[Đà Nẵng] Phát triển ngành công nghiệp vi mạch, bán dẫn
Sáng 4-5, tại Hà Nội, Tập đoàn Phenikaa phối hợp với Tập đoàn Synopsys, Đại học Arizona tổ chức hội thảo quốc tế “Nguồn nhân lực bán dẫn Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu”.
Về phía Chính phủ có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và Ủy viên Trung ương Đảng; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Về phía Đà Nẵng có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh dự.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tại hội thảo. Ảnh: M.Q |
Phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, ngành công nghiệp vi mạch, bán dẫn là ngành công nghiệp nền tảng, là bộ phận cốt lõi của ngành công nghiệp điện tử, có vai trò quan trọng trong sự phát triển của các công nghệ, giải pháp công nghệ mới hiện nay.
Ngành công nghiệp vi mạch, bán dẫn có tính toàn cầu hóa, đòi hỏi sự đầu tư lớn về sản xuất và yêu cầu cao về trình độ lao động, kích thước, hiệu năng xử lý quyết định năng lực cạnh tranh của sản phẩm và ưu thế của các nhà sản xuất.
Xét theo chuỗi giá trị của sản xuất vi mạch (không kể đến khâu bán hàng, phân phối) có thể chia thành 6 công đoạn: chế tạo vật liệu; chế tạo thiết bị sản xuất chíp bán dẫn; công cụ thiết kế; thiết kế (gồm thiết kế hệ thống và gia công thiết kế); sản xuất; lắp ráp và đóng gói, kiểm thử.
Trong chuỗi giá trị này, chưa có quốc gia hoặc lãnh thổ nào đạt được quyền tự chủ chiến lược hoàn toàn mà có sự phụ thuộc, phân công lẫn nhau. Do đó, đẩy mạnh nghiên cứu, đầu tư, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn đang trở thành “cuộc đua” mới giữa các quốc gia, các nền kinh tế trong thế kỷ 21.
Trong xu thế chuyển dịch chuỗi sản xuất khu vực và toàn cầu, Việt Nam có lợi thế về môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi với các chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn, nguồn nhân lực trẻ có trình độ cơ bản và khả năng tiếp cận công nghệ mới; nguồn nguyên, vật liệu thuận lợi…
Một điểm mạnh, làm nên sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư hàng đầu, là vị thế và uy tín quốc tế ngày càng quan trọng trong khu vực và quốc tế. Việt Nam hiện có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với hầu hết các nước có ngành công nghiệp bán dẫn phát triển.
Trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ, hai bên đặc biệt nhấn mạnh hợp tác đột phá là đổi mới sáng tạo và công nghệ cao. Việt Nam đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác với Hoa Kỳ về phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn trong khuôn khổ chuyến thăm vừa qua của Tổng thống Joe Biden tháng 9-2023.
Gần đây, các tập đoàn sản xuất vi mạch bán dẫn hàng đầu (Nvidia, Intel, Samsung…) đã có nhiều chuyến thăm, làm việc, khẳng định sự quan tâm, đẩy mạnh nghiên cứu, nghiên cứu cơ hội đầu tư, phát triển, hướng tới xây dựng các trọng điểm sản xuất bán dẫn tại Việt Nam.
Như vậy, có thể nói, Việt Nam nhận thức rõ về vai trò, tầm quan trọng của ngành công nghiệp bán dẫn và hiện đang đứng trước thời cơ to lớn để trở thành một điểm đến chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành công nghiệp bán dẫn.
Việt Nam đang chạy đua với thời gian và đã có những bước đi cụ thể, bài bản, mang tính nền tảng nhằm tạo tiền đề và môi trường thuận lợi cho phát triển ngành công nghiệp quan trọng này: từ chủ trương của Đảng được thể chế hóa trong các chính sách, pháp luật của Nhà nước; đến những nỗ lực vượt bậc trong ưu tiên phát triển hạ tầng, như năng lượng, logistics…
Chính phủ đang tập trung xây dựng chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và đề án đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn theo tiêu chuẩn quốc tế. Việc nhanh chóng xây dựng được đội ngũ nhân lực chất lượng cao, có chuyên môn sâu về vi mạch bán dẫn được cho là bài toán mấu chốt, là cơ hội, cũng là thách thức lớn nhất để Việt Nam phát huy tốt tiềm năng, lợi thế, tham gia tốt vào chuỗi giá trị ngàn tỷ USD của ngành công nghiệp bán dẫn.
Trước hết, cần xác định thế mạnh của Việt Nam, có thể nghiên cứu, tiếp nhận, chuyển giao, làm chủ ngay những khâu nào trong chuỗi giá trị công nghiệp bán dẫn phù hợp với điều kiện về nhân lực, cơ sở hạ tầng khoa học, kỹ thuật hiện có để phát triển nguồn nhân lực phù hợp.
Thứ hai, STEM với các ngành khoa học vật lý, vật liệu, toán học, hóa chất, điện tử, tin học, thiết kế hệ thống… là nền tảng căn bản của công nghệ bán dẫn, thiết kế chip. Vì vậy, vấn đề đặt ra là cần xây dựng tháp nhân lực như thế nào để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn, cũng như phát huy được năng lực, sở trường về nhất là về toán học, khoa học cơ bản vốn là thế mạnh của Việt Nam.
Để sẵn sàng nguồn nhân lực trong ngắn hạn, đề án phát triển nguồn nhân lực đã xác định kế hoạch đào tạo chuyển đổi cử nhân, kỹ sư từ các ngành nghề gần hơn như điện tử, vật liệu, vật lý, hóa chất, lập trình. Tuy nhiên, cần có cơ chế, giải pháp như thế nào nhằm thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp với các cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học trong xây dựng chương trình đào tạo, nghiên cứu, thí nghiệm, bên cạnh đặt hàng của Nhà nước, để đào tạo dựa trên tín hiệu thị trường, thực sự đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Thứ ba, việc đào tạo nhân lực ngành bán dẫn đòi hỏi phải đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, tiếp cận với các công nghệ tiên tiến, hiện đại. Nhà nước giữ vai trò chủ đạo nhưng cần cơ chế nào để có thể thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp trong việc đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn.
Đồng thời, cũng cần xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút đội ngũ chuyên gia trong và ngoài nước tham gia vào hoạt động đào tạo và phát triển nhân lực.
Chúng tôi mong muốn sự hỗ trợ của các doanh nghiệp hàng đầu về công nghệ bán dẫn; đồng hành cùng cơ sở đào tạo và doanh nghiệp. Chính phủ cam kết tạo ra môi trường kinh doanh và học thuật thuận lợi để khuyến khích sự đổi mới, nghiên cứu, phát triển, sản xuất trong lĩnh vực bán dẫn.
Chính phủ ghi nhận sự tham gia của thành phố Đà Nẵng cũng như các đối tác liên quan khác trong việc hợp tác đầu tư cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, xây dựng chương trình hành động cụ thể và cam kết vì sự phát triển nguồn nhân lực vi mạch của Việt Nam.
Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác với các quốc gia, vùng lãnh thổ trong nghiên cứu, đào tạo phát triển hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn. Việt Nam cam kết tạo lập môi trường đầu tư thuận lợi nhất cho doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp phát triển sản xuất chip bán dẫn nói riêng.