[Đà Nẵng] Định hướng, kết nối mạng lưới khởi nghiệp
Để phát triển toàn diện hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và tạo môi trường thuận lợi cho các dự án, startup, thu hút đầu tư, thành phố Đà Nẵng cần phát huy, nâng cao vai trò của Hội đồng Điều phối mạng lưới khởi nghiệp và thực hiện nhiều giải pháp định hướng, kết nối mạng lưới.
Thành phố Đà Nẵng cần phát huy, nâng cao vai trò của Hội đồng Điều phối mạng lưới khởi nghiệp và thực hiện nhiều giải pháp định hướng, kết nối. Trong ảnh: Nhân viên Công ty CP EM & AI đang làm việc. Ảnh: VĂN HOÀNG
Phát huy vai trò của hội đồng điều phối
Theo Hội đồng Điều phối mạng lưới khởi nghiệp thành phố, Đà Nẵng đã xây dựng nhiều cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo về hỗ trợ trực tiếp cho các dự án/doanh nghiệp khởi nghiệp về đổi mới công nghệ, phát triển tài sản trí tuệ; hoàn thiện không gian làm việc chung, không gian sáng chế, cơ sở hạ tầng kỹ thuật ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao tại Trung tâm Dịch vụ tổng hợp Khu Công nghệ cao Đà Nẵng và các cơ sở khác trên địa bàn; hỗ trợ, phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) xúc tiến thành lập Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia tại Đà Nẵng trong thời gian đến.
Một số doanh nghiệp, startup bứt phá và gọi vốn thành công hàng triệu USD từ các quỹ đầu tư, nhà đầu tư thiên thần. Đà Nẵng liên tục được công nhận danh hiệu “Thành phố hấp dẫn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” các năm 2020, 2022 và 2023 do Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam vinh danh. Tại sự kiện Techfest quốc gia năm 2023, Đà Nẵng cũng được Bộ KH&CN vinh danh là địa phương có đóng góp nổi bật đối với hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và các bộ, ngành, Hội đồng cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia bình chọn là một trong 3 địa phương tiêu biểu xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp.
Giám đốc Sở KH&CN, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Điều phối mạng lưới khởi nghiệp thành phố Lê Đức Viên nhìn nhận, hội đồng điều phối có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển và đổi mới sáng tạo trong thành phố; tạo nền tảng kết nối vô cùng mạnh mẽ giữa các thành tố trong hệ sinh thái khởi nghiệp. Nhiều hoạt động kết nối mạng lưới trong nước và quốc tế được đẩy mạnh triển khai thông qua việc tham dự và tổ chức các sự kiện, cuộc thi, diễn đàn về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tạo cơ hội kết nối các trường đại học, viện nghiên cứu với các doanh nghiệp, vườn ươm doanh nghiệp, khuyến khích hình thành các dự án/doanh nghiệp, startup từ các trường đại học, viện nghiên cứu trên địa bàn thành phố.
Theo Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, năm 2024, hội đồng sẽ tiếp tục điều phối, kết nối các nguồn lực của hệ sinh thái theo hướng phát triển toàn diện, phát huy tối đa vai trò, chức năng của các thành tố; tận dụng hiệu quả các nguồn lực và định hướng kết nối sâu và rộng với các hệ sinh thái trong nước và quốc tế; hợp tác, liên kết, kết nối các thành tố của hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước và quốc tế.
Tập trung phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp
Ông Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES) cho rằng, những yếu tố được xây dựng từ các nguồn lực nội tại của thành phố sẽ quyết định đến sự phát triển và khởi sắc của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Trong đó, Hội đồng Điều phối mạng lưới khởi nghiệp thành phố là la bàn định hướng và điều phối hoạt động khởi nghiệp của cả Đà Nẵng; tiên phong trong vấn đề ươm tạo, hình thành không gian làm việc chung, phát triển cộng đồng và hợp tác quốc tế; xây dựng thành phố hấp dẫn đối với khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tạo hình ảnh chính quyền cởi mở và thu hút các nguồn lực hợp tác, hỗ trợ khởi nghiệp; ưu tiên phát triển hạ tầng, nhân lực, vật lực và các chính sách hỗ trợ.
Vì vậy, Đà Nẵng cần tiếp tục phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua việc ươm tạo, huấn luyện trong và ngoài các trường đại học, cao đẳng; hạ tầng phục vụ ươm tạo và không gian làm việc tích hợp dịch vụ quy mô, chuyển đổi số các chương trình ươm tạo và quá trình vận hành. Đối với nguồn vốn, cần vốn mồi từ quỹ đầu tư khởi nghiệp thành phố, các chính sách khuyến khích sự tham gia của các tập đoàn trong việc lập quỹ đầu tư khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hình thành câu lạc bộ nhà đầu tư thiên thần. Ngoài ra, thành phố cần có thêm chính sách hỗ trợ và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp; thu hút các lĩnh vực công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo, chip bán dẫn…
Theo Sở KH&CN, thành phố cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, thực hiện và đề xuất các chính sách phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; xây dựng và hoàn thiện cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật phục vụ khởi nghiệp; triển khai các hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy các giải pháp công nghệ của doanh nghiệp phục vụ phát triển kinh tế – xã hội; chú trọng các dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực chuyển đổi số, công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, công nghệ sinh học, thiết kế vi mạch…, từng bước phát triển cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhiều về số lượng và mạnh về chất lượng.
Bên cạnh đó, thành phố cần tăng cường và mở rộng hợp tác với các hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước và quốc tế phát triển mạnh mẽ như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thụy Điển, Phần Lan, Singapore… để trao đổi kinh nghiệm phát triển hệ sinh thái, thu hút các quỹ đầu tư cho khởi nghiệp và kết nối các đối tác đến Đà Nẵng để hỗ trợ các dự án/startup trên địa bàn.
Nhiều hoạt động kết nối quốc tế
Theo Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, năm 2024, thành phố dự kiến sẽ tổ chức kết nối với hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại thành phố Thâm Quyến (Trung Quốc); các nhà đầu tư mạo hiểm, chuyên gia khởi nghiệp, doanh nghiệp công nghệ tầm cỡ, đổi mới sáng tạo tại Úc; tổ chức sự kiện International Pitching Day để kết nối các dự án khởi nghiệp với các quỹ đầu tư, nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, phối hợp với chương trình Swiss EP tại Việt Nam; triển khai các hoạt động kết nối, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp thành phố Đà Nẵng với quỹ đầu tư Quest Ventures, các đối tác Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, Canada…
Theo Báo Đà Nẵng