Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi): Kỳ vọng sẽ khắc phục được những điểm chồng chéo
Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam tại Hội thảo Góp ý Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) được VCCI tổ chức sáng ngày 13/4…
Theo đó, để tiếp tục góp ý hoàn thiện Dự thảo, bảo đảm tính hợp lý, khả thi của quy định, bảo đảm quyền và lợi ích của doanh nghiệp, sáng ngày 13/4, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cùng Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi).
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn – Phó Tổng thư ký, kiêm Trưởng ban Pháp chế của VCCI cho biết, Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022) và dự kiến được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5 – 6/2023).
Theo ông Tuấn, những quy định trong Dự thảo Luật có thuận lợi hay không, có khả thi hay không, có khơi thông được quá trình thực hiện trên thực tế hay không, cộng đồng doanh nghiệp cần phải tích cực đóng góp ý kiến hoàn thiện Dự thảo Luật. Các ý kiến đóng góp cần tập trung gợi ý, đề xuất giải pháp và được cụ thể hóa bằng quy định trong Dự thảo Luật để tăng tính hiệu quả và khả thi hơn.
Đồng quan điểm đã nêu, thông tin tại Hội thảo, ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cũng cho biết, lĩnh vực xây dựng và bất động sản đóng góp khoảng 12% trong GDP của cả nước; do vậy, Hiệp hội rất quan tâm và thường xuyên đóng góp ý kiến về những nội dung điều chỉnh của Dự thảo Luật. Hiệp hội kỳ vọng, các quy định trong Luật sẽ khắc phục được những điểm chồng chéo, tăng tính thống nhất với các luật liên quan, tạo động lực tăng trưởng quan trọng trong thời gian tới.
Tại Hội thảo, dưới góc độ Cơ quan chủ trì soạn thảo, đại diện Cục Quản lý đấu thầu chia sẻ, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Dự án Luật này được Chính phủ trình với mục tiêu cơ bản là nhằm kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập trong quá trình thi hành Luật; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về đấu thầu; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư và quản lý Nhà nước đối với hoạt động đấu thầu.
Trong quá trình thảo luận tại Kỳ họp thứ 4 và các diễn đàn của Quốc hội, đa số các đại biểu Quốc hội đã thống nhất về sự cần thiết, mục tiêu, quan điểm sửa đổi Luật; đồng thời đặt ra yêu cầu tiếp tục rà soát, hoàn thiện một số quy định của Dự thảo Luật. Trong đó, có các quy định về phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc áp dụng Luật; các hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; hồ sơ, quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; các quy định mua thuốc, thiết bị, vật tư y tế…
“Trong thời gian qua, Cơ quan soạn thảo đã phối hợp chặt chẽ với Cơ quan thẩm tra của Quốc hội – Ủy ban Tài chính Ngân sách tổng hợp đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội và các cơ quan, tổ chức có liên quan để nghiên cứu, đề nghị phương án tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo Luật”, đại diện Cơ quan soạn thảo chia sẻ.
Theo vị đại diện này, nhiệm vụ nghiên cứu và xây dựng Dự án Luật xuất phát từ yêu cầu thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội.
Do vậy, Chính phủ đã xác định những nội dung sửa đổi, bổ sung tại Dự thảo Luật này cần hướng tới mục tiêu vừa khắc phục những khó khăn, vướng mắc về thể chế, khơi thông và phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế – xã hội, vừa bảo đảm thích ứng nhanh hơn trong bối cảnh phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.
Bên cạnh đó, Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) là đạo luật liên quan đến nhiều luật khác như: Luật Đầu tư công; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Xây dựng…, đòi hỏi phải nghiên cứu, rà soát kỹ để tránh chồng chéo, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản luật hiện hành cũng như các luật đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung như: Luật Đất đai; Luật Quản lý, sử dụng vốn đầu tư của Nhà nước vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
“Trên tinh thần cầu thị, Cục Quản lý đấu thầu mong muốn lắng nghe ý kiến trao đổi thẳng thắn, xây dựng những nội dung Dự thảo Luật nhằm đạt được mục tiêu kỳ vọng đặt ra là sửa đổi toàn diện Luật để giải quyết được các vấn đề thực tiễn phát sinh, bảo đảm hiệu quả thực chất của hoạt động đấu thầu và phù hợp với thông lệ quốc tế tốt nhất”, đại diện Cơ quan soạn thảo bày tỏ.
Thông tin tại Hội thảo, đại diện Cơ quan soạn thảo cũng cho biết, so với khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, Dự thảo Luật lần này bao gồm 10 Chương, 99 Điều; trong đó bỏ 5 Điều, thêm 6 Điều, sửa đổi nội dung 55 Điều, giữ nguyên 14 Điều. Dự thảo Luật cũng bổ sung các quy định nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế, nâng cao chất lượng, hiệu quả đấu thầu, phòng chống tiêu cực, tham nhũng như: chống hành vi thông thầu, chống hành vi gian lận, giá rẻ trúng thầu, hành vi bị cấm trong đấu thầu và xử lý vi phạm…
Những nội dung thu hút sự quan tâm thảo luận của doanh nghiệp, hiệp hội tại Hội thảo gồm: phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng Luật; nguyên tắc áp dụng Luật; quy trình, thủ tục, thời gian trong đấu thầu; bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu, ưu đãi trong đấu thầu; các trường hợp chỉ định thầu; lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt; các loại hợp đồng trong lựa chọn nhà thầu; lựa chọn nhà đầu tư; mua thuốc, hóa chất trang thiết bị y tế…
Sau những chia sẻ đã nêu, Hội thảo cũng đã lắng nghe và ghi nhận những góp ý từ doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và các chuyên gia tham dự. Bên cạnh những vấn đề được giải đáp tại chỗ, đại diện Cơ quan soạn thảo cũng ghi nhận những góp ý từ phía các đại biểu tham dự.