[Gia Lai] Các doanh nghiệp Hàn Quốc khảo sát môi trường đầu tư tại Gia Lai
Ngày 17-7, đoàn công tác của các doanh nghiệp Hàn Quốc do Giáo sư Oh Sang Sik-Chủ tịch Mạng lưới Nông nghiệp quốc tế tại Việt Nam làm trưởng đoàn đã đến thăm và làm việc với các sở, ngành của tỉnh Gia Lai để tìm hiểu về môi trường đầu tư trên các lĩnh vực.
Quang cảnh buổi làm việc của đoàn công tác các doanh nghiệp Hàn Quốc tại trụ sở Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Gia Lai về nội dung chuẩn bị cơ sở vật chất cho Trung tâm đào tạo điều dưỡng Hàn Quốc. Ảnh: Phương Linh
Đi cùng đoàn có đại diện lãnh đạo: Trường Đại học Hansin Hàn Quốc; Hiệp hội nhân sâm Jeonbuk; Công ty LHS (chuyên chế biến nông sản xuất khẩu, thương mại); Công ty Han Eoulrim; Công ty Hi-Zone Bio; Công ty People Cloud; Nature in farm (Trang trại thiên nhiên); Trang trại Dongjin River; Học viện Công nghệ Gwangmyeong, Đại học Bách khoa Hàn Quốc.
Tiếp và chủ trì làm việc với đoàn công tác về phía tỉnh Gia Lai có ông Nguyễn Tùng Khánh-Giám đốc Sở Ngoại vụ. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Nông nghiệp và PTNT, Khoa học và Công nghệ, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa-Thể thao và Du lịch.
Các doanh nghiệp Hàn Quốc tìm hiểu về sản phẩm OCOP của tỉnh Gia Lai. Ảnh: Phương Linh
Ở lĩnh vực nông nghiệp, tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT đã thông tin sơ bộ đến đoàn công tác về tiềm năng, thế mạnh nông nghiệp tỉnh Gia Lai, tổng quan về các quy định, chính sách liên quan đến cây dược liệu; danh mục các dự án, vùng trồng ngô, nấm và sâm trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Gia Lai có tài nguyên rừng phong phú và đa dạng sinh học về động vật, trong đó có 537 loài dược liệu quý hiếm thuộc 135 họ có giá trị sử dụng rộng rãi, tiềm năng lớn để phát triển trở thành sản phẩm chủ lực, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân và phát triển kinh tế, xã hội. Trong đó có 21 loài dược liệu là thực vật quý hiếm được ghi nhận trong Sách Đỏ Việt Nam, 30 loài cây dược liệu chính được sử dụng rộng rãi, có giá trị kinh tế cao như: sa nhân, đương quy, mật nhân, đẳng sâm, hà thủ ô đỏ, lan kim tuyến… Các loài dược liệu phân bổ chủ yếu dưới các tán rừng tự nhiên, tập trung ở các huyện Kbang, Đak Đoa, Chư Prông, Mang Yang với tổng diện tích hơn 45.300 ha. Bên cạnh đó, người dân trong tỉnh cũng đã đầu tư phát triển, mở rộng diện tích trồng dược liệu trên đất nông nghiệp với hơn 3.000 ha…Ông Seok Ju Won-Giám đốc Bộ phận kỹ thuật của Nature in farm (Trang trại thiên nhiên) chia sẻ về quá trình trồng nấm của trang trại. Ảnh: Phương Linh
Tại buổi làm việc, đại diện các doanh nghiệp Hàn Quốc giới thiệu sơ bộ về ngành nghề, kỹ thuật và nhu cầu trồng trọt cũng như tìm hiểu thêm về tiềm năng trồng và xuất khẩu ngô sinh khối, nấm các loại; điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng để trồng cây sâm Hàn Quốc ở Gia Lai… Các doanh nghiệp cũng bày tỏ mong muốn được tỉnh Gia Lai quan tâm, tạo điều kiện để có thể hợp tác trồng, sản xuất và phát triển các sản phẩm nông nghiệp trên tại tỉnh.
Bên cạnh đó, các sở, ngành tỉnh và đoàn công tác các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng trao đổi việc chuẩn bị cho đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh đi Hàn Quốc vào tháng 9-2023; thống nhất Văn kiện về thỏa thuận hợp tác lao động thời vụ; trao đổi việc thành lập Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc; tìm hiểu chính sách ưu đãi đầu tư, thương mại và cơ hội hợp tác đầu tư thương mại, du lịch với Gia Lai. Các sở, ngành của tỉnh cũng thông tin đến đoàn công tác về các danh mục dự án kêu gọi đầu tư, tình hình xuất khẩu các loại nông sản chủ lực, tiềm năng, thế mạnh về du lịch nông nghiệp, văn hóa, lịch sử của Gia Lai…
Dịp này, Sở Ngoại vụ phối hợp với Sở Y tế cũng đưa đoàn đi thăm Trường Cao đẳng Gia Lai, địa điểm dự kiến thành lập Trung tâm đào tạo điều dưỡng Hàn Quốc.
Đoàn công tác các doanh nghiệp Hàn Quốc đặc biệt quan tâm đến tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Gia Lai trong phát triển nông nghiệp, nhất là cây dược liệu như sâm, nấm hay cây lương thực như bắp… Ảnh: Phương Linh
Được biết, ngày 18-7, đoàn công tác các doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ thăm vùng trồng dược liệu và trồng sâm thực nghiệm tại Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh.