Doanh nghiệp phải đương đầu với loạt thách thức, khó khăn

Theo số liệu Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mới công bố, hiện khu vực DN đã có những bước phát triển tích cực sau thời gian ngưng trệ do dịch bệnh.

Thị trường, đặc biệt là thị trường nội địa của các DN trong một số ngành, lĩnh vực đã phục hồi lên mức 75 – 85% so với trước dịch Covid-19. Tuy nhiên, các DN còn gặp nhiều khó khăn cần được quan tâm giải quyết ngay trong những tháng còn lại của năm và năm 2023.

Doanh nghiệp chưa phục hồi đầy đủ

Tại một hội thảo mới đây, TS Nguyễn Đình Cung – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư cho rằng, nền kinh tế trong nước như thị trường tài chính nhiễu động mạnh, thanh khoản thị trường suy giảm; thị trường chứng khoán suy giảm mạnh và nhanh; nhà đầu tư thua lỗ lớn và tháo chạy khỏi thị trường. Cùng với đó là tín dụng khô cạn, huy động vốn qua tất cả các kênh thị trường trở nên khó khăn hơn bao giờ hết khiến DN khó tiếp cận vốn, thậm chí đói vốn.

Hoạt động sản xuất tại Công ty Ngọc Dần, huyện Thanh Trì. Ảnh: Phạm Hùng

Song song đó, thị trường bất động sản chuyển nhanh từ nóng sang lạnh đóng băng cục bộ, thanh khoản suy giảm. Dẫn đến vốn đọng lại trong bất động sản lớn, hàng loạt công ty, nhà đầu tư bất động sản mất thanh khoản, mất khả năng thanh toán và giải thể, phá sản.

Hệ thống tổ chức tín dụng vừa hồi phục sau khủng hoảng nay đang bị lung lắc mạnh, nợ xấu gia tăng. Đầu tư, sản xuất kinh doanh của DN đang ngày càng trở nên khó khăn hơn. Từ những nhận định trên, ông Cung cảnh báo, DN đang suy yếu, chưa phục hồi đầy đủ sau đại dịch Covid-19 và tới đây, tình hình kinh tế sẽ còn khó khăn hơn nữa nhất là khi nhu cầu bên ngoài suy giảm mạnh do ảnh hưởng của cuộc chiến Nga – Ukraine.

Nhiều chuyên gia kinh tế còn cho rằng, giá đầu vào, nhất là nhập khẩu tăng cao hơn; tất cả chi phí đầu vào đều tăng cao hơn tốc độ tăng CPI; giải ngân đầu tư công chậm, không theo khối lượng xây lắp hoàn thành. Các DN từ cung cấp đất, đá sỏi và vật liệu, máy móc, nhà thầu… đều nợ lẫn nhau; chỉ được trả khi giải ngân.

Về phía cơ quan nhà nước còn chưa linh hoạt trong điều chỉnh một số chính sách và cách thức quản lý, điều hành phát triển kinh tế – xã hội (giá vật liệu xây dựng, room tín dụng, tỷ giá, mục tiêu lạm phát… hay một số nội dung của chương trình phục hồi không còn phù hợp, mà không được điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi…). Với những biến động bất thường của thị trường xăng, dầu hay trái phiếu DN cũng là khó khăn rất lớn làm ảnh hưởng đến động lực tăng trưởng kinh tế.

Làm gì để DN phát triển?

Để DN vượt qua được những thách thức khó khăn và góp phần vào quá trình phục hồi của nền kinh tế, mới đây VCCI đã đưa ra các kiến nghị cần triển khai ngay trong các tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023.

Theo đó để DN phục hồi, phát triển bền vững, cần giúp DN tăng cường khả năng tiếp cận các gói hỗ trợ của Nhà nước, ví dụ như: Giảm thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng, dầu, giảm mức thuế suất ưu đãi thuế nhập khẩu xăng, giảm tiền điện – một trong những chi phí đầu vào quan trọng của nhiều ngành sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, cần có biện pháp để tháo gỡ những vướng mắc trong điều kiện tiếp cận các khoản vốn vay ưu đãi để các chính sách hỗ trợ DN phục hồi thực sự phát huy hiệu quả; đồng thời, hoàn thiện khung khổ pháp lý tạo thuận lợi cho sự ra đời và phát triển của các mô hình kinh doanh dựa trên đổi mới, sáng tạo. Tiếp đó, cần xây dựng luật riêng về kinh tế tuần hoàn, gắn với các hoạt động đổi mới sáng tạo phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế bền vững.

Cộng đồng DN cũng nhấn mạnh đến việc đẩy mạnh chương trình cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, với trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cắt giảm chi phí cho DN.

Chính phủ sớm có chương trình hành động cụ thể và thiết thực nhằm nâng cao khả năng tận dụng ưu đãi thuế quan FTA để xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa và xử lý các vướng mắc về chính sách liên quan tới quy tắc xuất xứ trong các FTA.

TS Nguyễn Đình Cung cho biết, trước mắt cần nỗ lực khôi phục niềm tin thị trường, niềm tin của nhà đầu tư; tăng cường quản lý, điều tiết bằng các giải pháp thị trường, không bằng mệnh lệnh hành chính, để tránh làm đứt gãy hoạt động bình thường của thị trường.

“Để DN sớm phục hồi sớm trở thành động lực tăng trưởng, cần thúc đẩy tự do kinh doanh và nâng cao hiệu quả thị trường, tăng cường cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh; tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng; đồng thời, thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng thông qua các FTA song phương và đa phương” – ông Cung khuyến nghị.

Tính đến hết tháng 11/2022, cả nước có 194,7 nghìn DN đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 33,2% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 17,7 nghìn DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Tuy nhiên, số rút lui khỏi thị trường là 132,3 nghìn DN, tăng 24,3%; bình quân một tháng có 12.000 DN rút lui khỏi thị trường.

Theo Kinh tế & Đô thị