[Đắk Nông] Giá trị kinh tế của phế phẩm nông nghiệp
Đắk Nông đang tập trung nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ chế biến các phế phẩm nông nghiệp để tạo ra sản phẩm mới phục vụ sản xuất.
Nguồn phế phẩm dồi dào
Ông Nguyễn Võ Trường Giang, bon Kol Hao, xã Đắk Ha (Đắk Glong) tận dụng phế phẩm nông nghiệp chế tạo ra phân hữu cơ bón cho vườn hồ tiêu
Thời gian qua, nguồn phế phẩm nông nghiệp đang được nhiều nông dân, doanh nghiệp tỉnh Đắk Nông tận dụng, xử lý để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế. Đơn cử như gia đình ông Nguyễn Võ Trường Giang, bon Kol Hao, xã Đắk Ha (Đắk Glong), hiện đang tận dụng nguồn phân chuồng từ chăn nuôi dê để bón cho 2.000 cây hồ tiêu.
Ông Giang chia sẻ, từ lượng phế thải của vật nuôi, sau thời gian ủ hoai mục từ 4-6 tháng, gia đình có thể mang rải cho cây trồng. Phân bón hữu cơ giúp cây trồng phát triển tốt, năng suất cao. Đặc biệt, cây hồ tiêu ít bị nấm bệnh, hạt to, đẹp hơn. Mỗi năm, từ nguồn phân hữu cơ này, gia đình tiết kiệm được 50% chi phí đầu tư phân bón cho sản xuất.
Lượng vỏ chanh dây sau chế biến của Công ty cổ phần đầu tư Long Huệ (Tuy Đức) rất dồi dào
Tại Công ty Cổ phần Đầu tư Long Huệ (Tuy Đức), mỗi năm, lượng vỏ chanh dây sau khi chế biến dư thừa rất nhiều. Hiện Công ty đang phải phối hợp với một đơn vị ngoài tỉnh để thu gom về chế biến thành thức ăn cung cấp cho ngành chăn nuôi. Ông Nguyễn Chí Long, Giám đốc Công ty cho biết, đơn vị mong muốn sớm có thể tiếp cận được quy trình chế biến để xử lý tại chỗ số lượng lớn vỏ chanh dây này. Từ đó, giúp Công ty đầu tư phát triển thêm lĩnh vực chăn nuôi trên địa bàn.
Chi phí cho việc thuê thu gom, vận chuyển vở chanh dây sẽ giảm mạnh. Công ty không còn lo lắng về vấn đề môi trường xung quanh nhà máy. Việc tạo ra chuỗi sản xuất khép kín sẽ giúp Công ty phát triển theo hướng tuần hoàn, bền vững hơn trong tương lai.
Phát triển kinh tế tuần hoàn
Lãnh đạo Chi cục Phát triển nông thôn Đắk Nông cho biết, nhiều hình thức canh tác tuần hoàn, hướng tới sản xuất nông nghiệp bền vững đã được tỉnh triển khai như: “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” trong sản xuất lúa; quản lý dịch hại tổng hợp IPM trên cây trồng; sản xuất theo Viet GAP, Global GAP; nông nghiệp hữu cơ; chăn nuôi an toàn sinh học…
Canh tác tuần hoàn đang được người dân, HTX ở Đắk Nông được nhân rộng
Các hình thức này ngày càng được nhiều nông dân, HTX nhân rộng, trở thành xu hướng mới trong sản xuất nông nghiệp ở Đắk Nông, vì thân thiện với môi trường, hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, vừa qua, Sở KH-CN Đắk Nông đã triền khai nghiên cứu để bảo quản và sử dụng vỏ chanh dây làm thức ăn cho chăn nuôi. Mục tiêu đến năm 2025, Đắk Nông phấn đấu phát triển diện tích chanh dây lên khoảng 2.000-3.000ha; số lượng đàn bò lên khoảng 32.000 con.
TS. Đoàn Đức Vũ, Phân viện Chăn nuôi Nam Bộ, Viện Chăn nuôi Quốc gia cho hay, tỷ lệ vỏ đang chiếm từ 60-70% trong sản phẩm của trái chanh dây. Trong khi, địa phương lại đang thiếu đồng cỏ chăn thả, thiếu đất trồng cỏ thâm canh. Đề tài nghiên cứu nhằm đánh giá thực trạng, tiềm năng sử dụng vỏ chanh dây tại Đắk Nông. Từ đó, xây dựng được quy trình sản xuất FTMR có sử dụng vỏ chanh dây và nguồn thức ăn sẵn có.
Ngày 7/6/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam” nhằm tạo đột phá trong phục hồi kinh tế và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Trên tinh thần đó, tháng 11/2022, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành Kế hoạch 693 về tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đến 2025. Trong đó, tỉnh chú trọng phát triển nông nghiệp tuần hoàn.
Người dân chăn nuôi dê để lấy phân ủ hoai mục bón cho cây trồng