năm 2024, tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh ước đạt hơn 4.797 tỷ đồng, đạt 13,7% kế hoạch và tăng 9% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, giá trị ngành công nghiệp chế biến và chế tạo ước thực hiện 3.203,7 tỷ đồng, đạt 14,5% kế hoạch và tăng 11,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhờ thị trường mở rộng, các nhà máy phát huy công suất và một số nhà máy mới đi vào hoạt động ổn định nên nhiều sản phẩm có mức tăng khá so với cùng kỳ năm ngoái như: đường tinh chế, tinh bột mì, chè, nước ép trái cây, chế biến sữa, phân vi sinh, đá granite… Đây là tín hiệu lạc quan để ngành công nghiệp chế biến tiếp tục tăng trưởng và đóng vai trò chủ đạo, tạo ra giá trị gia tăng lớn nhất cho khu vực công nghiệp.

Công nhân sơ chế chuối xuất khẩu tại Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Hưng Sơn. Ảnh: Đ.T

Công nhân sơ chế chuối xuất khẩu tại Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Hưng Sơn. Ảnh: Đ.T

Với vùng nguyên liệu 300 ha, sản lượng chè búp tươi bình quân khoảng 4.700 tấn/năm. Mỗi năm, Công ty cổ phần Chè Biển Hồ đưa ra thị trường khoảng 1.200-1.300 tấn chè khô các loại. Ông Trịnh Đình Trường-Tổng Giám đốc Công ty-cho biết: “Sau khi cổ phần hóa, Công ty đã chú trọng đổi mới công nghệ, cũng như mời các chuyên gia cao cấp truyền thụ những phương thức, công nghệ chế biến chè lên men nhằm tạo ra những sản phẩm tốt nhất như: hồng trà Mỹ nhân, hồng trà Phi yến, hồng trà Quý phi.

Quá trình chế biến hồng trà khác với chế biến chè xanh, để đưa ra những sản phẩm tốt thì cần có nguồn nguyên liệu đầu vào tốt nhất. Vì vậy, Công ty tập trung chăm sóc cây chè bằng các chế phẩm sinh học. Ngoài việc giữ ổn định chất lượng, Công ty còn chú trọng cải tiến bao bì, mẫu mã để người tiêu dùng nhận diện thương hiệu tốt hơn. Hiện sản phẩm của Công ty đã xuất khẩu qua thị trường Trung Đông, Pakistan… với kim ngạch đạt khoảng 1,9 triệu USD/năm”.

Ông Phan Bá Kiên-Giám đốc Công ty TNHH BaKa (xã Ia Yok, huyện Ia Grai) cho hay: Năm 2008, Công ty bắt tay vào chế biến và chọn dòng cà phê chất lượng cao làm hướng đi lâu dài để xây dựng thương hiệu. Hiện Công ty đã liên kết được hơn 150 ha cà phê của các hộ trên địa bàn để tạo vùng nguyên liệu ổn định, chất lượng, hướng đến tiêu chuẩn hữu cơ, cung cấp ra thị trường mỗi năm khoảng 500-600 tấn cà phê nhân, trong đó có khoảng 200 tấn cà phê chất lượng cao.

Việc đầu tư trang-thiết bị, công nghệ là yếu tố cực kỳ quan trọng để áp dụng quy trình sản xuất hiện đại nhằm tạo ra nhiều dòng sản phẩm cà phê chất lượng cao.

“Bên cạnh các dòng sản phẩm hiện có như: cà phê rang hạt, cà phê bột, cà phê phin tiện lợi… Công ty tiếp tục cho ra đời sản phẩm cà phê hòa tan. Trước đây, muốn làm cà phê hòa tan thì phải mua bột nguyên liệu từ những nhà máy lớn nên giá thành rất cao. Bây giờ, Công ty đã tự sản xuất khép kín.

Không chỉ có cà phê hòa tan, Công ty còn định hướng sản xuất các sản phẩm từ việc tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương như: gừng, nghệ, bơ, sầu riêng để trích ly ra bột”-ông Kiên chia sẻ.

Các mặt hàng nông sản qua chế biến ngày một đa dạng. Ảnh: V.T

Các mặt hàng nông sản qua chế biến ngày một đa dạng. Ảnh: V.T

Theo đánh giá của ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương: “Hiện nay, công nghiệp chế biến tạo ra giá trị gia tăng lớn nhất cho khu vực công nghiệp và đóng vai trò chủ đạo với tỷ trọng chiếm khoảng 65%.

Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 8.000 cơ sở tham gia hoạt động trong ngành công nghiệp chế biến. Hiện trên địa bàn tỉnh có 5 nhà máy chế biến tinh bột mì, 2 nhà máy chế biến đường tinh chế, 2 nhà máy chế biến chè, 5 nhà máy chế biến hạt điều nguyên liệu, 4 nhà máy chế biến hồ tiêu, 15 cơ sở sản xuất, chế biến mủ cao su và hàng trăm cơ sở sản xuất, chế biến cà phê…

Để phát triển công nghiệp chế biến, các doanh nghiệp đã đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất nhằm đa dạng hóa sản phẩm. Ngoài phục vụ thị trường nội địa, việc chế biến sâu các sản phẩm còn tạo nguồn hàng chất lượng để xuất khẩu.

Tuy nhiên hiện nay, công nghiệp chế biến vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Một số sản phẩm có tỷ lệ chế biến sâu còn thấp, chưa tận dụng được hết nguồn nguyên liệu trên địa bàn để sản xuất như: chế biến cà phê bột mới chỉ đạt 23,28%; chế biến tiêu sọ đạt 13,2%; chế biến mủ cao su chỉ dừng lại ở sản xuất sản phẩm thô”.

Phấn đấu giá trị sản xuất tăng thêm khoảng 2.659 tỷ đồng

Trong vài năm gần đây, sản phẩm trái cây chế biến là một trong những mặt hàng mới của tỉnh. Riêng mặt hàng trái cây (cả tươi và chế biến) đã mang về kim ngạch xuất khẩu mỗi năm khoảng 120 triệu USD. Dự kiến, kim ngạch mặt hàng này sẽ tiếp tục tăng qua từng năm khi nhiều công ty đã phát triển vùng nguyên liệu, mở rộng thị trường tiêu thụ ở nhiều quốc gia.

Ông Lưu Quốc Thạnh-Tổng Giám đốc Công ty TNHH Quicornac (Khu Công nghiệp Trà Đa, TP. Pleiku) cho hay: “Sau 2 năm đi vào hoạt động, nhà máy đã sản xuất ra các mặt hàng nước chanh dây cô đặc đông lạnh, nước chanh dây thanh trùng đông lạnh, hương chanh dây tự nhiên.

Hiện nay, công suất chế biến của nhà máy đạt khoảng 400 tấn/ngày đêm. Trong quá trình chế biến, nhà máy và xưởng múc có phát sinh ra phụ phẩm hữu cơ là vỏ chanh dây. Đây là phụ phẩm thân thiện với môi trường, dùng làm thức ăn cho bò và cũng là nguyên liệu quan trọng để làm phân vi sinh”.

Theo ông Thạnh, mỗi năm, Quicornac thu mua 70-100 ngàn tấn chanh dây nguyên liệu để phục vụ cho chế biến.

Việc đầu tư máy móc hiện đại sẽ giúp gia tăng giá trị cho mặt hàng cà phê chế biến. Ảnh: V.T

Việc đầu tư máy móc hiện đại sẽ giúp gia tăng giá trị cho mặt hàng cà phê chế biến. Ảnh: V.T

Tương tự, Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu rau quả DOVECO Gia Lai có dây chuyền chế biến 300 tấn nguyên liệu chanh dây/ngày, 500 tấn dứa/ngày, 200 tấn xoài/ngày, đồng thời sơ chế hàng trăm tấn chuối, thanh long, bắp…

Năng lực sản xuất bình quân 36.000-42.000 tấn sản phẩm các loại/năm với giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 95-110 triệu USD. Việc ổn định thị trường tiêu thụ ở nhiều quốc gia trên thế giới giúp Công ty bao tiêu sản phẩm nguyên liệu, thực hiện các chuỗi liên kết tiêu thụ với các hợp tác xã trên địa bàn.

Với mục tiêu tăng trưởng khoảng 13% (tương ứng khoảng 2.659 tỷ đồng) so với năm 2023, giá trị ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh ước đạt khoảng 22.143 tỷ đồng trong năm 2024. Theo dự kiến của Sở Công thương, nhóm sản phẩm công nghiệp chế biến chủ yếu đóng góp vào giá trị tăng thêm khoảng 1.121 tỷ đồng.

Trong đó, nhóm sản phẩm đường tinh chế có giá trị tăng thêm 248,8 tỷ đồng; sản phẩm nước ép trái cây có giá trị tăng thêm 299,5 tỷ đồng; sản phẩm tinh bột mì có giá trị tăng thêm 229,9 tỷ đồng; sản phẩm sữa có giá trị tăng thêm 109,8 tỷ đồng; nhóm sản phẩm gỗ MDF có giá trị tăng thêm 215,8 tỷ đồng.

Nhóm sản phẩm công nghiệp chế biến khác sẽ đóng góp vào giá trị tăng thêm 1.263,7 tỷ đồng. Trong đó, giá trị tăng thêm của nhóm sản phẩm gỗ, viên nén nhiên liệu (trừ ván MDF) là 56,4 tỷ đồng; nhóm sản phẩm điều, trái cây sấy, nước uống dược liệu, hồ tiêu có giá trị tăng thêm 82,3 tỷ đồng; nhóm xi măng, gạch, bê tông công trình, chế biến sản phẩm từ khai khoáng, thức ăn gia súc gia cầm, nước uống tinh khiết… có giá trị tăng thêm 264,3 tỷ đồng; nhóm công nghiệp chế biến khác và công nghiệp tiểu thủ công nghiệp tăng thêm 860,7 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, các dự án mới đi vào hoạt động và phát huy công suất năm 2024 sẽ đóng góp vào giá trị tăng thêm hơn 275 tỷ đồng.

Theo Giám đốc Sở Công thương, ngành đang nỗ lực huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng kỹ thuật các khu-cụm công nghiệp; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp theo hướng tăng nhanh tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, các ngành công nghiệp có công nghệ, giá trị gia tăng cao.

Hỗ trợ thực hiện các đề án từ nguồn vốn khuyến công cho doanh nghiệp, hộ sản xuất ở nông thôn để nâng cao năng lực cạnh tranh; tăng cường kêu gọi và thu hút các dự án đầu tư công nghiệp chế biến dược liệu, thức ăn chăn nuôi, chế biến rau củ quả, các dự án chế biến sâu các sản phẩm sau đường, chế biến cà phê, hồ tiêu; các sản phẩm tiêu dùng từ cao su, sản xuất cồn sinh học từ mì lát…

Việc phát triển các cụm công nghiệp theo hình thức xã hội hóa đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật sẽ là cơ sở để các chủ đầu tư cụm công nghiệp kêu gọi và thu hút các dự án công nghiệp chế biến đầu tư vào hoạt động.

Mục tiêu trong thời gian tới sẽ thu hút và hình thành một số doanh nghiệp chế biến nông sản hiện đại, có tiềm lực kinh tế và trình độ quản lý ngang tầm với các nước trong khu vực; các cụm công nghiệp chế biến nông sản gắn với phát triển các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung được cơ giới hóa đồng bộ và kết nối tiêu thụ nông sản.

Theo Báo Gia Lai