Cứ sau sự cố lại sửa quy định, tạo thêm vô số ‘vòng kim cô’ cho doanh nghiệp
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu thực tế cứ mỗi lần sự cố xảy ra, nhất là khi dư luận lên tiếng mạnh mẽ, ‘trong đầu chúng ta lại nghĩ ra chế tài mạnh hơn, cao hơn’, tạo ra ‘vô số vòng kim cô cho doanh nghiệp’.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa – Ảnh: GIA HÂN
Cái gốc là con người
Sáng 1-6, giơ biển tranh luận chủ đề quy định phòng cháy chữa cháy, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nói có rất nhiều sai phạm xảy ra không phải do pháp luật, mà do yếu tố chủ quan từ con người.
Tuy nhiên, có tình trạng là khi xảy ra sự cố, khi dư luận xã hội lên tiếng mạnh mẽ, thường có luồng ý kiến, quan điểm rằng nguyên nhân đến từ cơ chế, pháp luật chưa chặt chẽ, từ đó tiếp tục đưa ra thêm những quy định pháp luật, chế tài mạnh hơn, cao hơn.
“Liệu có phải do luật không có, không đủ? Ví như cấm uống rượu rồi lái xe, luật có rồi nhưng hiện trạng này có giảm nhưng không hết.
Cái gốc ở đây là con người, rút ra bài học mới khắc phục được, nếu không sẽ có vô số vòng kim cô cho doanh nghiệp, xã hội nhưng không khắc phục được yếu kém”, ông Nghĩa nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Như Ý (Đồng Nai) cũng cho hay những quy định mới về phòng cháy, chữa cháy làm phát sinh thêm kinh phí, vật liệu, khiến nhiều doanh nghiệp có thể phải đóng cửa.
Do đó, bà đề nghị quy định mới về phòng cháy, chữa cháy cần tính toán để không phát sinh chi phí cho doanh nghiệp.
Đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) – Ảnh: GIA HÂN
3 điều bất thường về tình hình doanh nghiệp
Đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) dẫn lại báo cáo của Chính phủ 4 tháng đầu năm, cho thấy có 78.900 doanh nghiệp gia nhập thị trường, đồng thời có tới 77.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Từ đó bà Hiền nhận định 3 yếu tố bất thường về tình hình hoạt động doanh nghiệp: Thứ nhất là số doanh nghiệp gia nhập thị trường và số rút lui khỏi thị trường tương đương nhau. Trong khi theo dõi số liệu thống kê từ năm 2020, khi Quốc hội sửa Luật Doanh nghiệp, đến nay hằng năm số doanh nghiệp gia nhập thị trường luôn cao hơn rất nhiều so với số rời khỏi thị trường.
Thứ hai, bình quân mỗi tháng có 19.200 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là mức tăng đột biến so với mức bình quân 11.900 năm 2022, 10.000 năm 2021, 8.500 năm 2020, 6.000 năm 1999.
Thứ ba, theo bà Hiền, vấn đề này xảy ra ngay từ những tháng đầu năm là thời điểm thông thường doanh nghiệp tập trung đẩy mạnh đầu tư, sản xuất kinh doanh, và tăng 25,1% so với cùng kỳ năm trước. Xu hướng này cũng có thể diễn biến phức tạp hơn.
Đại biểu Hà Nam chỉ rõ dù từ cuối năm 2022, Chính phủ nỗ lực chỉ đạo thực hiện nhiều chính sách, giải pháp để gỡ khó, tăng cường khả năng chống chịu cho doanh nghiệp, nhưng mức độ tác động và hiệu quả dường như chưa được như kỳ vọng.
Rất nhiều doanh nghiệp vẫn đang vùng vẫy trong tứ bề khó khăn bởi thiếu đơn hàng, thiếu thị trường, thiếu vốn, lãi suất cao, chuỗi cung ứng chưa phục hồi thông suốt.
“Vẫn biết rằng việc thành lập hay giải thể doanh nghiệp là chuyện bình thường trong vận hành kinh tế thị trường. Tuy nhiên, sự gia tăng đột biến, đến mức bất thường số doanh nghiệp rời khỏi thị trường cần được Chính phủ chỉ đạo đánh giá, phân tích thấu đáo hơn để nhận diện rõ ràng, chính xác thực trạng.
Trong đó chú trọng đánh giá những nguyên nhân chủ quan liên quan đến trách nhiệm tổ chức thực hiện các chính sách, giải pháp về phục hồi và phát triển kinh tế”, bà Hiền nêu.