[Quảng Ngãi] Quy hoạch Quảng Ngãi là trung tâm lọc, hóa dầu và năng lượng quốc gia

Theo mục tiêu tổng quát Quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Quảng Ngãi hình thành trung tâm lọc, hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất và phát triển huyện đảo Lý Sơn trở thành trung tâm du lịch biển – đảo.

Phấn đấu là tỉnh phát triển khá của cả nước

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định 1456/QĐ-TTg ngày 22/11/2023 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phạm vi ranh giới Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi có diện tích tự nhiên 5.155,24 km2, bao gồm toàn bộ phần lãnh thổ đất liền và phần không gian biển được xác định theo Luật biển Việt Nam ngày 21/6/2012, Nghị định số 40/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Một góc trung tâm TP Quảng Ngãi.

Mục tiêu tổng quát của Quy hoạch là Quảng Ngãi phấn đấu là tỉnh phát triển khá của cả nước , có thu nhập bình quân đầu người ít nhất bằng mức bình quân của cả nước. Nâng cao tính tự chủ và khả năng thích ứng với những biến động của nền kinh tế. Tập trung phát triển kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn.

Từng bước hình thành công nghiệp xanh, công nghiệp công nghệ cao tại các khu công nghiệp và cụm công nghiệp tập trung. Xây dựng được thương hiệu về các loại hình dịch vụ chất lượng cao, với điểm nhấn là du lịch. Nhân rộng mô hình nông nghiệp áp dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn. Phát triển và hoàn thiện hạ tầng phục vụ phát triển các đô thị xanh, đô thị thông minh.

Phấn đấu đạt được các chỉ tiêu về xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. Hình thành trung tâm lọc, hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất và phát triển huyện đảo Lý Sơn trở thành trung tâm du lịch biển – đảo.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn (GRDP) bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt 7,25-8,25%/năm. Trong đó: tốc độ tăng trưởng của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 4-5%/năm; tốc độ tăng trưởng của khu vực công nghiệp đạt 8,25-9,25%/năm; tốc độ tăng trưởng của khu vực dịch vụ đạt 10,0-11,0%/năm. GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 7.700-7.900 USD.

Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều toàn tỉnh giảm bình quân 1-1,5%/năm (giai đoạn 2021-2025) và 0,5-1%/năm (giai đoạn 2026-2030).

Về phương hướng phát triển các ngành quan trọng của tỉnh, trong đó với ngành công nghiệp, tiếp tục khai thác những thế mạnh, tiềm năng sẵn có về các lĩnh vực công nghiệp nền tảng (với chủ lực là lọc hóa dầu, hóa chất, luyện kim và chế tạo cơ khí) và thúc đẩy phát triển các lĩnh vực này theo chiều sâu, thân thiện với môi trường và mở rộng theo chuỗi giá trị.

Đồng thời, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu các ngành công nghiệp theo hướng xanh có sức cạnh tranh cao, tạo bước đột phá để nâng cao năng suất, tăng nhanh tỉ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo có giá trị gia tăng lớn.

Trong đó, phát triển ngành công nghiệp chế biến , chế tạo với quy mô hợp lý, đa dạng hóa các ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp hỗ trợ; phát triển công nghiệp sản xuất điện thân thiện với môi trường và các ngành công nghiệp gắn với kinh tế biển.

Tiếp tục chú trọng đầu tư hoàn thiện và phát triển cơ sở hạ tầng các khu vực công nghiệp quan trọng, đặc biệt là Khu kinh tế Dung Quất. Chủ động thúc đẩy mối liên kết giữa Khu kinh tế Dung Quất với Khu kinh tế mở Chu Lai để hình thành trung tâm công nghiệp ven biển trọng điểm của khu vực duyên hải Trung Bộ và cả nước.

Phát triển du lịch thành một ngành kinh tế quan trọng

Về ngành thương mại – dịch vụ, phấn đấu phát triển du lịch thành một ngành kinh tế quan trọng, với hạt nhân trung tâm du lịch biển – đảo Lý Sơn và du lịch trải nghiệm gắn liền với văn hóa, lịch sử và giá trị cốt lõi của Quảng Ngãi.

Phát triển đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch như du lịch biển, đảo, núi rừng, du lịch cộng đồng, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch văn hóa, tâm linh theo hướng bền vững, chất lượng cao, đẳng cấp, có giá trị gia tăng lớn; thúc đẩy du lịch thông minh gắn với định hướng chuyển đổi số trong ngành du lịch và trong các định hướng phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Đầu tư phát triển hệ thống logistics theo hướng đồng bộ, hiện đại, thuận tiện, phát triển Quảng Ngãi thành trung tâm logistics trung chuyển vận tải đa phương thức kết nối khu vực miền Trung, khu vực Tây Nguyên, các nước Đông Nam Á, cũng như là một cửa ngõ vận tải hàng hóa qua biển Đông.

Phát triển thương mại theo hướng đổi mới sáng tạo, số hoá, công nghệ hoá phương thức kinh doanh; thu hút đầu tư các trung tâm dịch vụ tổng hợp, siêu thị, trung tâm thương mại và chợ tại các vùng đô thị và ven biển có khu du lịch phát triển; tiếp tục nâng cao chất lượng, đa dạng hóa các hình thức bán buôn và bán lẻ phù hợp với nhu cầu sử dụng của từng địa phương.

Về phương án phát triển mạng lưới giao thông, bám sát định hướng của quy hoạch cấp quốc gia để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh bảo đảm đồng bộ, hiện đại, liên thông, thúc đẩy liên kết vùng. Nghiên cứu, đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Quảng Ngãi – Kon Tum.

Xây dựng mới tuyến đường sắt đô thị tại Khu kinh tế Dung Quất nhằm định hướng kết nối với tỉnh Quảng Nam… Nghiên cứu phát triển cảng hàng không, sân bay tại vị trí có tiềm năng là huyện đảo Lý Sơn khi đảm bảo các điều kiện theo quy định.

Ông Đặng Văn Minh – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi – cho rằng, đây là tin vui và hết sức quan trọng đối với địa phương. Ngay từ đầu nhiệm kỳ này, Quảng Ngãi đã dành sự quan tâm đặc biệt đến việc hoàn thiện Quy hoạch tỉnh, vì đây là cơ sở pháp lý quan trọng, định hướng để địa phương tập trung kêu gọi, thu hút và bố trí các nguồn lực đầu tư vào những không gian kinh tế động lực theo định hướng.

“Để có được kết quả như hôm nay, các cơ quan, đơn vị của tỉnh đã rất nỗ lực phối hợp với các bộ, ban ngành trung ương, tổ chức xây dựng, tiếp thu và giải trình làm rõ để đi kết quả cuối cùng”, ông Minh nói thêm.

Theo kế hoạch, ngày 22/12, Quảng Ngãi sẽ tổ chức công bố quy hoạch cùng với 2 sự kiện quan trọng khác là khởi công dự án đường Hoàng Sa – Dốc Sỏi và kỷ niệm 10 năm VSIP Quảng Ngãi, trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư VSIP II Quảng Ngãi.

Theo Báo Tiền Phong