Đưa du lịch Việt Nam cất cánh
Bước sang năm mới, ngành du lịch đứng trước nhiều thách thức khi mục tiêu đón lượng khách quốc tế lên tới 18 triệu du khách. Ngành du lịch cần thay đổi như thế nào?
Năm 2023, du lịch Việt Nam đón 12,6 triệu lượt khách quốc tế, cao gấp 3,4 lần năm so với cùng kỳ năm trước, vượt xa mục tiêu 8 triệu khách đặt ra hồi đầu năm. Đây là nỗ lực vượt bậc của ngành du lịch.
“Phục hồi mạnh mẽ” là cụm từ để nói về ngành du lịch Việt Nam trong năm qua. Không chỉ bứt phá ở thị trường trong nước, khách quốc tế đến Việt Nam cũng vượt xa con số mục tiêu của năm 2023. Hàng loạt những điểm đến yêu thích của nước ta trở thành điểm dừng chân của khách quốc tế. Hình ảnh du lịch Việt được nâng cao, định vị rõ nét hơn trên bản đồ thế giới.
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành văn hóa, thể thao và du lịch, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu phấn đấu trong năm nay, ngành du lịch đón và phục vụ 18 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 110 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch ước đạt 850.000 tỷ đồng.
Những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới về kinh tế, chính trị là lực cản cho phát triển du lịch 2023. Lần đầu tiên Chính phủ đã tổ chức 2 hội nghị du lịch bàn giải pháp phát triển ngành trong một năm. 3 nghị quyết đã được ban hành, trong đó cú hích lớn nhất đó là việc Quốc Hội thông qua chính sách miễn thị thực, nâng thời hạn lưu trú cho du khách và áp dụng cấp thị thực điện tử (E-Visa) cho công dân tất cả các quốc gia trên thế giới. Sự thông thoáng trong thủ tục nhập cảnh đã có tác dụng tích cực, nhất là đối với các địa phương có cửa khẩu.
“Với sự thuận lợi như vậy, khi du khách quốc tế nhập cảnh vào Quảng Ninh bằng bất cứ cửa khẩu quốc tế nào cũng đều thuận lợi, vì vừa được sử dụng visa thông thường và E-Visa”, bà Nguyễn Huyền Anh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Quảng Ninh, cho biết.
Việc nâng thời hạn tạm trú cho khách quốc tế lên 45 ngày mở ra nhiều triển vọng tạo ra nguồn thu, thẩm thấu vào nền kinh tế.
Đối với các thị trường khách mà nước ta đơn phương miễn thị thực, từ khi chính sách có hiệu lực (15/8/2023), đã có hơn 1,2 triệu lượt khách nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực, tăng 1,6 lần so với năm 2022.
Các quốc gia có lượng nhập cảnh theo diện này lớn nhất lần lượt là Hàn Quốc, hơn 886.000 lượt. Đây cũng là thị trường dẫn đầu trong tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam, chiếm 30%.
“Lần này tôi đến Phú Quốc là lần thứ 3, thời điểm này đang đẹp nhất trong năm để đến đây. Ngoài ra, tôi sẽ đến TP Hồ Chí Minh để cảm nhận cuộc sống đô thị Việt Nam”, ông Roh Junho, du khách Hàn Quốc, chia sẻ.
Tính chung trong cả năm, khách châu Á vẫn là nguồn khách chính của du lịch Việt Nam với hơn 8,7 triệu lượt khách. Đứng thứ 2 là khách châu Âu với hơn 1,4 triệu lượt khách.
TP Hồ Chí Minh đón 5 triệu lượt khách quốc tế, doanh thu ngành du lịch đạt 160.000 tỷ đồng – doanh thu cao nhất trong 5 năm qua, vượt cả năm 2019.
Hà Nội đã đón 4 triệu lượt khách quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 87,65 nghìn tỷ đồng, tương đương 84,4% kết quả năm 2019. Về đích sớm mục tiêu đón khách quốc tế đã góp phần đáng kể trong việc tăng tổng khối lượng doanh thu du lịch ở địa phương.
“Dòng khách quay lại, khôi phục hoạt động, đón được dòng tiền, vượt qua khó khăn, đặc biệt là tạo được đà thuận lợi cho năm 2024 và những năm tiếp theo”, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, nhận định.
Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ để đón khách nước ngoài
Những gì ngành du lịch đạt được thời gian qua là điều đáng tự hào. Du lịch được coi là một điểm sáng trong sự phục hồi chung của nền kinh tế, có tác động lan tỏa tới nhiều lĩnh vực, góp phần cải thiện 3 động lực tăng trưởng của nền kinh tế là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng. Tuy nhiên, những rào cản của ngành du lịch để thu hút khách du lịch nước ngoài vẫn cần được tháo gỡ càng sớm, càng tốt.
Dù ghi nhận lượng khách tăng trưởng và vượt mục tiêu đề ra trong cả căm nhưng ở một số thời điểm được cho là hút khách như dịp nghỉ lễ 2/9, các trung tâm du lịch lớn của Việt Nam đìu hiu ngóng khách. Như tại Phú Quốc, dịp này chỉ đón hơn 19.000 lượt khách lưu trú, giảm gần 40% so với cùng kỳ và công suất phòng chỉ đạt khoảng 27%.
Năm 2023, du lịch Việt Nam đón 12,6 triệu lượt khách quốc tế, cao gấp 3,4 lần năm so với cùng kỳ năm trước. (Ảnh: Dân trí)
Các chuyên gia cho rằng cần đẩy mạnh phân tích thị hiếu, nhu cầu của du khách chứ không chỉ thống kê số lượng khách đến. Để du lịch nội địa không bị lép vế, giá cả phải cạnh tranh với tour nước ngoài.
Ở thị trường khách quốc tế, chính sách thị thực, tăng thời hạn lưu trú lên 45 ngày với khách quốc tế là cú hích lớn nhất thúc đà tăng trưởng khách trong năm qua. Tuy nhiên, số lượng các quốc gia được miễn thị thực đơn phương của Việt Nam còn khiêm tốn so với các quốc gia láng giềng. Nếu có thể áp dụng miễn thị thực ngắn hạn cho khách du lịch từ một số thị trường tiềm năng, quy mô lớn sẽ hấp dẫn khách đến.
Với khoảng 2 triệu USD dành cho xúc tiến quảng bá du lịch hàng năm, số tiền của Việt Nam cho công tác truyền thông, xúc tiến du lịch chỉ bằng chỉ bằng 2,9% của Thái Lan, 2,5% của Singapore và 1,9% chi phí của Malaysia. Năm 2022, Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch đã chính thức được vận hành hoạt động, nhưng cần một cơ chế rõ ràng hơn trong việc hiện thực hóa các mục tiêu của quỹ.
Du lịch với chức năng là một ngành kinh tế tổng hợp, cần phải có giải pháp tổng thể và được điều phối bởi một nhạc trưởng tránh tình trạng mạnh ai nấy làm.
Sau thành công của năm vừa qua, ngành du lịch đặt kỳ vọng mục tiêu 18 triệu khách quốc tế và 110 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch ước đạt 850.000 tỷ đồng.
Phát triển ngành du lịch hiện nay không chỉ có Việt Nam, mà rất nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm. Du lịch được xem là ngành kinh tế mũi nhọn, vì nó mang lại những lợi ích to lớn cho tăng trưởng kinh tế, giao lưu văn hóa, bảo vệ những giá trị truyền thống. Điều đó cũng cho thấy rằng, cạnh tranh để thu hút khách du lịch cũng đang rất mạnh ở các quốc gia khác nhau.
Chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã định hướng ngành du lịch cần thay đổi tư duy, có cách làm sáng tạo, chuyển từ cung cấp cái mình có sang cung cấp dịch vụ và sản phẩm mà khách hàng cần; phát triển ngành du lịch nhanh, bền vững, từ du lịch “một mùa” sang hấp dẫn khách du lịch quay trở lại nhiều lần.