[Đà Nẵng] Thu hút 75 dự án FDI nhưng vốn đăng ký chỉ hơn 11 triệu USD
Từ đầu năm đến 15/8, TP. Đà Nẵng có 75 dự án FDI được cấp mới chứng nhận, tăng 46 dự án so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên số vốn đăng ký chỉ đạt 11,413 triệu USD, bằng 16,8% so với cùng kỳ.
Vốn FDI vào Đà Nẵng ‘nhỏ giọt’
Theo Cục Thống kê Đà Nẵng , tính đến 15/8, thành phố đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 18 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm 40.256 tỷ đồng, giảm 10% số dự án nhưng gấp 5,4 lần tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, có 8 dự án nằm ngoài khu công nghiệp (KCN), Khu công nghệ cao (CNC) với tổng vốn đăng ký 39.009 tỷ đồng và 10 dự án trong KCN, KCNC với tổng vốn 1.247 tỷ đồng.
Đối với thu hút FDI , lũy kế từ đầu năm đến 15/8, toàn thành phố có 75 dự án FDI được cấp mới chứng nhận tăng 46 dự án so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên số vốn đăng ký chỉ đạt 11,413 triệu USD, bằng 16,8% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, có 18 lượt nhà đầu tư góp vốn mua cổ phần, phần vốn góp đạt 2,776 triệu USD; 27 dự án xin điều chỉnh vốn, phần vốn điều chỉnh tăng thêm 14,288 triệu USD.
Lũy kế đến nay, thành phố có 1.013 dự án FDI với tổng vốn đầu tư trên 4,1 tỷ USD.
Tính đến 15/8, TP. Đà Nẵng đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 2.807 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện, tổng vốn điều lệ đăng ký 11.925 tỷ đồng; giảm 10,2% về số lượng doanh nghiệp và giảm 26,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2022.
Cũng trong 8 tháng, có 420 doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc hoàn tất thủ tục giải thể, rời khỏi thị trường; có 3.317 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện xin tạm ngừng hoạt động, tăng 16,1%. Trong khi đó, số doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc quay trở lại hoạt động chỉ có 1.525 doanh nghiệp, giảm 32,7% so với cùng kỳ 2022.
Bên cạnh đó, trong gần 8 tháng năm 2023, thành phố đã tiến hành thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với 545 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc với số vốn giảm là 2.623 tỷ đồng.
Trong 8 tháng, Đà Nẵng thu hút 18 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm 40.256 tỷ đồng. Ảnh: T.V.
Tại kỳ họp thứ 12 HĐND TP. Đà Nẵng khóa X mới đây, Giám đốc Sở KH&ĐT Đà Nẵng Trần Thị Thanh Tâm cho biết, nguyên nhân thu hút FDI vào thành phố giảm là do các tập đoàn lớn trên thế giới đang bị ảnh hưởng chung của Thuế tối thiểu tòan cầu, nên đang cẩn trọng xem xét đầu tư lớn vào Việt Nam trước Thuế tối thiểu toàn cầu.
Cùng với đó, sau đại dịch COVID-19, đầu tư toàn cầu giảm mạnh và chiến sự Ukraine kéo dài, lạm phát tăng cao. Từ đó, tâm lý của nhà đầu tư hạn chế đầu tư mới để hạn chế rủi ro và bảo toàn vốn.
“Đối với Đà Nẵng , việc kêu gọi đầu tư của thành phố chủ yếu vào các khu công nghiệp, công nghệ cao. Trong khi đó, quỹ đất ngoài khu công nghiệp quy mô rất nhỏ nên khả năng thu hút các doanh nghiệp FDI lớn là rất khó”, bà Tâm nói.
Bà Tâm cũng cho biết, một số quy định của Trung ương vẫn còn thiếu tính thống nhất trong chính sách về đất đai, xác định giá đất khi lựa chọn nhà đầu tư, hành lan pháp lý về đấu thầu, một số lĩnh vực chuyên ngành chưa được đầy đủ.
Đặc biệt, thành phố đang trong quá trình lập quy hoạch phân khu và đang chờ kết quả. Do vậy, các vấn đề về quy hoạch, đất đai, đầu tư thành phố chưa đảm bảo tính sẵn sàng để kêu gọi nhà đầu tư thực hiện ngay được.
Ngoài ra, quỹ đất khu công nghiệp của thành phố không còn nhiều, trong khi việc kêu gọi đầu tư các khu công nghiệp mới còn chậm.
Khu công nghệ cao Đà Nẵng. Ảnh: T.V.
Ưu tiên thu hút những tập đoàn kinh tế
Để đẩy mạnh thu hút vốn FDI trong thời gian tới, ông Nguyễn Công Tiến, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu CNC và các KCN Đà Nẵng cho biết, bên cạnh việc chuẩn bị quỹ đất khu công nghiệp, đơn vị tiếp tục phối hợp với Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, nhất là các thị trường trọng điểm; tăng cường hợp tác với các đối tác trong nước và ngoài nước nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư vào Khu CNC.
Đặc biệt, ưu tiên thu hút các dự án lớn về công nghệ cao, có sức lan tỏa, có quy mô trên 100 triệu USD, suất đầu tư bình quân đạt tối thiểu 15 triệu USD/1ha và có suất doanh thu/ha cao hơn 15 triệu USD/1ha.
Theo ông Tiến, thành phố ưu tiên thu hút đầu tư thuộc các lĩnh vực công nghệ sinh học; công nghệ cơ khí chính xác và tự động hóa; công nghệ vật liệu mới và nano. Các thị trường trọng điểm trong thu hút đầu tư như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, châu Âu, Singapore…
Và các đối tượng ưu tiên thu hút là những tập đoàn kinh tế, công ty xuyên quốc gia, doanh nghiệp có sản phẩm tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
“Hằng năm, Ban Quản lý khảo sát, đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh, nhân lực, sản phẩm, dịch vụ, các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp để đề xuất, điều chỉnh chính sách phát triển áp dụng cho Khu CNC, Khu công nghệ thông tin tập trung và các KCN trên địa bàn thành phố”, ông Tiến cho hay.
Mới đây, Ban Quản lý Khu CNC và các KCN Đà Nẵng đã ban hành danh mục dự án kêu gọi đầu tư vào Khu CNC Đà Nẵng năm 2023.
Theo đó, các dự án kêu gọi đầu tư tập trung vào 3 phân khu tại Khu CNC là Khu sản xuất khu CNC; Khu nghiên cứu – phát triển, đào tạo và ươm tạo doanh nghiệp; Khu hậu cần, logistic và dịch vụ công nghệ cao.
Cụ thể, Khu sản xuất Khu CNC sẽ kêu gọi đầu tư tại các lô A11, A12, A13, A21, A25, A26, A27.
Khu nghiên cứu – phát triển, đào tạo và ươm tạo doanh nghiệp kêu gọi đầu tư vào các lô B4, B6, B8, B10, B11.
Còn với Khu hậu cần, logistic và dịch vụ công nghệ cao thì kêu gọi đầu tư tại lô H4. Lô đất này có diện 63.800m2; mục đích là đất dành cho hoạt động hậu cần các dịch vụ logistics, tài chính, thương mại…