[Đắk Nông] Định hướng phát triển và nhu cầu nhân lực ở Đắk Nông đến năm 2030

Sau gần 20 thành lập tỉnh, Đắk Nông ngày càng có nhiều việc làm và thu hút nhiều người trẻ đến lập nghiệp. Mục tiêu của tỉnh Đắk Nông đến năm 2030 là tạo việc làm cho khoảng hơn 190.000 lao động ở 4 lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, năng lượng tái tạo và du lịch.

Thực tế và yêu cầu nguồn lực cho phát triển 

Sau gần 20 năm thành lập, dân số Đắk Nông đã có trên 710.000 người. Tỉnh có cơ cấu kinh tế chủ yếu sản xuất nông nghiệp. Do đó, số việc làm trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn.

Tổng số việc làm trong các ngành kinh tế của tỉnh hiện nay là 380.000 người. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 81,4%; công nghiệp – xây dựng chiếm 3,77%; dịch vụ chiếm 14,83%.

Đa số lao động Đắk Nông là nông dân, trình dộ phổ thông

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025 đặt mục tiêu phấn đấu đưa Đắk Nông trở thành tỉnh trung bình khá vào năm 2025 và tỉnh phát triển khá vào năm 2030 của vùng Tây Nguyên.

Đến năm 2030, xây dựng Đắk Nông trở thành địa phương có nền kinh tế năng động và bền vững của Tây Nguyên. Tỉnh tái cơ cấu, chuyển đổi nền nông nghiệp phát triển theo hướng hiệu quả, chất lượng, giá trị tăng cao.

Đắk Nông chú trọng phát triển du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái dựa trên lợi thế về khí hậu, cảnh quan. Tỉnh cũng đặt mục tiêu sớm trở thành trung tâm công nghiệp nhôm Quốc gia.

Đến năm 2045, tỉnh Đắk Nông trở thành tỉnh phát triển của vùng Tây Nguyên, có mức thu nhập bình quân cao hơn bình quân chung của cả nước.

Về giải pháp thực hiện các mục tiêu trên, tỉnh đặc biệt chú trọng phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, lao động. Đắk Nông xác định, lao động dồi dào là một trong những nguồn lực để  hiện thực hoá các mục tiêu Nghị quyết.

“Nguồn lực lao động, chất lượng lao động có vai trò quan trọng góp phần tổ chức thực hiện các mục tiêu của Đắk Nông đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.”

Lãnh đạo Sở LĐ-TB-XH tỉnh Đắk Nông

Những năm qua, Đắk Nông tập trung phát triển nguồn lao động, nhất là nguồn lao động có tay nghề, chất lượng cao. Tỉnh chú trọng tuyển dụng, đào tạo lao động theo hướng bảo đảm theo tiêu chuẩn việc làm của thị trường mới.

Tỉnh tạo ra phong trào tự đào tạo nâng cao tay nghề cho lao động tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Cùng với đó, tỉnh đầu tư và đưa vào hoạt động Trường Cao đẳng Cộng đồng; sắp xếp hệ thống, nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đào tạo trình độ trung cấp.

Học sinh Gia Nghĩa tìm hiểu về nghề nghiệp do Trường Cao đẳng cộng đồng Đắk Nông tổ chức

Dù có nhiều nỗ lực, nhưng thực tế, nguồn lao động của tỉnh đến nay nhìn chung chất lượng chưa cao. Tỉ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2022 của tỉnh chỉ mới đạt trên 15% trong tổng lực lượng lao động.

Trong đó, lao động có trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên chỉ chiếm 5,4%; chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Nhu cầu cao về nhân lực

Hàng năm, lao động của tỉnh được tạo việc làm đều gia tăng đáng kể. Năm 2022, có gần 20.914 lượt lao động của tỉnh được tạo việc làm, vượt trên 16% kế hoạch. Số lao động của tỉnh làm tăng thêm trong nước là 20.469 người; làm việc có thời hạn ở nước ngoài là 445 người.

Dựa trên quy hoạch của tỉnh, đến năm 2025, Đắk Nông đặt mục tiêu đạt tỉ lệ tham gia lực lượng lao động chiếm trên 58% dân số. Tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 57,5%.

Đến năm 2025, năng suất lao động của tỉnh phấn đấu đạt 70,58 triệu đồng/người/năm. Cơ cấu lao động theo các ngành nghề kinh tế: nông nghiệp 51,7%; công nghiệp 17,2% và thương mại dịch vụ 30,1%.

Đến năm 2030, tỉ lệ tham gia lực lượng lao động chiếm 58,27% so với dân số. Tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 68%. Năng suất lao động đạt 106,39 triệu đồng/người/năm.

Cơ cấu lao động theo các ngành nghề kinh tế: nông nghiệp giảm còn 45,6%; công nghiệp tăng lên 21,5% và thương mại dịch vụ tăng lên 32,9%…

Nhu cầu lao động của Đắk Nông đến năm 2030

Trên cơ sở quy hoạch tỉnh và các mục tiêu nghị quyết đề ra, có thể nhận thấy nhu cầu nguồn nhân lực của Đắk Nông ở 4 ngành kinh tế mũi nhọn khá lớn.

Theo đó, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, Đắk Nông cần khoảng 60.000 lao động thường niên và khoảng 120.000 lượt lao động thời vụ. Phần đông lao động không cần qua đào tạo, tuy nhiên cần có kiến thức về kỹ thuật canh tác qua tuyên truyền, phối hợp với HTX, cán bộ nông nghiệp. Trong đó, cần khoảng 3.000 lao động có trình độ cao hơn để giúp vùng sản xuất tiếp cận kỹ thuật mới, liên kết với thị trường. Lực lượng này bao gồm cán bộ quản lý nông nghiệp, HTX, nông dân có trình độ hoặc đã qua đào tạo.

Ngành công nghiệp nhôm ước tính sẽ đem lại khoảng 6.700 việc làm mới cho tỉnh Đắk Nông trên cơ sở các dự án đang triển khai hiện hữu.

Năng lượng tái tạo ước tính sẽ đem lại khoảng 2.100 – 2.500 việc làm mới cho tỉnh Đắk Nông. Trong đó, 1.600 việc làm mới mang tính chất ngắn hạn; 500 – 900 việc làm mới dài hạn sau khi các dự án năng lượng đi vào vận hành.

Đối với ngành du lịch, theo tỷ lệ nhu cầu lao động trên lượt khách du lịch, đến năm 2030, tỉnh Đắk Nông sẽ cần khoảng 2.000-2.300 nhân lực du lịch.

Theo lãnh đạo Sở LĐ-TB-XH, việc phát triển số lượng, chất lượng lao động cần dựa trên cơ sở các mục tiêu, lĩnh vực trên để tránh tình trạng thừa – thiếu hoặc cung vượt cầu.

Lao động Đắk Nông cần được đào tạo tay nghề trình độ cao, tiếp cận công nghệ

Ngành Lao động sẽ tiếp tục rà soát, điều chỉnh và xây dựng các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển nguồn lao động phù hợp dựa trên tình hình thực tế.

Việc xây dựng, hoàn thiện các chính sách, cơ chế về giáo dục – đào tạo; kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện mục tiêu, chương trình và chất lượng đào tạo lao động cũng sẽ được chú trọng.

Ngành Lao động sẽ nhìn nhận, xác định rõ nhu cầu nhân lực kỹ năng theo từng ngành nghề, số lượng cho cả thời gian trước mắt và lâu dài. Để từ đó, phát triển giáo dục nghề nghiệp, đào tạo lao động phù hợp hơn.

Ngành Lao động tham mưu cho tỉnh có chính sách điều tiết quy mô và cơ cấu đào tạo lao động cho phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, khắc phục tình trạng mất cân đối và lãng phí lao động.

Đắk Nông đang có 19 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trong đó 13 cơ sở đang tổ chức hoạt động đào tạo, 6 cơ sở tạm ngưng hoặc có quyết định thành lập nhưng chưa đăng ký hoạt động. Năm 2022, các cơ sở đào tạo nghề nghiệp cho 5.776 người, trong đó 24 người trình độ cao đẳng, 901 người trình độ trung cấp, 4.851 người trình độ sơ cấp và thường xuyên dưới 3 tháng.

Lao động của tỉnh cần được nâng cao tay nghề, tiếp cận khoa học kỹ thuật, làm chủ công nghệ. Vì vậy, Đắk Nông sẽ có giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các ngành trọng điểm như: công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, y tế…

Cũng theo lãnh đạo Sở LĐ-TB-XH, ngành Lao động sẽ tạo môi trường phát triển thị trường nguồn nhân lực có kết nối cung – cầu phù hợp.

Ngành Lao động tiếp tục thực hiện công tác hỗ trợ phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động và dịch vụ việc làm trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, ngành Lao động sẽ tham mưu cho tỉnh bổ sung hệ thống chính sách về hợp tác quốc tế, hợp tác trong nước về đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực trình độ cao trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ…

Theo Báo Đắk Nông