[Đắk Nông] Alumin Nhân Cơ từ dự án thử nghiệm đến trụ cột kinh tế tỉnh Đắk Nông
Sau 15 năm thực hiện thí điểm 2 dự án khai thác, chế biến bauxite Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đắk Nông) đã cho thấy đây là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, góp phần vào việc thay đổi bộ mặt của Tây Nguyên theo nguyên tắc khai thác hiệu quả tiềm năng để phát triển nhanh và bền vững.
Với riêng Đắk Nông, tổ hợp alumin Nhân Cơ đã thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế xã hội, định hình rõ nét trụ cột kinh tế của tỉnh.
Sau ca làm việc, khuôn viên trước phân xưởng nguyên liệu hóa tách – Nhà máy alumin Nhân Cơ, rôm rả tiếng cười nói sảng khoái. Nơi đây rợp bóng cây xanh, có hồ cá koi, có nhà lục giác cùng bàn ghế đá, máy pha cà phê phục vụ người lao động.
“Em thấy là các chế độ chính sách của công ty rất là tốt và đầy đủ, người lao động luôn được đáp ứng các nhu cầu về ăn uống nghỉ ngơi, sinh hoạt văn hóa thể thao. Mức lương trung bình của em từ 15-16 triệu mỗi tháng” – công nhân Nguyễn Thanh Luân chia sẻ.
Hồ bùn đỏ – nơi dư luận đặc biệt lo ngại khi khai thác bauxite luyện alumin ở Nhân Cơ
Cũng thuộc lứa thanh niên địa phương đầu tiên được gửi đi học và về làm việc tại dự án khai thác bauxite ở Đăk Nông, công nhân Y Tiên cho biết: “Chúng em được công ty cử đi học trong 3 năm, học xong mọi người được đưa về làm tại các phân xưởng khác nhau trong cùng nhà máy. Em được phân công về làm tại phân xưởng nước khí nén và môi trường từ năm 2015. Từ đó đến giờ thì em cũng đúc kết được nhiều kinh nghiệm, đã làm chủ được kỹ thuật trong khu vực mình phụ trách”.
Nhà máy alumin Nhân Cơ hiện có hơn 1.000 công nhân, nơi đang tạo ra giá trị hàng hóa xuất khẩu hơn 3000 tỷ đồng mỗi năm. Là một trong 2 dự án thí điểm khai thác bauxite ở Tây Nguyên, tổ hợp alumin Nhân Cơ xây dựng tại huyện Đăk Rlấp, tỉnh Đăk Nông, có công suất thiết kế 650.000 tấn alumin/năm.
Khởi công năm 2010, dự án được dư luận đặc biệt quan tâm về vấn đề môi trường, hiệu quả kinh tế và ảnh hưởng văn hóa xã hội, an ninh trật tự. Những vấn đề này đã dần sáng tỏ bằng hiệu quả thực tế khi nhà máy hoàn thành và chính thức sản xuất alumin xuất khẩu từ 1/7/2017.
Ông Ngô Tố Ninh, Phó Giám đốc Công ty Nhôm Đăk Nông – TKV, cho biết, hiện toàn bộ lao động tại nhà máy alumin Nhân Cơ đều là người Việt Nam. Việc làm chủ công nghệ đã giúp nhà máy nhanh chóng vượt công suất thiết kế, đạt hiệu quả kinh tế cao.
“Ví dụ như ở nhà máy tuyển quặng thì chúng tôi đã cải tiến đưa tuyến băng tải quay lại nâng cấp rửa làm 3 lần, nó sẽ tối ưu hóa lấy được nhiều quặng hơn. Còn như ở nhà máy alumin, lò nhiệt điện thì công nghệ của họ phải có hệ thống sấy than vì Trung Quốc khí hậu lạnh, còn Việt Nam mình khác thì cải tiến bỏ nó đi. Khu vực hòa tách thì chúng tôi đã có những sáng kiến nối ống để vận hành sản xuất ổn định tốt hơn. Vì vậy mà công suất của nhà máy vận hành rất tốt, trên 700.000 tấn sản phẩm mỗi năm” – ông Ngô Tố Ninh nói.
Bên cạnh việc đóng góp vào ngân sách tỉnh Đăk Nông khoảng 400 tỷ đồng mỗi năm, tổ hợp alumin Nhân Cơ còn thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế xã hội địa phương. Từ dự án này, một vùng công nghiệp nhôm dần thành hình, với nhà máy điện phân nhôm đang xây dựng, 2 khu công nghiệp đang triển khai.
Hiện mỗi năm alumin Nhân Cơ đóng góp gần 40% giá trị sản xuất công nghiệp của Đắk Nông, góp phần định hình rõ nét một trụ cột kinh tế của tỉnh. Với trữ lượng quặng bauxite khoảng 5 tỷ tấn, thuộc top đầu thế giới, từ thành công của dự án Nhân Cơ, Đắk Nông đặt mục tiêu xây dựng tỉnh sớm trở thành trung tâm công nghiệp nhôm của quốc gia.
Ông Lê Văn Chiến, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Nông, nêu rõ: “Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII đã nêu rõ 3 trụ cột phát triển kinh tế trong tương lai gần và tương lai xa của tỉnh, một trong đó là về công nghiệp khai khoáng và luyện kim, cụ thể là khai thác sản xuất alumin và luyện nhôm. Và điều này đã được Bộ Chính trị khẳng định trong Nghị quyết 23 về phát triển vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn 2045, cũng xác định tỉnh Đắk Nông hướng phát triển, mũi nhọn phát triển là khai khoáng và luyện kim”.
Mới đây, Thường trực Tỉnh ủy Đắk Nông đã đồng ý cho phép đầu tư nâng công suất tổ hợp alumin Nhân Cơ từ 0,65 triệu tấn/năm lên 2 triệu tấn alumin/năm theo kế hoạch đến năm 2030. Tập đoàn than khoáng sản Việt Nam cũng có kế hoạch đầu tư mới tổ hợp bauxite – alumin – nhôm Đắk Nông 2 có công suất 2 triệu tấn alumin/năm và 0,5 – 1 triệu tấn nhôm/năm.
Cùng với đó, đã có 4 tập đoàn lớn được tỉnh thống nhất chủ trương cho nghiên cứu khảo sát, đánh giá để đề xuất đầu tư các tổ hợp bauxite-alumin-nhôm. Đắk Nông đang tập trung huy động mọi nguồn lực để phát huy tiềm năng lợi thế, trong đó trụ cột là ngành công nghiệp bô-xít nhôm, phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá vào năm 2030 của vùng Tây Nguyên.