[Đắk Nông] Cà phê Đắk Nông và thách từ… châu Âu

Ngành cà phê Đắk Nông đang đứng trước nhiều thách thức từ nội tại đến thị trường bên ngoài. Muốn vươn cao, vươn xa hơn nữa, cà phê Đắk Nông phải cải thiện, điều chỉnh sao cho phù hợp với xu thế mới.

Thách thức nội tại

Đắk Nông hiện có gần 140.000 ha cà phê, sản lượng hàng năm khoảng 400.000 tấn. Cà phê chiếm 37% diện tích sản xuất nông nghiệp của tỉnh, mang lại sinh kế cho khoảng 150.000 hộ dân.

Đắk Nông có khoảng 100.000 ha cà phê đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Khoảng 23.500 ha cà phê của tỉnh được sản xuất theo các tiêu chuẩn như: 4C, Rainforesr Alliance, UTZ…

Đắk Nông đã hình thành các vùng chuyên canh sản xuất cà phê chất lượng cao

Mặc dù diện tích và sản lượng lớn nhưng việc chế biến, tiêu thụ cà phê ở Đắk Nông còn nhiều hạn chế. Việc thu hoạch, bảo quản chủ yếu theo phương thức truyền thống.

Hàng năm, chỉ một phần rất nhỏ cà phê của Đắk Nông được tuyển chọn để đưa vào chế biến cà phê thành phẩm (cà phê hạt rang, cà phê bột, cà phê túi lọc…). Cà phê Đắk Nông chủ yếu được tiêu thụ dưới dạng nhân xô.

Tất cả những yếu tố này khiến cà phê dù là ngành hàng chủ lực của Đắk Nông, nhưng mang lại giá trị kinh tế chưa cao. Người trồng cà phê chưa thu được hiệu quả mong muốn. Sản phẩm cà phê Đắk Nông thiếu thông tin truy xuất nguồn gốc, nên sức cạnh tranh trên thị trường thấp.

Áp lực thị trường

Mới đây, Hội đồng châu Âu đã thông qua dự Luật Quy định chống phá rừng châu Âu (EUDR). Theo dự luật này, châu Âu (thị trường có dân số đứng thứ 3 thế giới) sẽ cấm nhập khẩu những mặt hàng nông sản có quy trình sản xuất trên đất có nguồn gốc phá rừng hoặc gây suy thoái rừng từ sau năm 2020.

Châu Âu sẽ cấm nhập khẩu các sản phẩm từ chăn nuôi gia súc, ca cao, cà phê, dầu cọ, cao su, đậu nành và gỗ có quy trình sản xuất trên đất có nguồn gốc phá rừng, suy thoái rừng từ sau 31/12/2020. Luật dự kiến áp dụng từ tháng 12/2024 đối với nhà vận hành xuất, nhập khẩu và từ tháng 6/2025 đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Bắt đầu từ tháng 12/2024, cà phê và một số ngành hàng nông, lâm sản của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng bởi dự luật này. Ngành Nông nghiệp Đắk Nông xác định, dự luật sẽ mang đến những thuận lợi và không ít khó khăn với sản phẩm cà phê.

Theo Sở NN-PTNT, cà phê ở Đắk Nông được trồng cách đây khoảng 20 – 30 năm, gần như trở thành cây trồng bản địa. Quy định mới của châu Âu sẽ giúp cho ngành cà phê quảng bá được hình ảnh nền sản xuất và thương hiệu sản phẩm.

Điều này sẽ tạo đà phát triển nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn, tái sinh, giảm phát thải… Ngành Nông nghiệp phải thích ứng với biến đổi khí hậu, hướng tới sản phẩm có kèm theo chứng nhận giảm thải Carbon.

Quy định mới cũng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ việc liên kết chặt chẽ trong chuỗi cung ứng ngành hàng cà phê. Điều này góp phần thuận lợi cho việc quản lý diện tích vườn, rẫy, vùng sản xuất ngày càng tốt hơn.

Tuy nhiên, những thách thức từ quy định này với ngành cà phê Đắk Nông không phải là nhỏ. Bởi các sản phẩm cà phê muốn vào thị trường châu Âu buộc phải chứng minh về nguồn gốc sản phẩm chậm nhất vào tháng 12/2024.

Các sản phẩm cà phê Đắk Nông muốn xuất khẩu sang thị trường châu Âu phải chứng minh được nguồn gốc xuất xứ

Sở NN-PTNT nhận định, việc tổ chức định vị GPS cho từng vườn cây ở quy mô nông hộ là một thách thức về thời gian, nguồn lực, mức độ phức tạp, độ tin cậy và tính pháp lý. Hạ tầng kỹ thuật phải tích hợp, đồng bộ và quản lý, khai thác sử dụng thông tin từ Trung ương đến địa phương.

Một vấn đề hết sức quan trọng là Đắk Nông còn thiếu thống nhất về cơ sở dữ liệu của ngành Nông nghiệp với ngành TN-MT. Điều này gây khó khăn trong việc phân lập, xác định mức độ, nguy cơ mất rừng từ các diện tích cà phê gần và ven rừng.

Theo Báo Đắk Nông