Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM (HUBA) vừa công bố báo cáo quý I/2025, phản ánh nhiều thách thức trong hoạt động kinh doanh. Tình trạng giải thể, phá sản, tạm ngừng hoạt động vẫn phổ biến ở một số ngành, đặc biệt khi nhu cầu tiêu dùng sụt giảm.
50% doanh nghiệp tham gia khảo sát của HUBA cho biết gặp khó khăn do sức mua yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu và sản xuất. 39% thiếu vốn, 38% chịu áp lực chi phí nguyên liệu tăng, 37% thiếu đơn hàng mới. Đặc biệt, 39% doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận giảm, phản ánh áp lực chi phí ngày càng lớn. Dù vậy, 33,7% doanh nghiệp vẫn mở rộng tuyển dụng, cho thấy tín hiệu tích cực ở một số lĩnh vực.
Trước đó, theo khảo sát bình chọn của Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao 2025, sức mua chưa có tín hiệu tăng tốc so với 2024.
Người dân mua sắm tại siêu thị Tops Market ở TP HCM. Ảnh: Thanh Tùng
Trong lĩnh vực dịch vụ, báo cáo “Travel Pulse” do Klook và nền tảng nghiên cứu người tiêu dùng GWI thực hiện tại 14 thị trường, bao gồm Việt Nam, cho thấy 85% người tiêu dùng thuộc nhóm Millennial và Gen Z (sinh từ 1981 đến 2012) được hỏi nói gặp hạn chế trong đi du lịch do lo ngại tài chính, thiếu thời gian và trách nhiệm công việc. Riêng tại Việt Nam, 50% du khách Gen Z gặp khó khăn về chi phí.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, nhận định các doanh nghiệp thành viên dự báo giai đoạn 2025-2026 vẫn còn nhiều thách thức, trong đó sức mua giảm là nguyên nhân chính. Theo bà, sự dè dặt trong chi tiêu phản ánh tình trạng suy giảm việc làm và thu nhập, cùng với tác động từ bất ổn kinh tế thế giới đến xuất khẩu và thu nhập của người lao động.
Dù đối diện với nhiều khó khăn, 63% doanh nghiệp vẫn đánh giá môi trường kinh doanh hiện tại khả quan, trong khi 85,7% tin tưởng vào sự cải thiện trong thời gian tới. Điều này phản ánh niềm tin vào khả năng phục hồi của thị trường.
Ngành thực phẩm, đặc biệt là nông sản xuất khẩu như dừa, sầu riêng, hồ tiêu, cà phê, điều và thủy sản, duy trì tăng trưởng ổn định, dự kiến đạt trên 8% trong năm 2025 nhờ nhu cầu toàn cầu tăng cao. Ngành dịch vụ ăn uống và bán lẻ cũng tăng trưởng mạnh nhờ thay đổi thói quen tiêu dùng.
Xuất khẩu gỗ tăng nhẹ nhưng phải đối mặt với cạnh tranh từ ASEAN, gây áp lực lên vốn đầu tư. Ngành dệt may phục hồi với nhiều đơn hàng dài hạn, song vẫn chịu ảnh hưởng từ thuế suất và căng thẳng thương mại với Mỹ, EU, buộc doanh nghiệp phải điều chỉnh chiến lược linh hoạt.
Bất động sản, đặc biệt là xây dựng và phát triển khu công nghiệp, có tín hiệu khởi sắc khi các vướng mắc pháp lý dần được tháo gỡ. Nhiều dự án bị đình trệ trước đây đã được triển khai trở lại, tạo cơ hội cho doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Ngành du lịch TP HCM cũng ghi nhận sự phục hồi với việc cải tạo các điểm đến, thu hút 53,5 triệu lượt khách trong năm 2025. Các sự kiện, hội chợ được tổ chức thường xuyên, góp phần thúc đẩy tăng trưởng du lịch.
Trong khi đó, chợ truyền thống gặp khó khăn do cơ sở hạ tầng xuống cấp, nhiều tiểu thương phải đóng cửa, khiến sức mua giảm sút. Ngược lại, siêu thị và trung tâm thương mại ghi nhận doanh thu tăng từ 20% đến 30% nhờ xu hướng tiêu dùng hiện đại.
Để tháo gỡ khó khăn, doanh nghiệp kiến nghị được hỗ trợ vốn tín dụng, giảm lãi suất vay, kích cầu đầu tư và tiêu dùng, đồng thời giảm và gia hạn các loại thuế phí. Phát triển hạ tầng giao thông và tiện ích cũng được xem là yếu tố quan trọng.
HUBA đề xuất TP HCM cắt giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Ngoài ra, các ngân hàng thương mại được đề nghị giảm biên lợi nhuận (NIM) xuống 2,5%, giúp giảm lãi suất vay và hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ dàng hơn.
Bên cạnh đó, Hiệp hội đề nghị thành phố tập trung phát triển mạng lưới giao thông, hoàn thiện hệ thống đường bộ, phát triển các phương thức lưu thông mới và đẩy nhanh tiến độ xây dựng metro, vành đai nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững.