[Đà Nẵng] “Gặp gỡ Thái Lan tại Đà Nẵng 2024”: Hợp tác phát triển du lịch, kết nối đầu tư và hội nhập chuỗi cung ứng
Sáng 27-9, tại Đà Nẵng, Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp Tổng Lãnh sự quán Thái Lan tại Thành phố Hồ Chí Minh và UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức hội nghị “Gặp gỡ Thái Lan tại Đà Nẵng năm 2024″, thu hút hơn 300 đại biểu, tập đoàn, doanh nghiệp, tổ chức hàng đầu của hai nước tham dự.
Các đại biểu Việt Nam – Thái Lan tham dự hội nghị “Gặp gỡ Thái Lan tại Đà Nẵng” năm 2024. Ảnh: T.P |
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Minh Hằng nhấn mạnh, Thái Lan là đối tác thương mại lớn nhất, nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 2 của Việt Nam trong ASEAN. Hơn nữa, Việt Nam và Thái Lan là hai nước có số lượng địa phương kết nghĩa nhiều nhất trong các nước thành viên ASEAN.
Hội nghị “Gặp gỡ Thái Lan tại Đà Nẵng” hôm nay diễn ra đúng thời điểm, phù hợp với mong muốn hợp tác của hai bên nhằm cụ thể hóa chương trình hành động triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược tăng cường Việt Nam – Thái Lan giai đoạn 2022 – 2027; chiến lược “Ba kết nối”, kết nối chuỗi cung ứng, trao đổi kinh doanh ở cấp địa phương và kết nối giữa các chính sách kinh tế sinh học – kinh tế tuần hoàn – kinh tế xanh của Thái Lan và chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Minh Hằng phát biểu khai mạc tại hội nghị “Gặp gỡ Thái Lan tại Đà Nẵng” . Ảnh: T.P |
Hội nghị là cơ hội để hai nước cùng thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi về đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên của mỗi nước như kinh tế số, kinh tế xanh, các ngành công nghệ cao.
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Đà Nẵng là thành phố có vị trí địa lý chiến lược, là cửa ngõ phía Đông mở ra Thái Bình Dương của tuyến Hành lang Kinh tế Đông Tây nối với Lào, Đông Bắc Thái Lan và Myanmar. Chính phủ Việt Nam khẳng định tiếp tục tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Thái Lan kinh doanh hiệu quả tại thành phố Đà Nẵng nói riêng, Việt Nam nói chung.
Tổng Lãnh sự Thái Lan tại Thành phố Hồ Chí Minh Wiraka Moodhitaporn chia sẻ tại hội nghị. Ảnh: T.P |
Chia sẻ tại hội nghị, Tổng Lãnh sự Thái Lan tại Thành phố Hồ Chí Minh Wiraka Moodhitaporn cho biết, hội nghị là cơ hội để tăng cường quan hệ song phương giữa Thái Lan và Việt Nam; được lắng nghe các chủ trương, chính sách của Việt Nam cũng như các quyền lợi mà doanh nghiệp Thái Lan nhận được khi đầu tư vào Việt Nam.
Bà Wiraka Moodhitaporn tin tưởng rằng, hội nghị sẽ mở ra nhiều chương trình hợp tác về lĩnh vực thương mại, logistics, du lịch giữa hai bên. Qua đó đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân mỗi nước, vì sự phát triển thịnh vượng của Việt Nam – Thái Lan và của khu vực ASEAN.
Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh bày tỏ, Đà Nẵng rất vinh dự được Bộ Ngoại giao Việt Nam và Tổng lãnh sự quán Thái Lan tại Thành phố Hồ Chí Minh lựa chọn làm địa điểm tổ chức hội nghị “Gặp gỡ Thái Lan”.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh chia sẻ những cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng tại hội nghị. Ảnh: T.P |
Vừa qua, Quốc hội Việt Nam ban hành Nghị quyết số 136/2024/QH15 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.
Theo đó, Quốc hội cho phép thực hiện một số chính sách đặc thù, vượt trội chưa có tiền lệ ở Việt Nam về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; quản lý đầu tư; quản lý quy hoạch, đô thị, tài nguyên, môi trường; ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào thành phố; thành lập khu thương mại tự do…
‘‘Chúng tôi hy vọng nhiều đối tác, doanh nghiệp Thái Lan sẽ đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, kinh doanh tại Đà Nẵng. Chính quyền thành phố cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài nói chung, Thái Lan nói riêng đầu tư, kinh doanh có hiệu quả và sinh sống an bình tại thành phố”, ông Hồ Kỳ Minh chia sẻ.
Hội nghị “Gặp gỡ Thái Lan tại Đà Nẵng năm 2024” đã diễn ra với 2 phiên thảo luận tập trung vào các vấn đề: phát triển du lịch bền vững; đẩy mạnh kết nối đầu tư và hội nhập chuỗi cung ứng.
Tại hội nghị, các nhà hoạch định chính sách và cộng đồng doanh nghiệp hai nước thảo luận, chia sẻ và đưa ra những giải pháp chiến lược nhằm tạo điều kiện các bên liên quan tham gia sâu hơn vào chuỗi kết nối cung ứng, thúc đẩy việc sản xuất và tiêu thụ hàng hóa.