[Đà Nẵng] Đặt mục tiêu GRDP đến năm 2030 tăng trưởng bình quân 9,5 – 10%/năm, liệu có khả thi?
Thành phố Đà Nẵng đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP bình quân đến năm 2030 đạt 9,5 – 10%. Với tốc độ tăng trưởng chưa ổn định hiện tại, mục tiêu này có khả thi?
Coi phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo là then chốt, chuyển đổi số là yếu tố đột phá
Theo kế hoạch 155/KH-UBND do UBND TP. Đà Nẵng vừa ban hành triển khai Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thành phố đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm xã hội (GRDP) tăng trưởng bình quân 9,5 – 10%/năm.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng cao, Đà Nẵng coi phát triển công nghiệp chế biến chế tạo là then chốt…
Cụ thể, xây dựng Đà Nẵng đến năm 2030 trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin và công nghiệp hỗ trợ của khu vực miền Trung – Tây Nguyên và cả nước. Trong đó, GRDP tăng trưởng bình quân đạt 9,5 – 10%/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 8.000 – 8.500 USD; đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng kinh tế khoảng 50 – 55%; tốc độ tăng trong giá trị tăng thêm (VA) ngành công nghiệp thời kỳ 2021 – 2030 đạt 12%, trong đó, thời kỳ 2021 – 2025 đạt trên 9,5%/năm, giai đoạn 2026 – 2030 đạt 14,5%/năm.
Tỷ trọng công nghiệp duy trì ở mức 21% giai đoạn 2021 – 2030. Cơ cấu công nghiệp chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao. Trong đó, giá trị tăng thêm của công nghiệp hỗ trợ chiếm khoảng 40% trong VA ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Hàm lượng kinh tế số chiếm 35 – 40% GRDP. Hoàn thành cơ bản chuyển đổi số, hình thành thành phố thông minh, thuộc nhóm 3 địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số cải cách hành chính (PAPI), chỉ số cải cách hành chính, chuyển đổi số, an toàn thông tin và thương mại điện tử.
Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng này, Đà Nẵng sẽ chuyển dịch nhanh công nghiệp từ gia công, lắp ráp sang nghiên cứu, thiết kế và sản xuất, phát triển ngành dịch vụ có hàm lượng trí thức và công nghệ cao, chú trọng dịch vụ hóa các ngành công nghiệp. Coi phát triển công nghiệp chế biến chế tạo là then chốt, chuyển đổi số là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Ưu tiên nguồn lực để phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp hỗ trợ, các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao; tăng cường liên kết ngành và liên kết vùng.
… và chuyển đổi số là phương thức mới có tính đột phá
Mục tiêu tăng trưởng cao có khả thi?
Theo mục tiêu tăng trưởng, TP. Đà Nẵng phải đạt tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đến năm 2030 đạt 9,5 – 10%/năm.
Nhìn lại kinh tế thành phố Đà Nẵng trong năm 2021 – 2022 và những tháng đầu năm 2023 cho thấy mục tiêu này khá khó khăn.
Do ảnh hưởng của dịch Covid – 19, tăng trưởng kinh tế TP. Đà Nẵng năm 2021 chỉ đạt 0,18%. Năm 2022, khôi phục sau dịch, Đà Nẵng đạt được kết quả tăng trưởng ấn tượng, GRDP tăng 14,05%, đứng thứ 3 cả nước. Tuy nhiên, bước sang năm 2023, ảnh hưởng của hậu dịch bệnh, kinh tế thành phố chững lại thấy rõ, thể hiện qua GRDP 6 tháng đầu năm 2023 chỉ tăng 3,74%, cách khá xa mục tiêu tăng trưởng 6,5 – 7% năm 2023.
Kinh tế TP. Đà Nẵng tháng 7/2023 có khởi sắc so với tháng 6/2023 tuy nhiên mức độ khởi sắc không đáng kể. Điều này càng cho thấy mục tiêu đạt tăng trưởng 6,5 – 7% năm của năm 2023 là rất khó đạt được, chưa nói đến đạt 9,5 – 10% như mục tiêu trung bình đến năm 2030.
Nói riêng về lĩnh vực công nghiệp, Đà Nẵng đặt mục tiêu tỷ trọng công nghiệp – xây dựng đến năm 2025 sẽ chiếm 24 – 26% trong cơ cấu kinh tế, con số này đến năm 2023 là 29 – 30%. Nhưng trên thực tế, trong những năm gần đây, tỷ trọng công nghiệp – xây dựng trong cơ cấu kinh tế Đà Nẵng đang giảm rõ rệt . Năm 2018, tỷ trọng công nghiệp – xây dựng chiếm 23,1% trong cơ cấu kinh tế, đến năm 2022, con số này đã giảm xuống còn 20,4% (trong khi năm 2022 kinh tế Đà Nẵng tăng trưởng tới 14,05%), và 6 tháng đầu năm 2023, tỷ trọng công nghiệp – xây dựng chỉ còn chiếm 18,73%.
Trong đó, mục tiêu Đà Nẵng giai đoạn 2021 – 2030, tỷ trọng công nghiệp chiếm 19 – 21% nhưng thực tế năm 2021, tỷ trọng công nghiệp mới chiếm 14,95% trong tổng cơ cấu kinh tế thành phố và có chuyển biến không đáng kể trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023.
Theo kế hoạch 155, tốc độ tăng trong giá trị tăng thêm (VA) ngành công nghiệp Đà Nẵng giai đoạn 2021 – 2025 đạt trung bình trên 9,5%/năm. Hiện tại, đã hết nửa giai đoạn 2021 – 2025, VA tăng rất khiêm tốn. VA công nghiệp Đà Nẵng năm 2021 giảm 1,7% so với năm 2020, chỉ số sản xuất công nghiệp tương ứng giảm 2,3%; VA năm 2022 tăng 8,9% so với năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,69%. Và đến 6 tháng đầu năm 2022, VA công nghiệp Đà Nẵng chỉ tăng 1,47% và chỉ số sản xuất công nghiệp lại giảm 1,9% so với cùng kỳ 2022.
Tất cả các chỉ số phát triển kinh tế trong năm 2021 – 2022 và 6 tháng đầu năm 2023 đều thấp hơn so với mục tiêu (ngoại trừ GRDP năm 2022 tăng 14,05%).
Như vậy, để đạt tăng trưởng như kế hoạch 155 đặt ra, áp lực tăng trưởng những tháng còn lại của năm 2023 và các năm 2024 – 2030 là rất lớn.
Đặt ra mục tiêu đầy “tham vọng”, nhưng để đạt đến mục tiêu này sẽ là rất khó khăn, nếu không nói là khó khả thi khi kinh tế Đà Nẵng hiện nay tăng trưởng chưa ổn định và còn thấp hơn nhiều so với mục tiêu 9,5 – 10%/năm
Điều này còn khó khăn hơn bởi theo đánh giá của các chuyên gia, các hiệp hội ngành hàng và thực tiễn hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp thì tình hình sản xuất của Đà Nẵng sẽ còn rất nhiều khó khăn trong những tháng cuối năm 2023 và kéo sang năm 2024 khi tình hình kinh tế thế giới biến động, lạm phát ở nhiều quốc gia tăng, sức mua giảm.
Bên cạnh đó, Đà Nẵng còn đối mặt với những khó khăn nội tại như quỹ đất cho sản xuất công nghiệp không còn nhiều, rời rạc; các khu cụm công nghiệp mới triển khai còn chậm do vướng mắc pháp lý….
Từ những thực tế này, hoàn toàn có căn cứ để nhận định những mục tiêu tăng trưởng của kinh tế Đà Nẵng đến năm 2030 là rất khó khăn, nếu không nói là khó khả thi.