[PCI 2022] Động lực để các địa phương phát huy nội lực
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022. Theo ông Phạm Tấn Công – Chủ tịch VCCI, PCI 2022 được tiến hành trong bối cảnh cộng đồng doanh nghiệp đối diện với nhiều khó khăn, thách thức và cả những cơ hội đan xen. Kết quả PCI sẽ là động lực để chính quyền các tỉnh nhìn nhận được hạn chế và thế mạnh, qua đó tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua các thách thức, phục hồi và phát triển ổn định.

Quảng Ninh tiếp tục dẫn đầu, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh tụt hạng

Ông Phạm Tấn Công cho biết, với mục tiêu truyền tải tiếng nói và nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp tại 63 tỉnh, thành phố, khảo sát PCI 2022 đã nhận được phản hồi của tổng cộng gần 12.000 doanh nghiệp.

Doanh nghiệp phấn khởi vì tình trạng trả chi phí không chính thức giảm

Điểm tích cực ghi nhận được từ kết quả PCI 2022 đó là, chất lượng điều hành cấp tỉnh tiếp tục có sự cải thiện theo thời gian. Điểm trung vị PCI 2022 đạt 65,22 điểm, tiếp tục tăng năm thứ 6 liên tiếp. Tình trạng trả chi phí không chính thức vẫn duy trì xu hướng giảm đã bắt đầu từ năm 2016.

Đáng chú ý, Quảng Ninh vẫn tiếp tục giữ vị trí quán quân PCI năm thứ 6 liên tiếp với 72,95 điểm trên thang điểm 100. Từ năm 2017 đến năm 2022, Quảng Ninh xuất sắc giành vị trí dẫn đầu về chất lượng điều hành kinh tế, với nhiều sáng kiến thu hút đầu tư và cải cách hành chính.

Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã vận hành thành công Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư (IPA Quảng Ninh) với nhiệm vụ kêu gọi, hỗ trợ, tư vấn, tạo điều kiện thuận lợi nhất và giải quyết nhanh nhất các thủ tục đầu tư cho doanh nghiệp. Trong việc giải quyết thủ tục hành chính, tỉnh cũng là điển hình tốt trong việc xây dựng và vận hành hiệu quả các trung tâm phục vụ hành chính công từ cấp tỉnh đến cấp huyện và bộ phận tiếp nhận, trả kết quả hiện đại ở cấp xã. Quy trình giải quyết thủ tục hành chính của Quảng Ninh được thực hiện theo nguyên tắc

“5 tại chỗ”, tức là các bước tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, đóng dấu và trả kết quả được thực hiện xong ngay tại Trung tâm hành chính công.

Tỉnh Quảng Ninh đang tiến tới thực hiện giải quyết thủ tục hành chính theo “5 bước trên môi trường điện tử”, cụ thể là thực hiện các khâu tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, ký số, trả kết quả đều sẽ được thực hiện trực tuyến toàn bộ.

Xếp ngay sau Quảng Ninh ở vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng PCI 2022 là tỉnh Bắc Giang với điểm số ấn tượng 72,80. Kết quả này thể hiện bước tiến mạnh mẽ của Bắc Giang khi tỉnh cải thiện 29 bậc và 8,06 điểm so với PCI 2021. Cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh đánh giá rất tích cực chủ trương nhất quán “đồng hành cùng doanh nghiệp” của chính quyền tỉnh.

Vị trí thứ ba trong bảng xếp hạng PCI 2022 thuộc về TP. Hải Phòng với điểm số 70,76. Doanh nghiệp tại thành phố đánh giá cao những hoạt động xúc tiến thương mại – đầu tư, kết nối doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác quốc tế trong năm qua.

Ông Đậu Anh Tuấn – Phó Tổng thư ký VCCI lưu ý, 2 trung tâm kinh tế lớn năm nay đều giảm điểm, khi Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh không có trong Top 10, trong đó Hà Nội đứng thứ 20, TP. Hồ Chí Minh đứng thứ 27 trong danh sách 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất trong PCI 2022. Trong PCI 2021, Hà Nội đứng thứ 10 và TP. Hồ Chí Minh ở vị trí 14/63. Vì vậy, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cần có những cải cách rõ nét để cải thiện thứ hạng PCI trong năm tới.

Chất lượng giải quyết thủ tục hành chính tiếp tục được cải thiện

Theo ông Phạm Tấn Công, điều đáng ghi nhận ở kết quả PCI 2022 là chất lượng giải quyết thủ tục hành chính nói chung có chuyển biến tích cực, khi giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí tuân thủ quy định pháp luật. Gánh nặng thanh tra, kiểm tra đã giảm đáng kể trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay.

Đề cao vai trò của chính quyền các tỉnh, thành phố

Từ cuối năm 2022 đến nay, nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn, VCCI hy vọng, chính quyền các tỉnh, thành phố tiếp tục đẩy mạnh triển khai nhiều chính sách hỗ trợ hơn nữa để doanh nghiệp phục hồi, phát triển. Ông Phạm Tấn Công – Chủ tịch VCCI

Làm rõ hơn ở nội dung này, ông Đậu Anh Tuấn cho hay, cải cách thủ tục hành chính là 1 trong 6 nội dung trọng tâm của Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 – 2030, bên cạnh các nội dung khác gồm: cải cách thể chế, cải cách tổ chức bộ máy hành chính, cải cách chế độ công vụ, cải cách tài chính công, và phát triển Chính phủ điện tử.

Đối với cải cách thủ tục hành chính, Chính phủ dành nhiều sự quan tâm đến việc “rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh và các quy định thủ tục hành chính”, “tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ số để chuẩn hóa, đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ”, và “đẩy mạnh phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính”.

Tại các tỉnh, thành phố, 56/63 địa phương đã tổ chức mô hình trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh và tất cả các địa phương đều đang vận hành cổng dịch vụ công, cũng như hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh.

Đáng nói, nếu như kết quả khảo sát PCI năm 2021 cho thấy, tại các tỉnh trung vị, 26% doanh nghiệp phải dành hơn 10% quỹ thời gian để tìm hiểu và thực hiện quy định pháp luật (tăng nhẹ so với giá trị tương ứng 22% của năm 2020) thì đến năm 2022, tỷ lệ này đã giảm về mức 20% – giá trị tốt nhất kể từ năm 2014…

Tuy nhiên cũng theo ông Đậu Anh Tuấn, khảo sát PCI 2022 cho thấy, bên cạnh những ghi nhận chuyển biến tích cực trong thực hiện, giải quyết thủ tục hành chính nói chung, vẫn còn đó sự cải thiện không đồng đều giữa các lĩnh vực…

Lần đầu tiên công bố Chỉ số Xanh cấp tỉnh

Ông Phạm Tấn Công – Chủ tịch VCCI cho biết, một thay đổi lớn của báo cáo PCI 2022 là lần đầu tiên VCCI, USAID cùng các đối tác tư nhân giới thiệu và công bố Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI).

Đây là bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng địa phương thân thiện với môi trường dưới góc nhìn từ thực tiễn kinh doanh, như mức độ ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường của các doanh nghiệp tại địa phương, trình độ quản trị và ứng xử với môi trường của doanh nghiệp, mức độ quan tâm, sẵn sàng đầu tư về vấn đề môi trường của chính quyền địa phương và nhiều vấn đề môi trường quan trọng khác. Kết quả năm đầu tiên cho thấy, 3 tỉnh đứng đầu Chỉ số PGI là Trà Vinh, Lạng Sơn và Bắc Ninh.

“Bằng việc xây dựng và công bố Chỉ số Xanh, chúng tôi mong muốn cổ vũ các tỉnh, thành phố tại Việt Nam quan tâm hơn tới phát triển kinh tế gắn với việc bảo vệ môi trường, cung cấp thông tin kịp thời hỗ trợ chính quyền tỉnh, thành phố trong hoạch định chính sách liên quan đến đầu tư và môi trường, thúc đẩy xây dựng hệ sinh thái kinh doanh thân thiện với môi trường, định hướng các nhà đầu tư có ý thức bảo vệ môi trường, thúc đẩy nhiều dự án xanh hơn, thân thiện với môi trường hơn” – ông Phạm Tấn Công nhấn mạnh.

Theo VCCI, PGI còn được đưa ra nhằm khuyến khích chính quyền các tỉnh, thành phố hướng đến nỗ lực phát triển khu vực tư nhân theo tinh thần Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia và Chiến lược quốc gia ứng với phó với biến đổi khí hậu.

Đề cập đến PGI, bà Aler Grubbs – Giám đốc Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam cho rằng, đây là công cụ quan trọng để đánh giá hiệu quả của các cơ quan công quyền về vấn đề bảo vệ môi trường.

“Nhất là hiện nay, vấn đề môi trường đang hướng sang nền kinh tế xanh, và Việt Nam là quốc gia đầu tiên có chỉ số này cho cấp tỉnh. Việc tiếp cận nguồn lực tăng trưởng xanh đem lại nhiều tác động lớn cho các doanh nghiệp và nền kinh tế, đây cũng là động lực thúc đẩy Việt Nam phát triển bền vững và đạt được các mục tiêu đã cam kết” – Giám đốc Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam khẳng định.

Theo Thời báo Tài chính