[Đà Nẵng] Thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng- thuận lợi và thách thức
Các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể và các thách thức đối với thành phố Đà Nẵng khi phát triển ngành logistics; định hướng xây dựng Khu thương mại tự do Đà Nẵng theo Nghị quyết 136/2024/QH15 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.
Theo Nghị quyết 136/2024/QH15, Quốc hội đồng ý để Đà Nẵng được thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về quản lý tài chính, ngân sách Nhà nước; quản lý đầu tư; quản lý quy hoạch, đô thị, tài nguyên, môi trường; thu hút nhà đầu tư chiến lược, trong đó quy định danh mục ngành nghề, dự án ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào thành phố. Thành phố Đà Nẵng cũng được thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư phát triển trong lĩnh vực công nghệ chip bán dẫn, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp, điện tử linh hoạt, pin công nghệ mới, vật liệu mới và sản phẩm công nghệ cao, quản lý khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo…
Trong đó, cơ chế mang tính đòn bẩy đáng chú ý là việc thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng gắn với cảng biển Liên Chiểu, nhằm mục tiêu thu hút đầu tư, tài chính, thương mại, du lịch và dịch vụ chất lượng cao vào Đà Nẵng. Hiện Đà Nẵng đã chọn được 10 vị trí dự kiến để triển khai xây dựng khu thương mại tự do với tổng diện tích khoảng gần 1.500 ha. Các vị trí được chọn đều ở cạnh các tuyến, đầu mối giao thông thuận tiện, có những điều kiện thuận lợi cho xây dựng các khu chức năng thuộc Khu thương mại tự do bao gồm: Khu sản xuất, trung tâm logistics; Khu thương mại – dịch vụ và các loại hình Khu chức năng khác theo quy định của pháp luật.
Ông Bùi Bá Nghiêm – đại diện Cục xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, việc Quốc hội cho phép thành phố Đà Nẵng thí điểm thành lập Khu thương mại tự do ở Đà Nẵng là chủ trương lớn và có ý nghĩa quan trọng, là động lực lớn thúc đẩy kinh tế Đà Nẵng nói riêng và kinh tế vùng nói chung trên phạm vi cả nước phát triển.
“Cục Xuất nhập khẩu cùng các đơn vị liên quan của Bộ Công Thương sẽ phối hợp với thành phố Đà nẵng, các bộ, ngành trong các hoạt động để thúc đẩy, làm sao đưa khu thương mại tự do Đà Nẵng đi vào hoạt động hiệu quả. Đồng thời đề nghị các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài cùng phối hợp, nghiên cứu, cung cấp thông tin về quá trình triển khai các khu thương mại tự do tại các quốc gia khác trên thế giới. Đây sẽ là kinh nghiệm quý giá để Đà nẵng và các địa phương khác tham khảo, rút kinh nghiệm trong tổ chức, vận hành khu thương mại tự do của Việt nam trong thời gian tới” – ông Bùi Bá Nghiêm nói.
Mục tiêu của việc thành lập Khu thương mại tự do giúp Đà Nẵng trở thành địa bàn có thể chế ưu việt theo thông lệ quốc tế, có sức hấp dẫn cao đối với các nhà đầu tư hàng đầu trong một số lĩnh vực và thí điểm các chính sách hiệu quả để thu hút các nguồn lực đầu tư. Ngoài ra, Đà Nẵng mong muốn hoàn thiện hạ tầng dịch vụ logistics xanh, chi phí tối ưu, thuận tiện và cạnh tranh để Đà Nẵng trở thành điểm đến cạnh tranh trong hành lang vận tải Thái Bình Dương- Ấn Độ Dương. Đồng thời là động lực tăng trưởng mới cho thành phố Đà Nẵng đóng góp vào tăng trưởng GRDP, tạo nhiều việc làm thu nhập cao trong môi trường làm việc quốc tế. Tuy nhiên còn nhiều thách thức đặt ra khi triển khai.
Ông Trương Xuân Trung- Bí thư thứ nhất phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất chia sẻ kinh nghiệm của nước sở tại: “Tôi cũng xin đưa ra một số lưu ý Đà Nẵng tham khảo để có thể cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp UAE, các đối tác khác trên thế giới, ví dụ thời gian cấp phép chỉ 20 phút, hai là thuận tiện trong cơ sở hạ tầng và Đà Nẵng cũng phải phấn đấu thêm để đạt được. Thứ ba là quỹ đất có sẵn, khác là họ không phải giải phóng mặt bằng mà quy hoạch một khu đất sa mạc xây dựng lên. Thứ nữa là cơ chế chính sách, họ bỏ luật Thương mại, mà sẽ áp dụng quy định của quốc tế. Tất nhiên mỗi nước có đặc thù riêng, đây cũng là kinh nghiệm mình nên tham khảo”.
Ngoài những lợi thế sẵn có, Đà Nẵng cũng còn đối mặt với những thách thức hiện hữu như diện tích đất hạn chế; hệ sinh thái và môi trường tự nhiên là tài sản quý của Đà Nẵng. Doanh nghiệp Đà Nẵng phần lớn có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, chiếm đến 99%, dòng vốn FDI còn khiêm tốn (chiếm khoảng 0,5% cả nước); cơ chế ưu đãi cho khu thương mại tự do Đà Nẵng theo Nghị quyết 136 còn thiếu cạnh tranh với các đối chuẩn quốc tế, nhất là các cơ chế ưu đãi theo ngành, lĩnh vực thu hút.
Ông Lê Phú Cường- Tham tán thương mại tại Malaysia cho biết: “Để thành công trong một khu vực tự do thì yếu tố ưu đãi thuế quan, thủ tục hành chính là yếu tố doanh nghiệp quan tâm nhất. Trong khi đó điều kiện về nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng cũng là yếu tố tác động đến quyết định của doanh nghiệp. Về ngành nghề ưu tiên, các doanh nghiệp quan tâm đến ngành sản xuất công nghệ cao, chip bán dẫn, điện tử và vật liệu mới hoặc cơ sở dữ liệu cho nền tảng công nghiệp dịch vụ. Bên cạnh dịch vụ logistic, Đà nẵng nên tận dụng lợi thế cảng nước sâu và kết nối hành lang kinh tế đông tây”.
Vì vậy, Đà Nẵng cần khẩn trương nắm bắt cơ hội, huy động các nguồn lực, tìm kiếm các nhà đầu tư có đủ năng lực để biến dự án thành hiện thực trong thời gian sớm nhất.