[Đà Nẵng] Hiệu quả kinh tế từ mô hình nông nghiệp tuần hoàn
Tại Đà Nẵng, nhiều mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp không chỉ giúp mang lại giá trị về kinh tế mà còn hướng đến nền nông nghiệp xanh, phát triển bền vững cho địa phương.

Chị Nhinh mở rộng quy mô chăn nuôi lên hơn 100 con cũng như nâng cấp khu chuồng nuôi dê cao ráo, sạch sẽ. Ảnh: TRẦN TRÚC
Hiệu quả kinh tế cao
Chị Nguyễn Thị Nhinh (thôn An Châu, xã Hòa Vang) là một trong những tấm gương điển hình về phát triển kinh tế nông nghiệp tại địa phương. Chị Nhinh xây dựng mô hình tuần hoàn hiệu quả với việc chăn nuôi bò, dê và nuôi trùn quế kết hợp với trồng cỏ cũng như các loại rau, cây ăn quả trên diện tích gần 2ha.
Giai đoạn năm 2010, chị được địa phương hỗ trợ 8 con dê giống, hơn 100 khóm giống thanh long ruột đỏ trồng với diện tích 1.000m2. Nhận thấy tiềm năng và lợi thế sẵn có, chị quyết định vay vốn từ ngân hàng và phụ nữ thôn 370 triệu đồng để mua thêm bò và dê, đồng thời xây dựng chuồng trại và trồng các loại cây có giá trị kinh tế như mãng cầu, chuối lùn, rau các loại.
Đến năm 2017, chị Nhinh chuyển đổi diện tích trồng một số loại cây không có hiệu quả sang trồng cỏ làm thức ăn cho bò, dê; sử dụng nguồn phân bò, phân dê sẵn có để nuôi trùn quế với diện tích 100m2, gồm 12 bể xây (3m x 3m).
Đến nay, khu vườn của chị là trang trại chăn nuôi kết hợp trồng trọt với tổng quy mô đàn dê hơn 100 con, 5 con bò, hơn 200 con gà, hơn 1ha trồng cỏ và 200m2 trồng rau các loại.
Sau 3 tháng, chị thu 4 tạ phân chuồng từ dê và bò để làm thức ăn cho trùn quế. Với 12 bể xây nuôi trùn quế, chị thu hoạch gối đầu quanh năm, trung bình mỗi năm thu được 5 đợt, với 180kg trùn quế/đợt.

Lượng trùn quế còn được chị sử dụng làm thức ăn cho bò, dê, gà…; số dư bán ra thị trường với giá 2.000 đồng/kg phân và 70.000 đồng/kg giun trùn quế. Ngoài ra, tận dụng nguồn phân dê, phân trùn quế đã được xử lý, chị Nhinh trồng thêm các loại rau ăn lá xen canh với rau ăn quả, đem lại năng suất cao.
“Mô hình này góp phần giảm chi phí đầu vào, nâng cao giá trị sản xuất và giảm ô nhiễm môi trường, sản phẩm cho ra cũng an toàn cho sức khỏe người dùng. Đặc biệt, với mô hình chăn nuôi kết hợp mô hình trồng trọt, tôi vẫn có lợi nhuận ngay cả thời điểm giá nhiều loại nông sản khó tiêu thụ.
Mỗi năm, tôi có tổng doanh thu khoảng 250-300 triệu đồng, nếu trừ chi phí thì lãi ròng khoảng 130-150 triệu đồng/năm. Thời gian đến, tôi tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi cũng như nâng cấp khu chuồng nuôi dê sạch sẽ, cải tạo chuồng nuôi gà, đưa cơ giới hóa vào sản xuất để nâng cao năng suất”, chị Nhinh chia sẻ.
Tối ưu hóa chi phí
Anh Nguyễn Quang Phú (phường Hòa Khánh) là một trong những người đầu tiên đầu tư mô hình nuôi sâu canxi tại địa phương từ năm 2023. Anh Phú cho biết, sâu canxi là ấu trùng của ruồi lính đen, đến giai đoạn sâu trưởng thành hoặc lột xác thì vỏ kén của sâu để lại chứa rất nhiều canxi. Sản phẩm sâu trưởng thành có thể cho gia cầm ăn trực tiếp, hoặc vỏ kén sâu có thể dùng cho gia súc, gia cầm ăn để bổ sung nguồn dinh dưỡng.

Giai đoạn đầu, có lúc sâu bò ra khỏi khay và chết không rõ nguyên nhân, lúc này anh Phú phải tự tìm tòi, học hỏi qua nhiều phương thức để rút kinh nghiệm trong quá trình nuôi sâu.
Cơ sở vật chất để phát triển loài sinh vật này cũng không quá cầu kỳ, gồm: khay nuôi ấu trùng; lồng nuôi ruồi bố mẹ rộng 15m3 để phục vụ tái đàn; lồng nuôi được thiết kế bằng khung sắt bọc vải mùng luôn khép kín, đồng thời bên trong bố trí các mảnh vải nhỏ treo phía trên và các giá thể bằng gỗ làm nơi để đàn ruồi giao phối sinh sản và đẻ trứng.
Với diện tích nuôi sâu canxi khoảng 100m2, khu nuôi, nhân giống sâu canxi và tái đàn ruồi lính đen của anh Phú được thực hiện với hình thức khép kín. Trung bình 1gram trứng sẽ thu được 2,5-3kg sâu canxi với thời gian nuôi từ 15-20 ngày; mỗi năm nuôi khoảng 1kg trứng thì thu được 2,5-3 tấn sâu canxi. Sâu canxi có giá bán 30gram trứng là 170.000 đồng, 1kg là 30.000 đồng, 1kg phân sâu canxi 7.000 đồng.
“Tôi quyết tâm theo đuổi mô hình này vì nhận thấy lợi ích kép của việc nuôi sâu canxi vừa tận dụng được phế phẩm nông nghiệp, hạn chế ô nhiễm môi trường vừa là nguồn thức ăn nhiều dinh dưỡng cho gia súc, gia cầm. Khi bắt tay vào làm, cần lưu ý việc đầu tư sâu canxi không đòi hỏi nhiều về cơ sở vật chất, nguồn vốn đầu tư nhỏ, không cần nhiều diện tích đất nhưng bắt buộc phải bảo đảm nguồn thức ăn đầy đủ cho sâu.
Gia đình tôi có nuôi gà và vịt với số lượng lớn. Nếu trước đây tốn nhiều chi phí về thức ăn thì từ khi nuôi sâu canxi, tôi thấy vật nuôi nhanh lớn, ít bệnh, chất lượng thịt thơm, ngon hơn, nhất là giúp giảm 70-80% chi phí thức ăn chăn nuôi. Mỗi tháng, tôi thu nhập khoảng 8-10 triệu đồng. Đây là mô hình có thể sản xuất với số lượng lớn trong điều kiện không gian hẹp”, anh Phú cho hay.