[Thừa Thiên Huế] Doanh nghiệp Thừa Thiên Huế chưa bị tác động tiêu cực

Giá trị đồng Euro giảm mạnh, thậm chí có thời điểm 1 Euro chưa đổi được 1 USD đã ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp (DN) trên thế giới và Việt Nam. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa cho thấy những tác động tiêu cực đáng kể đối với các DN xuất nhập khẩu ở Thừa Thiên Huế, ít nhất là ở thời điểm hiện tại.

Các doanh nghiệp ở lĩnh vực dệt may có thể chịu ảnh hưởng do biến động tỷ giá. Ảnh: Hoàng Phước

Công ty CP Dệt may Huế là một trong những DN xuất nhập khẩu lớn trên địa bàn tỉnh. Năm 2021, công ty đạt doanh thu 1.760 tỷ đồng, tăng trưởng 35% so với năm 2020, vượt 23% kế hoạch năm; kim ngạch xuất khẩu 148 triệu USD, tăng 52% so với năm 2020, đạt 171% kế hoạch năm; lợi nhuận đạt 72 tỷ đồng, đạt 280% kế hoạch năm, nộp ngân sách gần 40 tỷ đồng, gấp đôi năm 2020.

Theo một lãnh đạo Công ty CP Dệt may Huế, trong các hoạt động giao thương với thị trường châu Âu, DN chủ yếu giao dịch bằng đồng USD nên ảnh hưởng không đáng kể. Tuy nhiên, nếu như trong 6 tháng đầu năm 2022, tình hình hoạt động của DN khá tốt, tăng trưởng trên 20% thì trong 6 tháng cuối năm, mức tăng trưởng dự báo biến động theo chiều hướng đi xuống.

“Nguyên nhân ở đây không hoàn toàn do chênh lệch tỷ giá giữa Euro/USD, mà chủ yếu do một số tác động, như: chi phí nhập khẩu nguyên phụ liệu tăng cao, chính sách Zero COVID của Trung Quốc, chi phí logistics tăng… Dẫu vậy, chúng tôi khẳng định vẫn đảm bảo mục tiêu việc làm, an sinh xã hội… cho tất cả người lao động của DN”, vị lãnh đạo này nói.

Dệt may Huế khẳng định đảm bảo mục tiêu việc làm, an sinh xã hội… cho tất cả người lao động của doanh nghiệp

Là 1 trong hơn 6.500 DN nhỏ và vừa của Thừa Thiên Huế, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của Công ty CP Chế biến gỗ Thừa Thiên Huế đạt kế hoạch đề ra là 3 triệu USD; doanh thu, trung bình mỗi năm dao động từ 80 – 100 tỷ đồng.

Theo ông Lê Dương Huy – Giám đốc Công ty CP Chế biến gỗ Thừa Thiên Huế, đơn vị sử dụng USD để giao dịch là chủ yếu. Và do là DN nhỏ nên đến thời điểm này, bản thân DN vẫn chưa thật sự nhận diện rõ những tác động tiêu cực hay tích cực ảnh hưởng đến công ty từ chênh lệch tỷ giá Euro/USD tạo ra.

“Năm 2022, đơn hàng của DN giảm khoảng 50% trong khi chi phí đầu vào đội lên hơn 10% khiến doanh thu năm nay giảm từ 10 – 30% so với năm 2021. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu do lạm phát chứ không phải do chênh lệch tỷ giá giữa Euro/USD”, ông Lê Dương Huy thông tin thêm.

Không chỉ tác động rất nhỏ, mà với một số DN, chênh lệch tỷ giá giữa Euro/USD còn giúp họ hưởng lợi.

Đơn cử như Công ty CP Dệt may Phú Hòa An – một trong những DN lớn với hơn 2.000 nhân công, đóng tại Khu Công nghiệp Phú Bài (TX. Hương Thủy). Quá trình hoạt động, toàn bộ hàng hóa của DN này đều là hàng xuất khẩu qua Mỹ, và việc sử dụng USD trong giao dịch đã giúp công ty có lợi hơn so với thời điểm cùng kỳ các năm.

“Hầu hết DN ở Thừa Thiên Huế giao dịch bằng USD nên tác động tiêu cực không đáng kể. Thậm chí với nhiều DN chuyên xuất hàng qua Mỹ hoặc sử dụng USD trong giao dịch còn được hưởng lợi khi tỷ giá USD cao. Hiện, điều chúng tôi đang phải đối mặt là một số tác động từ xung đột Nga – Ukraine, chính sách Zero COVID của Trung Quốc, chi phí logistics tăng, chuỗi cung ứng đứt gãy… khiến đơn hàng giảm, dẫn đến sụt giảm doanh thu chứ không phải câu chuyện tỷ giá giữa Euro/USD”, ông Lê Hồng Long – Giám đốc Công ty CP Dệt may Phú Hòa An nói.

Có thể thấy, giao dịch thương mại của các DN xuất nhập khẩu ở Thừa Thiên Huế chủ yếu bằng USD. Do đó, tác động của Euro khi tỷ giá sụt giảm trên tổng thể về cán cân thanh toán không quá quan ngại.

Theo Báo Thừa Thiên Huế