[Đắk Lắk] Đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh

UBND tỉnh vừa ban hành Công văn 5004/UBND-KSTTHC, ngày 14/6/2023 về việc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, UBND tỉnh giao thủ trưởng các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy định, TTHC liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân, bảo đảm cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ theo chỉ đạo của Chính phủ và UBND tỉnh.

Trong đó, nghiên cứu đề xuất cắt giảm: các thủ tục, các bước trung gian không cần thiết; các điều kiện kinh doanh chồng chéo, không định lượng được để minh bạch trong kiểm tra, thẩm định, đánh giá, xét duyệt; các hoạt động kiểm tra chuyên ngành còn chồng chéo, có sự tham gia của nhiều cơ quan, đơn vị.

Đồng thời nghiên cứu, đề xuất giải pháp xã hội hóa các dịch vụ hành chính công đủ điều kiện. Hoàn thành báo cáo UBND tỉnh trước ngày 30/7/2023.

Cán bộ Sở Kế hoạch và Đầu tư tư vấn, hướng dẫn thủ tục thành lập doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cần thực hiện công khai, minh bạch, đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin về TTHC và quá trình tiếp nhận, giải quyết TTHC đảm bảo người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận, theo dõi, giám sát, đánh giá trong quá trình tổ chức thực hiện; rà soát, trình cơ quan có thẩm quyền công bố, cập nhật, công khai đầy đủ các bộ phận cấu thành của TTHC trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC theo đúng quy định. Hoàn thành trong tháng 9/2023.

UBND tỉnh còn yêu cầu các đơn vị, địa phương đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công dựa trên dữ liệu thời gian; nâng cao chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng, trong đó tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các cán bộ, công chức, viên chức, cơ quan, đơn vị làm nhiệm vụ một cửa có hành vi tiêu cực, gây phiền hà, nhất là làm phát sinh thêm thủ tục, hồ sơ, giấy tờ, yêu cầu, điều kiện không đúng quy định trong quá trình tiếp nhận, giải quyết TTHC.

Thực hiện nghiêm việc đánh giá tác động, cho ý kiến, thẩm định, thẩm tra quy định TTHC trong đề nghị, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, trong đó kiên quyết chỉ tham mưu ban hành TTHC mới trong trường hợp thật sự cần thiết để quản lý, điều chỉnh quan hệ xã hội mới phát sinh. Tăng cường trách nhiệm giải trình, thực hiện tốt công tác tiếp nhận, xử lý, phản ánh kiến nghị về quy định hành chính, kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc, bất cập cho người dân, doanh nghiệp.

Theo Báo Đắk Lắk