[Đà Nẵng] Phát triển sản phẩm du lịch kết hợp nông nghiệp, sinh thái tự nhiên
Sau hơn 2 năm thực hiện chủ trương của thành phố về thí điểm khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản, huyện Hòa Vang đã hình thành những điểm du lịch hấp dẫn, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp để vừa tạo thêm việc làm cho người dân vừa góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch cho thành phố.
Du khách tham quan và trải nghiệm tại Vườn nho thung lũng Nam Yên, xã Hòa Bắc. Ảnh: TRẦN TRÚC |
Hiệu quả bước đầu
Mô hình trồng cây ăn quả gắn với du lịch trải nghiệm của anh Lê Quốc Hiền có tên gọi “Vườn nho thung lũng Nam Yên” tại xã Hòa Bắc, được nhiều du khách biết đến nhờ sự hấp dẫn, độc đáo riêng có. Khu vườn rộng hơn 8.800m2 của anh Hiền trồng hơn 500 gốc nho đa dạng các loại như: nho móng tay, nho hạ đen không hạt, nho mẫu đơn và nho kẹo.
Vườn nho thung lũng Nam Yên khai trương vào tháng 5-2023, hiện lượng khách tham quan, trải nghiệm bình quân 500 khách/tháng; từ tháng 4 tới tháng 8 thì lượng khách tăng mạnh nhờ vào dịp thu hoạch nho, với hơn 1.600 khách/tháng. Anh Lê Quốc Hiền chia sẻ, việc kết hợp nông nghiệp gắn với du lịch là giải pháp hữu hiệu để nâng cao giá trị nông sản và rất phù hợp với xu thế hiện nay.
Nông trại cũng đang tiếp tục cải tạo lại vườn, phát triển thêm một số cây trồng kết hợp để hình thành mô hình trải nghiệm du lịch nông nghiệp chuyên nghiệp. Đồng thời mô hình dành ưu tiên cho các trường học, đoàn tới tham quan và trải nghiệm; qua đó kỳ vọng sẽ trở thành điểm đến nổi bật, thúc đẩy phát triển du lịch kết hợp nông nghiệp bền vững tại Hòa Vang.
Sau khi Nghị quyết số 82/NQ-HĐND của HĐND thành phố ngày 17-12-2021 về việc thống nhất chủ trương thực hiện thí điểm khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện được ban hành, tính đến tháng 8-2024, UBND huyện Hòa Vang đã tiếp nhận 61 hồ sơ đăng ký thực hiện mô hình thí điểm; trong đó có 15 mô hình được huyện tổ chức thẩm định và chấp thuận chủ trương thực hiện; 1 mô hình bị hủy quyết định chấp thuận thí điểm do vi phạm các nội dung đã cam kết; 45 mô hình chưa được chấp thuận với các lý do chủ yếu như: pháp lý đất đai không bảo đảm, không đúng mục đích sử dụng đất, ảnh hưởng quy hoạch, không phù hợp với mục đích của chủ trương…
Ông Đỗ Thanh Tân, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Hòa Vang cho rằng nghị quyết là cơ sở pháp lý để địa phương khai thác tiềm năng, lợi thế sinh thái tự nhiên, nông nghiệp kết hợp phát triển kinh tế du lịch; đồng thời là cơ chế giúp tích hợp thương mại dịch vụ vào sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp. Từ nghị quyết này, nhiều hộ dân, doanh nghiệp đã đầu tư, phát triển mạnh mẽ sản phẩm du lịch sinh thái, cắm trại, cung cấp dịch vụ giáo dục trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa của cộng đồng.
Qua hơn 2 năm triển khai thí điểm, Hòa Vang trở thành địa phương cung cấp dịch vụ giáo dục trải nghiệm nông nghiệp, vui chơi cho học sinh phổ thông các cấp của toàn thành phố. Số lượng học sinh tham quan học tập tại các điểm du lịch nông nghiệp ước đạt hơn 30.000 lượt. Hoạt động du lịch cũng giải quyết được một phần đầu ra cho sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP địa phương. Tổng doanh thu từ khi các mô hình khai trương và hoạt động đến thời điểm hiện tại đã đạt hơn 10,8 tỷ đồng, giải quyết cho gần 100 lao động có việc làm ổn định.
Vẫn còn những khó khăn, vướng mắc
Theo TS. KTS Lê Thị Ly Na (Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng), thời gian qua, các tỉnh, thành phố trên cả nước xác định phát triển du lịch gắn với sản xuất của khu vực nông thôn bằng nhiều hình thức đa dạng và phong phú, nhằm khai thác tối đa tiềm năng vùng nông thôn.
Tại huyện Hòa Vang, kết quả tổ chức các hoạt động du lịch có nhiều bước phát triển khởi sắc. Tuy nhiên, việc phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp vẫn mới chỉ khai thác trên đất nông nghiệp, chưa khai thác dưới tán rừng và đất nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó, tính kết hợp, liên kết hợp tác trong phát triển các mô hình chưa cao, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trong đầu tư nghiên cứu tại các mô hình nông nghiệp còn hạn chế.
Mặt khác, một số công trình phụ trợ cần thiết để phục vụ và khai thác du lịch như: đường giao thông nội bộ, bãi đỗ xe, khu vực ăn uống, nghỉ ngơi, công trình vệ sinh… cần phải san gạt cục bộ mặt bằng và xây dựng có phần kiên cố sẽ làm thay đổi kết cấu, hiện trạng đất, không bảo đảm theo yêu cầu. Do đó, địa phương cần tập trung giải quyết tốt những vấn đề còn tồn tại, hạn chế và hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động du lịch cũng như đầu tư hạ tầng đồng bộ. Từ đây sẽ khai thông được các điểm nghẽn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch bền vững trên địa bàn huyện trong những năm đến.
Ông Nguyễn Thúc Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hòa Vang cho biết, địa phương đã hỗ trợ các chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ và phê duyệt đủ 15 mô hình thí điểm trên địa bàn. Nhìn chung, các dịch vụ du lịch được triển khai đa dạng, hiệu quả, thiết thực đúng theo định hướng và đáp ứng tốt nhu cầu vui chơi, trải nghiệm của khách du lịch.
Song vẫn còn những khó khăn, hạn chế, vướng mắc trong việc triển khai thí điểm. Đơn cử, về hoạt động du lịch trải nghiệm, trên thực tế du khách có nhu cầu lưu trú qua đêm (từ 1 đến 2 đêm) nhưng Luật Du lịch chưa quy định rõ nội dung này, dẫn đến chủ đầu tư còn lúng túng, chưa hiểu rõ về mô hình tổ chức hoạt động trải nghiệm cắm trại qua đêm trong lều bạt cho du khách. Một số địa điểm có vị trí cảnh quan thuận lợi, thực tế đang thu hút khách du lịch đến check-in như các vùng sản xuất hoa màu ven sông… nhưng thuộc loại đất khai hoang hoặc do xã quản lý, chưa được nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc được nhà nước giao đất, cho thuê đất nên không đủ điều kiện tham gia thực hiện thí điểm.