Doanh nghiệp cần một hành lang pháp lý kinh doanh ổn định
Rủi ro pháp lý cao đồng nghĩa với hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp kém thuận lợi…
Đây là chia sẻ của Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – Phạm Tấn Công tại Hội thảo công bố Báo cáo “Dòng chảy pháp luật kinh doanh Việt Nam 2022” do VCCI tổ chức ngày 4/4.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch Phạm Tấn Công nhấn mạnh, một mong muốn quan trọng mà cộng đồng doanh nghiệp muốn truyền tải trong Báo cáo này đó là sự ổn định môi trường pháp lý để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân. Đối với các dự án đầu tư lớn, thực hiện trong thời gian dài, các nhà đầu tư luôn đòi hỏi tính ổn định và khả năng dự đoán của môi trường pháp lý để quyết định liệu có đầu tư hay không. Rủi ro pháp lý cao đồng nghĩa với hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp kém thuận lợi.
“Tuân phủ pháp luật là bắt buộc nhưng cũng liên quan đến cách điều hành, vận hành, ban hành chính sách. Những doanh nghiệp lớn đầu ngành như những con tàu lớn, không thể phanh gấp nên rất cần môi trường kinh doanh ổn định”, Chủ tịch Phạm Tấn Công chia sẻ.
Theo Chủ tịch Phạm Tấn Công, Báo cáo của VCCI công bố cho thấy, năm 2022, hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật ở nước ta có một số “dòng chảy” chính như: Các chính sách ứng phó với những tác động của kinh tế thế giới hợp lý và khá linh hoạt; các chính sách liên quan đến hỗ trợ, phục hồi sau đại dịch tiếp tục được thúc đẩy, đã góp phần giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn; các chính sách liên quan đến nền tảng số tiếp tục được hoàn thiện; hoạt động cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí tuân thủ tiếp tục được thúc đẩy…
Tuy nhiên, bên cạnh việc rất nhiều thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ đã được cắt giảm, đơn giản hóa, doanh nghiệp vẫn còn những băn khoăn về tính thực chất của hoạt động này. Bởi, nhiều quy định vướng mắc, gia tăng chi phí kinh doanh một cách bất hợp lý cho doanh nghiệp (ví dụ: Các quy định về phòng cháy, chữa cháy…) vẫn còn thiếu vắng trong các phương án đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa chi phí tuân thủ.
Cùng với đó, năm 2022, có những vấn đề “nóng” đòi hỏi nhà quản lý phải nhìn nhận lại cơ chế quản lý và hoàn thiện chính sách, như: Hoạt động đấu giá đất và bỏ cọc của doanh nghiệp trúng đấu giá, hay các vi phạm trong phát hành trái phiếu riêng lẻ. Những hoạt động này đã tác động rất lớn đến nền kinh tế và ảnh hưởng khác lớn đến môi trường đầu tư kinh doanh…
Thực tế, Báo cáo dòng chảy pháp luật kinh doanh 2022 của VCCI chỉ rõ, việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính năm 2022 “có tinh thần cải cách nhưng vẫn nhiều điều băn khoăn về tính thực chất”. Theo đó, các vấn đề về cải cách thủ tục tập trung chủ yếu ở việc bãi bỏ các tài liệu trong hồ sơ mà cơ quan cấp phép đã có và/hoặc tra cứu được trong hệ thống dữ liệu thông tin của cơ quan Nhà nước, bổ sung phương thức điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính, chuẩn hóa các tài liệu trong hồ sơ theo hướng ban hành một số mẫu tài liệu, giảm số lượng hồ sơ phải nộp – thường rút xuống còn 1 bộ hồ sơ, giảm số thời gian giải quyết thủ tục – rút ngắn thời gian xem xét tính hợp lệ của hồ sơ, thời gian thẩm định và trả kết quả.
VCCI cho rằng, những đề xuất này vẫn chưa “đủ mạnh”. Nếu xem xét trong hệ thống pháp luật kinh doanh vẫn còn khá nhiều quy định bất cập, vướng mắc, gây khó cho doanh nghiệp, nên doanh nghiệp luôn đặt dấu hỏi về tính thực chất trong các hoạt động cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh.
Trong đó, viện dẫn thêm những khảo sát doanh nghiệp từ PCI, ông Nguyễn Minh Đức – chuyên gia pháp chế, Ban Pháp chế VCCI cho biết, tỷ lệ doanh nghiệp có thể dự đoán được sự thay đổi trong quy định pháp luật của Trung ương có xu hướng giảm dần. 10 năm trước, vào năm 2013, tỷ lệ doanh nghiệp dự đoán được là khoảng 14,29%, nhưng vài năm gần đây, tỷ lệ chưa đến 5%.
Tình hình này cũng ở xu hướng tương tự với việc dự đoán việc thực hiện của tỉnh đối với các quy định pháp luật trung ương, tuy tỷ lệ dự đoán được cao hơn một chút, khoảng trên 6%. Trong số này, tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa không dự đoán được chiếm đa số.
Tuy nhiên, cũng có điểm đang lưu ý là tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng công việc đạt kết quả mong đợi khi trả chi phí không chính thức đang giảm dần. 10 năm trước, tỷ lệ tin vào việc tiền được việc là trên 63%, vài năm gần đây, tỷ lệ này còn khoảng 55,2%…
Bên cạnh những nội dung Báo cáo dòng chảy pháp luật kinh doanh 2022 của VCCI, Hội thảo cũng lắng nghe những ý kiến chia sẻ của các hiệp hội doanh nghiệp, các chuyên gia xung quanh vấn đề môi trường pháp lý trong hoạt động kinh doanh hiện tại và những định hướng giải quyết các vướng mắc, bất cập đã và đang tồn tại.
Theo Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp