[Đắk Lắk] Mở rộng đô thị Buôn Ma Thuột: Cơ hội và thách thức

Dư luận những ngày qua quan tâm thông tin TP. Buôn Ma Thuột có thể mở rộng địa giới hành chính, để tạo không gian đô thị to rộng hơn.

Điều này khớp với định hướng địa phương, đang nỗ lực phấn đấu trở thành một đô thị đặc thù trực thuộc Trung ương, nâng tầm vị thế thành phố trung tâm vùng Tây Nguyên, một lựa chọn gồm cả cơ hội lẫn thách thức phát triển.

Một số nhà nghiên cứu nhìn nhận rằng, việc tạo điều kiện định vị lại TP. Buôn Ma Thuột, với vai trò một đô thị cao nguyên có lịch sử phát triển rất riêng biệt với những giá trị văn hóa bản địa độc đáo là điều rất hợp lý và cần thiết. Có điều, mở rộng địa giới hành chính Buôn Ma Thuột cũng đồng nghĩa với nguy cơ đón nhận những tác động bất lợi từ kinh tế thị trường và bối cảnh quy hoạch vùng đang có nhiều diễn biến phức tạp. Tất cả đòi hỏi các cấp quản lý phải có một tầm nhìn và nhận thức rất minh bạch, khách quan về địa phương.

Không chỉ là không gian vật lý

Trong những ngày giữa tháng 8/2023, tại TP. Đà Nẵng, Hội Quy hoạch đô thị châu Á phối hợp Hiệp hội Quy hoạch đô thị Việt Nam tổ chức hội thảo quy hoạch các đô thị lịch sử trong bối cảnh mới. Đây là hội thảo có ý nghĩa tích cực, đánh giá lại một giai đoạn phát triển đô thị của các nước trong vùng, nhấn mạnh đến vai trò các đô thị có giá trị lịch sử nhất định; đồng thời nhận diện lại hiện trạng một số đô thị phát triển có tương quan.

Các chuyên gia tư vấn đến từ các tổ chức kiến trúc đô thị Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Việt Nam đã cùng có mặt tại hội thảo này, đưa ra những nhận định, đề xuất về hướng nhìn nhận, xây dựng phát triển các diện mạo đô thị cũ và mới, trong đó phát huy tốt nhất vị thế các đô thị lịch sử và hợp tác tốt nhất về vai trò liên kế tương hỗ của các đô thị phát triển đương đại.

Phát triển đô thị cần đem lại nhiều cơ hội sinh kế cho người dân. (Trong ảnh: Một góc TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: Vạn Tiếp

Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hiệp hội Quy hoạch đô thị Việt Nam nhìn nhận, những vấn đề đánh giá diễn biến quy hoạch đô thị tại hội thảo rất đáng ghi nhận, nhất là trong bối cảnh mới: không gian kinh tế số của thời đại công nghệ toàn cầu, diễn biến phức tạp của các mâu thuẫn kinh tế, chính trị các khu vực, tốc độ thay đổi của kinh tế hợp tác liên lục địa, liên quốc gia… Theo đó, Việt Nam với các đô thị lịch sử nổi bật như Hà Nội, Huế, Hội An… rất cần có những đánh giá chính xác để định vị cơ hội phát triển, bảo tồn đảm bảo an toàn nhất.

Ở vị thế liên kế các đô thị lịch sử này, những đô thị phát triển mới như Đà Nẵng, vùng phụ cận Hà Nội (Hải Phòng, Bắc Ninh, Hải Dương…) cần được đánh giá lại quan hệ hài hòa hơn, cũng như nhận rõ những cơ hội đầu tư, cải thiện đô thị có nền tảng bền vững. Trong quan hệ này, vùng Tây Nguyên với đô thị “thi vị” Đà Lạt và đô thị trung tâm Tây Nguyên là Buôn Ma Thuột, cũng nên có sự đánh giá phù hợp để phát triển. Vị trí Buôn Ma Thuột, là một thành phố có lịch sử ấn tượng nhưng đang là một đô thị phát triển, nhất định phải được nghiên cứu thấu đáo các cơ hội từ nội lực đầu tư, chứ không chỉ có không gian vật lý được mở rộng. Ông Trần Ngọc Chính nhấn mạnh, đô thị nào cũng có lịch sử phát triển, cần thấy rõ giá trị lịch sử ấy để đầu tư đúng tầm nhìn quy hoạch đô thị.

Nhiều thách thức

Thông tin mở rộng đô thị Buôn Ma Thuột xem ra tương hỗ với diễn biến địa phương được áp dụng cơ chế đặc biệt, tạo dựng những căn cơ mạnh mẽ hơn để bứt phá vươn lên. Vấn đề các nhà tư vấn đưa ra là Buôn Ma Thuột phải gia tăng sức mạnh đô thị, không chỉ với diện tích mở rộng hay không gian kiến trúc tăng bao nhiêu tầng xây dựng, mà chí ít tương quan đến ba vấn đề.

Thứ nhất, việc mở rộng diện tích TP. Buôn Ma Thuột sẽ đem lại lợi ích thiết thực nào cho cuộc sống người dân thành phố, sẽ tạo thêm những điểm ưu thế nào để thúc đẩy kinh tế – xã hội địa phương, hướng đến tầm vóc một thành phố quy mô, hiện đại hơn mà không mất bản sắc vốn có? Điểm chú ý là các địa phương sáp nhập có vai trò nông nghiệp nông thôn, liệu có mở rộng chất lượng không gian đầu tư kinh tế nông nghiệp cho Buôn Ma Thuột hay không?

Mở rộng đô thị Buôn Ma Thuột là cơ hội để phát triển nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức. Trong ảnh: Thi công Đại lộ Đông – Tây Buôn Ma Thuột. Ảnh: Nguyễn Gia

Thứ hai, diện tích mở rộng của Buôn Ma Thuột có đồng hành với định hướng quy hoạch phát triển địa phương, thu hút thực thi thêm nhiều dự án đầu tư, mở rộng hạ tầng đô thị mới cho thành phố? Cụ thể, đó có là những khu đô thị mới, các điểm dân cư mới được hình thành, hoàn thiện đầy đủ các yêu cầu hạ tầng hơn, đem lại nhiều cơ hội sinh kế cho người dân và nguồn thu cho ngân sách? Điều này cần được tổ chức, giám sát tốt, để không biến chủ trương mở rộng đô thị thành câu chuyện “gây sóng” thị trường bất động sản, tăng diện tích bê tông hóa cứng nhắc trong các vùng dân cư mới. Bài học của những địa phương mở rộng địa giới như Huế, Quảng Nam… dẫn đến những biến động tiêu cực về thị trường nhà đất trong thời gian qua rất đáng được quan tâm.

Thứ ba, diện tích đô thị mở rộng cũng đồng nghĩa với việc dung nạp thêm dân số và những cơ hội thu hút đầu tư về Buôn Ma Thuột, điều này có mâu thuẫn gì với hướng vận động đầu tư kinh tế các huyện lỵ xung quanh và tác động đến cả những đô thị liền kề ở Lâm Đồng, Gia Lai, Đắk Nông? Cần có những bài toán liên kết phát triển kinh tế thế nào từ Buôn Ma Thuột tỏa ra xung quanh, nhất là khi các cao tốc được đầu tư xong, gồm cao tốc đi về Khánh Hòa, đi về TP. Hồ Chí Minh và cả kết nối với Đà Lạt… Vành đai đô thị như thế sẽ hình thành quanh Buôn Ma Thuột một cách dày đặc hơn, hàm nghĩa không gian tự nhiên, vành đai xanh cao nguyên có nguy cơ bị đe dọa, cần được kiểm soát thế nào cho an toàn…

Những câu hỏi này, rõ ràng không hề đơn giản nhưng rất cần được nghiên cứu kịp thời để giải quyết, tương hỗ cho một đô thị Buôn Ma Thuột thực sự an toàn và bền vững trước cơ hội chuyển mình để phát triển tốt hơn.

Theo Báo Đắk Lắk