ĐBQH: Doanh nghiệp giải thể nhiều vì sức chống chịu bị bào mòn đến cạn kiệt
Ngoài tác động của nền kinh tế và đại dịch, ĐBQH cho rằng các chính sách, quy định của pháp luật còn thiếu đồng bộ và chưa nhất quán, nhất là các thủ tục hành chính rườm rà, nhiều tầng nấc cũng là nguyên nhân chính khiến nhiều doanh nghiệp giải thể.
Thảo luận tại hội trường sáng 29/5, các ĐBQH đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và NSNN năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN những tháng đầu năm 2024. Nhiều đại biểu quan tâm và cho ý kiến về “sức khỏe” của các DN, đang tác động tiêu cực đến phát triển KT-XH đồng thời đưa ra những kiến nghị tháo gỡ khó khăn thời gian tới.
Số DN lập mới thấp hơn số rút lui khỏi thị trường
Nêu hiện trạng DN, đại biểu Đỗ Thị Lan (đoàn Quảng Ninh) cho biết, hoạt động SXKD của DN, nhất là DN tư nhân thời gian qua và ngay cả hiện tại còn nhiều khó khăn, nhất là khả năng hấp thụ vốn. Trong năm 2023, số DN rút lui khỏi thị trường tăng 20,5% so với năm 2022. Từ đầu năm 2024, tình hình SXKD mặc dù có tốt hơn, đơn hàng từ các hợp đồng của nước ngoài có tăng nên chỉ số mua hàng (PMI) của DN tăng đạt trên 50 điểm.
Đáng chú ý, 4 tháng năm 2024 có gần 86.400 DN rút lui khỏi thị trường, tăng 12,2 % so với cùng kỳ; số DN tham gia vào thị trường thấp hơn so với số DN rút lui khỏi thị trường. DN mở rộng quy mô sản xuất chỉ đạt 27% thấp nhất so với nhiều năm trước khiến mục tiêu phát triển 1,5 triệu DN đến năm 2025 sẽ rất khó đạt được.
“DN tư nhân có vai trò quan trọng, là xương sống của nền kinh tế nên chất lượng, hiệu quả hoạt động của DN khu vực này ảnh hưởng lớn đến huy động nguồn lực xã hội, tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm và giải quyết an sinh xã hội”, đại biểu Lan đánh giá.
Nguyên nhân dẫn đến thực trạng của DN nêu trên được đại biểu Đỗ Thị Lan chỉ ra là do ảnh hưởng từ những khó khăn, thách thức của kinh tế trong nước và thế giới, đặc biệt là hậu quả của đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh DN tư nhân quy mô vừa và nhỏ chiếm đa số nhưng năng lực quản trị, tiềm lực phát triển, sức cạnh tranh, ý thức chấp hành pháp luật, đạo đức kinh doanh còn hạn chế.
Bên cạnh đó nhiều cơ chế, chính sách pháp luật về đầu tư, thuế, đất đai còn vướng mắc, bất cập dẫn đến khả năng tiếp cận vốn tín dụng và các chính sách hỗ trợ DN còn khó khăn. “Ngoài ra, vẫn còn có tâm lý sợ sai sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ công chức nên việc tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách còn chậm như công tác phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, thời gian thực hiện quy trình, thủ tục hành chính kéo dài do việc lấy ý kiến của nhiều cơ quan, tổ chức liên quan làm gia tăng chi phí, thời gian cho DN”, đại biểu Lan nêu.
Đồng tình với nhận định của đại biểu Đỗ Thị Lan tại hội trường, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) cho rằng, muốn biết một đất nước có cường thịnh hay không, chỉ cần nhìn vào sự lớn mạnh của các DN quốc gia đó. Từ thực trạng của DN trong nước có thể thấy do tình hình thế giới có những vấn đề bất ổn, ảnh hưởng lớn đến đơn hàng, xuất – nhập khẩu của các DN.
“Khả năng hấp thụ vốn thấp khiến sức chống chịu của DN đã và đang bị bào mòn đến mức cạn kiệt sau “cú sốc” Covid-19. Không thể không kể đến nguyên nhân sâu xa đó là các chính sách, quy định của pháp luật còn thiếu đồng bộ và chưa nhất quán, nhất là các thủ tục hành chính rườm rà, nhiều tầng nấc cũng là nguyên nhân chính khiến cho các DN giải thể”, theo đại biểu Thông.
Tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn cho doanh nghiệp
Thống nhất với giải pháp đưa ra trong báo cáo đề nghị của Chính phủ, song đại biểu Đỗ Thị Lan đề nghị Quốc hội, Chính phủ có cơ chế, chính sách phù hợp để bảo vệ cán bộ, khuyến khích cán bộ dám làm, dám chịu trách nhiệm, đồng thời kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện chính sách pháp luật có liên quan đến môi trường đầu tư kinh doanh. Có giải pháp khắc phục tình trạng kéo dài thời gian thực hiện quy trình, thủ tục hành chính gây khó khăn cho DN.
“Cần sớm tháo gỡ vướng mắc bất cập về chính sách phát triển kinh tế tư nhân, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, lành mạnh, giảm thời gian cũng như những chi phí không chính thức trong thực hiện các thủ tục hành chính cho DN. Cung cấp thông tin, hỗ trợ pháp lý kỹ thuật, kỹ năng quản trị và tiếp cận vốn tín dụng, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa phá sản phẩm cho DN tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển”, đại biểu Lan nói.
Tháo gỡ khó khăn cho phát triển DN, đại biểu Nguyễn Hữu Thông cũng kiến nghị Chính phủ có các giải pháp tăng cường công tác xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, hỗ trợ DN khắc phục tình trạng thiếu lao động. Nghiên cứu xây dựng chính sách tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của các DN, nhất là DN mới thành lập và DNVVN chủ động kịp thời trong việc thực hiện có hiệu quả các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nhất là cắt giảm các thủ tục hành chính, giảm chi phí giảm rủi ro cho DN tháo gỡ các vướng mắc về đất đai, nhất là vấn đề xác định giá đất cụ thể.
Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (đoàn Hải Dương), Chính phủ cần có cú huých mạnh kích cầu tiêu dùng. Khẩn trương đưa ra lộ trình tiếp tục giảm thuế VAT rõ ràng và có kỳ hạn ít nhất là 4 năm, tránh quá ngắn và điều chỉnh liên tục như hiện nay để tăng hiệu quả kích cầu. Cân nhắc điều chỉnh tăng – giảm một số nguồn thuế cho phù hợp, tận dụng tối đa mọi chính sách trong ngắn hạn để kích thích tiêu dùng.
“Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các ngân hàng tiếp tục nghiên cứu, mở rộng tín dụng tiêu dùng cho phù hợp về trụ cột xuất khẩu. Tình trạng xuất siêu hàng hóa – nhập siêu dịch vụ vẫn gia tăng, xuất khẩu dịch vụ còn hạn chế, nhất là dịch vụ vận tải biển chưa tận dụng hiệu quả lợi thế địa lý và tiềm năng bờ biển dài nhiều cảng nước sâu. Báo cáo của Chính phủ cần làm rõ những xu hướng rào cản cho mở rộng xuất khẩu trong thời gian tới, đặc biệt là các yếu tố phi thuế quan hoặc xu hướng mại xanh bền vững”, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn góp ý.