[Đà Nẵng] Nhiều biện pháp thu hút đầu tư vào Khu Công nghệ cao Đà Nẵng
Thành phố Đà Nẵng đặt mục tiêu tỷ lệ đóng góp của Khu công nghệ cao cho tăng trưởng của thành phố đạt tối thiểu 10% – 15% giai đoạn 2025 – 2030. Tuy nhiên, từ cuối năm 2022 đến đầu năm 2023, thu hút đầu tư vào Khu công nghệ cao Đà Nẵng nói riêng và các Khu công nghiệp nói chung tại Đà Nẵng chững lại. Để đạt mục tiêu vừa nêu, thành phố Đà Nẵng cần có những chiến lược rõ ràng.
Những ngày này, tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng, Công ty Cổ phần Long Hậu (Thành phố Hồ Chí Minh) khẩn trương triển khai khu nhà xưởng phục vụ công nghiệp công nghệ cao và phụ trợ công nghệ cao với quy mô gần 11 héc ta. Nhà đầu tư thứ cấp này cung ứng nhà xưởng xây sẵn và nhà xưởng xây theo yêu cầu. Diện tích xưởng linh hoạt từ 1.500- 6.000 mét vuông, thiết kế đa công năng, đáp ứng tiêu chuẩn sạch trong sản xuất công nghệ cao.
Ông Bùi Lê Anh Hiếu, Giám đốc Tiếp thị kinh doanh, Công ty Cổ phần Long Hậu cho biết, Công ty đã triển khai 4 nhà xưởng với tổng diện tích hơn 20 ngàn mét vuông. 2 nhà xưởng đầu tiên đã đưa vào hoạt động, tiếp nhận 2 nhà đầu tư Nhật Bản đến thuê, triển khai sản xuất và có sản phẩm xuất khẩu. Hiện, đơn vị đang triển khai 2 nhà xưởng xây sẵn, dự kiến đưa vào hoạt động vào cuối tháng 5/2023.
Mô hình khu nhà xưởng xây sẵn tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng
Đến hết Quý I năm 2023, Khu Công nghệ cao Đà Nẵng đã thu hút 29 dự án với tổng vốn đầu tư 905 triệu đô la Mỹ. Tỷ lệ lấp đầy tại Khu Công nghệ cao này đạt 44%. Trong đó, phân khu sản xuất là 58%; khu hậu cần, logistics và dịch vụ công nghệ cao là 76% và khu nghiên cứu, phát triển, đào tạo và ươm tạo doanh nghiệp là 5,5%.
Khi mời gọi nhà đầu tư về một lĩnh vực công nghệ cao, thành phố Đà Nẵng cân nhắc các yếu tố về nhân lực, chính sách hỗ trợ nhà đầu tư, quỹ đất phù hợp cho phát triển lĩnh vực, hạ tầng phục vụ sinh hoạt của người lao động, đội ngũ chuyên gia.
Đối với dự án vào Khu Công nghệ cao, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Đà Nẵng kết nối nhà đầu tư với trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng giúp đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực đối với từng vị trí việc làm của dự án nhà đầu tư về kỹ thuật, ngoại ngữ,… Để có sự đánh giá chuẩn, khi nhận hồ sơ dự án của doanh nghiệp, đơn vị sẽ làm đầu mối gửi đến các sở, ngành để thẩm định hồ sơ. Trong đó, Sở Khoa học- Công nghệ đánh giá về công nghệ cao và sản phẩm. Việc thẩm định hồ sơ do Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng quyết định và chịu trách nhiệm. Bên cạnh đó, Ban cũng mời chuyên gia, khảo sát thực địa nếu ở Việt Nam và xem qua clip nếu ở nước ngoài. Đối với dự án quan trọng có vốn đầu tư lớn, Ban Quản lý sẽ thành lập Tổ công tác để giúp nhà đầu tư tháo gỡ vướng mắc. Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng cũng bố trí nhân sự các phòng chuyên môn nghiệp vụ để giúp đỡ nhà đầu tư từ giai đoạn tiếp xúc gặp gỡ đến lúc nộp hồ sơ.
Ông Vũ Quang Hùng, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và Các khu công nghiệp Đà Nẵng
Ông Vũ Quang Hùng, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và Các khu công nghiệp Đà Nẵng cho biết: Đơn vị sẽ đẩy mạnh các hoạt động ươm tạo công nghệ cao; lựa chọn, theo dõi và đánh giá hiệu quả dự án ươm tạo; tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; hoàn thiện, nâng cao hiệu quả chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp.
“Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư vào Khu công nghệ cao, cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, tập trung thu hút đầu tư có chọn lọc thông qua tổ chức các diễn đàn, hội nghị xúc tiến đầu tư trực tuyến với các thị trường trọng điểm và quốc gia đang có chính sách chuyển dịch dòng vốn đầu tư, gắn thu hút đầu tư với đảm bảo quốc phòng – an ninh và bảo vệ môi trường. Ban Quản lý tập trung tháo gỡ khó khăn, khơi thông các nguồn lực đầu tư, nhất là các dự án quy mô lớn còn vướng mắc, chậm triển khai trong nhiều năm; tiếp tục đề xuất biện pháp xử lý cụ thể đối với các dự án để hỗ trợ nhà đầu tư phát triển đồng thời nâng cao chất lượng sử dụng đất, hiệu quả đầu tư của dự án tại Khu Công nghệ cao; Triển khai thủ tục mở rộng Khu Công nghệ cao; lập quy hoạch phân khu xây dựng đối với dự án Khu Công nghệ cao theo ranh giới quy hoạch đã được xác định trong quy hoạch chung thành phố song song với việc triển khai quy hoạch phân khu công nghệ cao”. Ông Vũ Quang Hùng khẳng định.
Khu Công nghệ cao Đà Nẵng
Khu Công nghệ cao Đà Nẵng có tổng diện tích quy hoạch là 1.128,4 ha với 6 phân khu chức năng: Khu sản xuất công nghệ cao; Khu nghiên cứu – phát triển, đào tạo và ươm tạo doanh nghiệp; Khu quản lý – hành chính; Khu công trình hạ tầng kỹ thuật đầu mối; Khu hậu cần, logistics và dịch vụ công nghệ cao.
Định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đà Nẵng phấn đấu trở thành một đô thị sinh thái thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực Châu Á. Thành phố Đà Nẵng tập trung phát triển 3 trụ cột chính gồm: du lịch, công nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển.
Từ năm 2012 đến nay, thành phố đã tập trung huy động nguồn lực đầu tư xây dựng và hoàn thiện hạ tầng Khu Công nghệ cao Đà Nẵng. Đây là 1 trong 3 khu công nghệ cao cấp quốc gia và là Khu Công nghệ cao duy nhất tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Thu hút đầu tư vào Khu Công nghệ cao được xác định là động lực và hạt nhân để tạo ra đột phá, góp phần then chốt vào sự phát triển của kinh tế Đà Nẵng sau dịch bệnh. Thành phố Đà Nẵng phấn đấu tỷ lệ đóng góp của Khu Công nghệ cao đạt tối thiểu 10%-15% giai đoạn 2025-2030.
Trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, Đà Nẵng tiếp cận theo xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để định hướng thu hút và phát triển các lĩnh vực phù hợp. Hiện, thành phố này ưu tiên phát triển các ngành, lĩnh vực: công nghệ thông tin, truyền thông; công nghệ sinh học; công nghệ vi điện tử, cơ khí chính xác, cơ – điện tử, quang – điện tử và tự động hóa; công nghệ môi trường, công nghệ năng lượng mới; công nghệ vật liệu mới, công nghệ nano…
Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết: “Thành phố đã định hướng, tái cơ cấu và xác định công nghiệp công nghệ cao là một trong những mũi nhọn kinh tế của thành phố. Cho nên, thành phố rất quan tâm thu hút đầu tư vào Khu Công nghệ cao. Bước đầu, có kết quả nhưng do những năm dịch Covid-19, cho nên cuối năm 2022 và đầu năm 2023 có những khó khăn. Nhưng hiện nay, chúng tôi cũng đang quyết tâm. Thành phố cũng đã ban hành Đề án thu hút đầu tư vào Khu này, cũng đã ban hành Đề án phối hợp giữa các khu công nghiệp giữa các tỉnh miền Trung để hỗ trợ nhau. Thành phố cũng từng bước tháo gỡ khó khăn về một số vấn đề pháp lý. Tôi hy vọng khi những khó khăn được tháo gỡ thì sẽ đóng góp một phần rất lớn vào phát triển kinh tế- xã hội.” ông Chinh nói.
Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng phát biểu tại hội thảo thu hút đầu tư
Khu Công nghệ cao Đà Nẵng ra đời sau Khu Công nghệ cao Hòa Lạc và Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh nhưng hạ tầng công nghiệp luôn là một lợi thế thu hút đầu tư của thành phố Đà Nẵng trong khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Việc thu hút được nguồn đầu tư lớn từ xã hội và nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào khu vực này sẽ đóng góp không nhỏ vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng trưởng, kim ngạch xuất – nhập khẩu, giải quyết việc làm cho hàng triệu người lao động.