[Đắk Lắk] Tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế

Bối cảnh chính trị, kinh tế trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, cùng với đó là tình trạng thiên tai, bão lũ do thời tiết cực đoan, bất thường tiếp tục gây nhiều khó khăn, vì vậy mặc dù kinh tế – xã hội (KT-XH) năm 2024 đạt kết quả tích cực, song vẫn còn nhiều thách thức đặt ra, nhất là phải xác định được động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2025… là những nội dung được các đại biểu HĐND xem xét, đề cập tại Kỳ họp thứ Chín, HĐND tỉnh khóa X diễn ra ngày 5/12.

Tăng trưởng kinh tế chưa bền vững

Trình bày báo cáo tại Kỳ họp thứ Chín, HĐND tỉnh khóa X, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà nhận định: Mặc dù bối cảnh KT-XH trong năm 2024 gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự quyết tâm cao, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo, thực hiện tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Công nghiệp tái tạo là lĩnh vực còn dư địa tăng trưởng. (Trong ảnh: Cánh đồng điện gió tại xã Ea Nam, huyện Ea H’leo). Ảnh: Nguyễn Gia

Qua đó, KT-XH của tỉnh tiếp tục duy trì phát triển. Giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP – giá so sánh 2010) ước đạt 63.249 tỷ đồng, tăng 4,38% so với năm 2023, bằng 98,15% kế hoạch (KH) năm 2024. Quy mô nền kinh tế cơ bản ổn định, duy trì ở mức khá (giá trị GRDP đứng đầu khu vực Tây Nguyên). Các khu vực đều có tăng trưởng so với cùng kỳ. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục phát triển ổn định, tốc độ tăng trưởng khá; giá trị tổng sản phẩm nông, lâm, thủy sản (giá so sánh 2010) ước đạt 23.451 tỷ đồng, tăng 4,52% so với năm 2023, bằng 100,65% KH năm 2024. Giá trị tổng sản phẩm công nghiệp (GRDP – giá so sánh 2010) năm 2024 ước đạt 6.647 tỷ đồng, tăng 8,62% so với năm 2023, bằng 97,4% KH năm 2024. Tổng mức luân chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ ước đạt 105.000 tỷ đồng, tăng 4,96% so với năm 2023, bằng 105,2% KH năm 2024…

Phân tích về tăng trưởng kinh tế, Trưởng Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh Võ Đại Huế cho rằng: GRDP tăng 4,38% so với năm 2023, nhưng mới chỉ đạt 98,15% KH (KH tăng 6-6,8%). Các khu vực mặc dù có tăng trưởng nhưng còn thấp; tăng trưởng kinh tế chưa bền vững và thiếu tính ổn định (năm 2021 tăng 6,11%, năm 2022: 8,58%, năm 2023: 4,39%, năm 2024: 4,38%). Điều này cho thấy, tăng trưởng kinh tế qua các năm trong giai đoạn 2021 – 2024 có chiều hướng giảm dần. Cơ cấu của toàn bộ nền kinh tế vẫn phụ thuộc nhiều bởi giá trị sản phẩm khu vực nông nghiệp; giá trị các sản phẩm công nghiệp, dịch vụ tuy có tăng nhưng đóng góp chưa cao trong tăng trưởng chung. Tốc độ chuyển dịch kinh tế còn chậm, trong từng ngành, từng lĩnh vực chưa có đột phá, chưa có nhiều sản phẩm mới.

Mặc dù nông – lâm – thủy sản tăng khá (tăng 4,52%) nhưng các hình thức tổ chức và liên kết sản xuất hiệu quả chưa thật sự ổn định, chưa hình thành được các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn; sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng.

Công nghiệp có tăng nhưng tăng chậm, chiếm tỷ trọng còn thấp (16,48%). Điều này cho thấy công nghiệp chuyển dịch chậm trong cơ cấu kinh tế. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn một số dự án năng lượng điện gió đã hoàn thành nhưng chưa đưa vào hoạt động, cần quan tâm tháo gỡ vướng mắc để sớm đưa dự án vào hoạt động phát huy hiệu quả.

Sản xuất hàng may mặc tại Cụm công nghiệp Tân An, TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: Vạn Tiếp

Dịch vụ, du lịch tăng khá, nhưng thiếu tính bền vững, hạ tầng đầu tư cho phát triển du lịch thiếu đồng bộ, dẫn đến chưa phát huy tốt và khai thác các tiềm năng du lịch của tỉnh; bên cạnh đó việc thu hút đầu tư cho lĩnh vực này còn hạn chế, chủ yếu là các dịch vụ vừa và nhỏ thiếu tính bền vững…

Cần những đột phá mới

Mục tiêu năm 2025, dự kiến tăng trưởng kinh tế là 7% (cao hơn mức đề ra của năm 2024 và bằng KH bình quân trong giai đoạn 5 năm đề ra). Theo phân tích của các đại biểu HĐND tỉnh, với kết quả thực hiện của năm 2024 (4,38%) thì chỉ tiêu đề ra cho năm 2025 là phù hợp với chỉ tiêu nghị quyết 5 năm. Nhưng để thực hiện hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế này, cần phải có đột phá mới trên tất cả lĩnh vực.

Trong đó, cần đẩy mạnh, tạo chuyển biến tích cực hơn trong tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; khai thác, tận dụng hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để hình thành các ngành, sản phẩm mũi nhọn, chủ lực, bảo đảm tăng trưởng bền vững. Ðẩy mạnh sản xuất, gia tăng giá trị các lĩnh vực còn dư địa tăng trưởng như nông nghiệp, công nghiệp tái tạo (điện gió, điện mặt trời), công nghiệp chế biến… để bù đắp cho các lĩnh vực bị suy giảm trong thời gian qua.

Thu hoạch sầu riêng ở huyện Cư M’gar. Ảnh: Vạn Tiếp

Cùng với đó, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển; xử lý dứt điểm các vướng mắc, vấn đề tồn đọng kéo dài, tháo gỡ khó khăn cho các dự án có sử dụng đất đai; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm của địa phương, mở rộng tiêu thụ nội địa, thị trường xuất khẩu và đẩy mạnh lưu chuyển hàng hóa, nâng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn, tăng giá trị, sản lượng xuất khẩu hàng hóa của tỉnh. Đồng thời rà soát, đánh giá việc thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch năm 2024 và giai đoạn 2021 – 2024, nhất là các chỉ tiêu không đạt hoặc đạt thấp để có biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc thực hiện hoàn thành kế hoạch; quyết tâm tháo gỡ các “điểm nghẽn, lực cản” để thúc đẩy phát triển KT-XH trong năm 2025 và những năm tiếp theo…

Theo Báo Đắk Lắk