Chuyên gia nói gì về động lực lớn nhất để thúc đẩy tăng trưởng Việt Nam nửa cuối năm?
Theo TS Nguyễn Quốc Việt – Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VERP), Trường ĐH Kinh tế, ĐHQG Hà Nội, trong khoảng thời gian từ năm ngoái đến hiện tại, Chính phủ Việt Nam đã tương đối quyết liệt trong việc đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, các chính sách được điều hành tương đối thận trọng. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2023 là vô cùng khó khăn.
Số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,72%. Tính riêng quý II/2023, tăng trưởng GDP ước đạt 4,14%. Ông đánh giá ra sao về kết quả tăng trưởng này của Việt Nam?
Trên quan điểm của tôi, trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế toàn cầu hiện nay, mức tăng trưởng của Việt Nam trong quý II/2023 nói riêng cũng như trong nửa đầu năm 2023 là tương đối phù hợp. Nếu so với quý trước, kết quả tăng trưởng của quý II/2023 phần nào đã được cải thiện hơn. Điều này chứng tỏ, điều hành kinh tế vĩ mô của Việt Nam về cơ bản tương đối nhịp nhàng, linh hoạt.
Mặc dù Việt Nam không tránh được những tác động từ tình hình chung toàn cầu kể từ cuối năm 2022 đến nay, nhưng nhờ các giải pháp, các chính sách can thiệp kịp thời của chính phủ, niềm tin của thị trường đã được ổn định trở lại, tránh việc đổ vỡ hoặc có những cú sốc có thể ảnh hưởng đến tình hình tăng trưởng.
Theo ông, trong suốt nửa đầu năm 2023, Việt Nam đã làm tốt những khía cạnh nào để đảm nền kinh tế tiếp tục phát triển bất chấp những khó khăn chung của thế giới?
Đầu tiên, lĩnh vực du lịch đã thể hiện mức tăng ấn tượng nhất trong số các động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Tháng 6/2023, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 975 nghìn lượt người, tăng 6,4% so tháng trước và gấp 4,1 lần cùng kỳ năm trước. Tính chung sáu tháng đầu năm 2023, khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt gần 5,6 triệu lượt người, gấp 9,3 lần cùng kỳ năm trước.
Thứ hai là thu hút đầu tư nước ngoài. Tính đến ngày 20/6/2023, cả nước có 1.293 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với số vốn đạt 6,49 tỷ USD, tăng 71,9% về số dự án và 31,3% về số vốn so cùng kỳ năm 2022. Dự án đầu tư nước ngoài đăng ký mới tăng cao so cùng kỳ năm trước cho thấy nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào môi trường đầu tư Việt Nam.
Một yếu tố khác cũng được xem là điểm sáng của kinh tế Việt Nam trong thời gian vừa qua là xuất nhập khẩu. Trong tháng 6, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 56,01 tỷ USD, tăng 3,6% so với tháng trước và giảm 14,1% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 6/2023 ước đạt 26,71 tỷ USD, tăng 2,6% so với tháng trước. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 6/2023 ước đạt 29,3 tỷ USD, tăng 4,5% so với tháng trước. Như vậy, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tiếp tục có xu hướng tăng trưởng tháng sau tăng so với tháng trước (sau khi giảm vào tháng 4/2023) nhờ tác động của hoạt động xúc tiến thương mại.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 316,65 tỷ USD, giảm 15,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 12,1%; nhập khẩu giảm 18,2%. Cán cân thương mại hàng hóa 6 tháng đầu năm 2023 ước tính xuất siêu 12,25 tỷ USD.
Theo đánh giá của tôi, mặc dù xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng chậm nhưng cũng đã có dấu hiệu cải thiện hơn so với các tháng trước. Tôi kỳ vọng, sang quý III hoặc quý IV, xuất nhập khẩu Việt Nam sẽ có sự bứt phá và tăng trưởng mạnh mẽ hơn, từ đó trở thành động lực đóng góp cho tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2023.
TS Nguyễn Quốc Việt – Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VERP), Trường ĐH Kinh tế, ĐHQG Hà Nội
Vậy yếu tố nào thời gian qua được xem là thách thức đối với kinh tế Việt Nam?
Trong bối cảnh Việt Nam phải đối mặt với các cơn gió ngược như suy giảm kinh tế toàn cầu, đặc biệt là từ các bạn hàng lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc, tâm lý thắt lưng buộc bụng của cả phía doanh nghiệp lẫn của các hộ gia đình có xu hướng tăng cao. Do đó, khả năng kích cầu trong nước sẽ là một bài toán khó, không chỉ trong giai đoạn vừa qua mà còn trong những tháng còn lại của năm 2023, cũng như sang năm 2024.
Yếu tố thứ hai chúng ta cần lưu ý đó là số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, từ đầu năm đến nay, khoảng 100.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, trung bình mỗi tháng có 16.600 doanh nghiệp dừng hoạt động. Tuy nhiên, trong số đó, tỷ lệ các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất công nghiệp khá cao, chiếm 15-16%. Ở chiều ngược lại, số doanh nghiệp thành lập mới đa phần hoạt động trong khối dịch vụ.
Chúng ta cần phải hiểu rằng, doanh nghiệp sản xuất hoặc xây dựng thường là những doanh nghiệp có quy mô lớn, có tần suất sử dụng lao động cao và mang tính chất chính thức. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng lao động và tỷ suất đầu tư trong lĩnh vực dịch vụ lại thấp hơn. Vậy nên, khi số lượng doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt trong khối công nghiệp và xây dựng rút lui nhiều đồng nghĩa rằng một khối lượng lớn việc làm cũng sẽ bị mất đi.
Ngoài những yếu tố kể trên, thu ngân sách cũng được xem là một khó khăn khác mà Việt Nam phải đối mặt trong thời gian vừa qua. Cụ thể, báo cáo về tình hình kinh tế – xã hội cả nước quý 2 và 6 tháng đầu năm 2023 do Tổng cục Thống kê mới công bố cho thấy thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2023 giảm 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, chi ngân sách nhà nước tăng 12,9%.
Điều này là dễ hiểu trong bối cảnh kinh tế khó khăn, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp giảm sút, người lao động mất việc làm, đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động thu thuế, dẫn đến thu ngân sách suy giảm, ảnh hưởng đến các chính sách vĩ mô và cân đối vĩ mô của Nhà nước trong sáu tháng vừa qua. Và đây vẫn sẽ là một áp lực cho chính sách tài khóa của của Việt Nam từ nay đến cuối năm.
Đâu sẽ là động lực tăng trưởng của Việt Nam trong nửa cuối năm 2023?
Ông có nghĩ những con số này đã phản ánh được vai trò của Chính phủ, của các cấp lãnh đạo trong việc nỗ lực điều hành nền kinh tế vượt khó hay chưa?
Theo đánh giá của VEPR, trong khoảng thời gian từ năm ngoái đến hiện tại, Chính phủ Việt Nam đã tương đối quyết liệt trong việc đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, các chính sách được điều hành tương đối thận trọng. Những nỗ lực này đã giúp cho Việt Nam tránh được những cú sốc có thể ảnh hưởng đến các cán cân vĩ mô lớn.
Chẳng hạn, chúng ta đã duy trì được tỷ lệ lạm phát trong mục tiêu của năm 2022 và cho đến bây giờ, tỷ lệ lạm phát của Việt Nam vẫn chỉ trong khoảng 2%. Theo đánh giá của tôi, nếu mức tỷ lệ lạm phát này vẫn được duy trì ổn định thì chắc chắn lạm phát của Việt Nam trong năm 2023 sẽ không vượt ngưỡng mục tiêu 4,5% mà Chính phủ đã đặt ra.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã rất linh hoạt trong việc điều hành chính sách tiền tệ, bám sát những diễn biến trên thị trường ở trong những thời điểm khó khăn nhất. Ví dụ như việc Ngân hàng Nhà nước bốn lần điều chỉnh lãi suất cơ bản nhằm giúp tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn.
Với những gì đã đạt được, ông đánh giá ra sao về triển vọng kinh tế Việt Nam trong những tháng cuối năm. Liệu Việt Nam có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 6,5% hay không?
Trong báo cáo về nhận định tình hình kinh tế vĩ mô mới được VEPR công bố gần đây, cũng như dựa trên những dự báo của các tổ chức quốc tế, chúng tôi thấy rằng, để đạt được mức mục tiêu 6,5 % thì gần như rất khó khăn, đặc biệt trong điều kiện hiện tại. Những dự báo của các tổ chức quốc tế gần đây cũng đã bắt đầu hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam so với đầu năm, chỉ dao động trong khoảng 5,5% – 6%.
Ông nghĩ đâu sẽ là động lực của kinh tế Việt Nam trong khoảng thời gian còn lại của năm 2023?
Theo tôi, động lực lớn nhất, quan trọng nhất để thúc đẩy tăng trưởng, đặc biệt là tăng trưởng bền vững cho Việt Nam nằm ở việc phát triển doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong một hội thảo gần đây của Viện quản lý kinh tế Trung ương, các vấn đề, khó khăn liên quan đến những vướng mắc về các loại thủ tục, giấy phép con đang có nguy cơ quay trở lại. Tình trạng này có thể bào mòn ý chí và quyết tâm đầu tư của doanh nghiệp, không chỉ doanh nghiệp trong nước mà còn cả doanh nghiệp khu vực đầu tư nước ngoài.
Cho nên, tôi cho rằng, trước mắt, chúng ta cần khôi phục lại niềm tin của doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lẫn là doanh nghiệp trong nước. Cụ thể, chúng ta cần tiếp tục đầu tư và cải thiện năng suất, chất lượng và hiệu quả để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, từ đó chúng ta mới tạo ra sự bứt phá về tăng trưởng trong ngắn hạn cũng như trong dài hạn.
Đâu là thách thức lớn nhất với nền kinh tế trong phần còn lại của năm 2023?
Hiện tại thách thức lớn nhất vẫn là những bất ổn toàn cầu, những khó khăn chung của nền kinh tế thế giới. Bởi lẽ, kinh tế đối ngoại, cụ thể là xuất nhập khẩu, chiếm vai trò rất lớn trong động lực tăng trưởng của Việt Nam.
Mặc dù chúng ta đều thấy các kết quả về nhập khẩu và xuất khẩu gần đây có cải thiện đôi chút, nhưng sự cải thiện này vẫn chưa đủ để đem lại đột phá trong lĩnh vực này. Hơn nữa, chỉ số quản trị mua hàng của nhà sản xuất chúng ta vẫn rất thấp so với kỳ vọng.
Điều này cho thấy, trong thời gian tới, lĩnh vực sản xuất công nghiệp nói chung và sản xuất xuất khẩu của Việt Nam nói riêng cũng chưa thể nào khởi sắc ngay được. Có lẽ phải sang đến năm 2024, chúng ta mới có thể thấy được những chuyển biến tích cực hơn trong lĩnh vực này.
Khó khăn thứ hai mà tôi muốn đề cập là vấn đề đầu tư công. Tính đến tháng 6/2023, tỷ lệ ước giải ngân 6 tháng kế hoạch năm 2023 đạt 28,63% kế hoạch. Nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao thì tỷ lệ giải ngân đạt 30,49%. Có thể thấy, chúng ta mới chỉ đạt được 1/3 kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công và dư địa cho cái việc thực hiện còn rất lớn.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, chúng ta cũng không nên kỳ vọng quá lớn. Bởi vì, từ việc giải ngân cho đến việc triển khai trên thực tế của các dự án đầu tư công cũng không dễ, đặc biệt trong bối cảnh chúng ta đang sửa đổi các quy định pháp luật liên quan đến đầu tư công.
Chưa kể, chúng ta không nên vì mục tiêu tăng trưởng mà đẩy mạnh việc đầu tư công thiếu thận trọng. Bởi lẽ, đây là con dao hai lưỡi. Nếu chúng ta không cẩn thận và để cho những yếu tố trục lợi nảy sinh thì không những không tạo ra cái kết quả tăng trưởng thực sự đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội, mà có khi lại tạo ra nguy cơ tiềm ẩn của việc trục lợi. Từ đó, không mang lại cái lợi ích thiết thực cho sự phát triển kinh tế xã hội hoặc là phục vụ cho sinh kế của người dân nói chung.
Vậy ông có những đề xuất gì để Việt Nam có thể vượt qua khó khăn trong thời gian tới?
Thứ nhất, chúng ta cần khôi phục một nghị quyết riêng về cải cách thể chế, môi trường đầu tư – kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đặc biệt trong công tác rà soát các mục tiêu thúc đẩy môi trường kinh doanh, chúng ta cần rà soát việc ban hành các điều kiện kinh doanh gây khó khăn, phiền hà, tăng chi phí tuân thủ chính sách và pháp luật của doanh nghiệp, bao gồm cả việc rà soát công tác thanh, kiểm tra chồng chéo, nhiều tầng nấc, làm mất thời gian và tăng chi phí của doanh nghiệp, hộ kinh doanh.
Việc giảm thiểu và tránh gánh nặng thanh tra, kiểm tra quá mức cũng sẽ hạn chế sự nhũng nhiễu, tham nhũng vặt, từ đó bớt các chi phí đầu vào trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Thứ hai , chúng ta cũng cần có cơ chế, chính sách để dứt khoát phá bỏ quan điểm sợ sai, không dám quyết (theo đúng chức trách, nhiệm vụ đã được pháp luật giao) phá bỏ các sự cố thủ của các rào cản kinh doanh, chưa thực sự tạo thuận lợi thương mại và đầu tư theo chuẩn mực quốc tế: Quyền tự do kinh doanh, quyền công bằng trong việc tiếp cận các nguồn lực của thị trường (đất đai, năng lượng, các lĩnh vực dịch vụ).
Thứ ba, cần đánh giá tổng thể lại nhu cầu và chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp theo từng lĩnh vực, ngành hàng, đối tượng. Đặc biệt là các chính sách hỗ trợ các ngành công nghiệp trọng điểm, chính sách hỗ trợ sản xuất xuất khẩu, chính sách hỗ trợ công nghiệp phụ trợ, chính sách hỗ trợ chuyển dịch kinh tế xanh, năng lượng tái tạo, và đặc biệt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh (theo hướng minh bạch, trách nhiệm giải trình, đáp ứng chuẩn mực thông lệ quốc tế, tránh trục lợi từ cả phía cơ quan thực thi và đối tượng thụ hưởng).
Cuối cùng, bên cạnh các cơ chế thực thi – giảm sát chính sách bởi các cơ quan bộ ngành, chúng ta cũng cần sự tham gia giám sát, phản biện, tư vấn của các đơn vị tư vấn chính sách độc lập, các chuyên gia cao cấp, các hiệp hội và cả dư luận báo chí, truyền thông để đưa ra những nhận định, đánh giá, tìm ra những cái giải pháp phù hợp trong thời gian tới nhằm phục hồi kinh tế và tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.