[Bình Định] Mời gọi nhà đầu tư Nhật Bản ‘rót tiền’ vào 24 dự án
Bình Định giới thiệu 24 dự án trên các lĩnh vực công nghiệp, du lịch, thương mại – dịch vụ, nông – lâm – thủy sản công nghệ cao… để các doanh nghiệp Nhật Bản tìm hiểu và đầu tư.
Dư địa hợp tác lớn
Tại sự kiện “Gặp gỡ Bình Định – Nhật Bản 2023” và Hội nghị xúc tiến đầu tư các doanh nghiệp Nhật Bản, tỉnh Bình Định mời gọi các nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư vào 24 dự án.
Cụ thể gồm: 4 dự án thuộc nhóm an sinh xã hội và môi trường; 11 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp, 4 dự án thuộc lĩnh vực du lịch, 3 lĩnh vực thương mại, dịch vụ, logistics và 2 dự án lĩnh vực nông, lâm, nghiệp – thủy sản công nghệ cao.
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc, Nhật Bản là đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam. Tính đến hết tháng 3/2023, tổng số vốn Nhật Bản đầu tư trực tiếp vào Việt Nam đạt hơn 69 tỷ USD, với hơn 5.000 dự án.
Nhiều biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển trên các lĩnh vực giữa các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp Nhật Bản và các địa phương, doanh nghiệp Bình Định đã được ký kết. Ảnh: V.L
Cùng với đó, Việt Nam được xem là một trong những điểm đến đầu tư lý tưởng của các doanh nghiệp Nhật Bản. Nhật Bản cũng tiếp tục ưu tiên Việt Nam trong chính sách viện trợ ODA thế hệ mới.
Ông Ngọc thông tin, theo kết quả nghiên cứu của Tổ chức xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (JETRO), có 64% doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam có ý định tiếp tục và mở rộng hoạt động tại Việt Nam, đứng đầu khu vực châu Á và châu Đại Dương.
“Dư địa hợp tác giữa Bình Định và Nhật Bản còn rất lớn, đặc biệt trong lĩnh vực xuất nhập khẩu và chế biến các mặt hàng Bình Định có thế mạnh như tôm, trái cây, cá ngừ đại dương, sản xuất công nghiệp”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao chia sẻ.
Còn theo ông Yakabe Yoshinori, Tổng lãnh sự Nhật Bản tại Đà Nẵng, Việt Nam vẫn đang nhận được nhiều sự chú ý như là một điểm đến đầu tư từ phía doanh nghiệp Nhật Bản.
Tuy nhiên, ông Yakabe Yoshinori nhìn nhận, có một thực tế, đầu tư mới từ Nhật Bản đang trở nên khó khăn hơn ở khu vực Bắc Bộ với trung tâm là TP. Hà Nội vì các vấn đề điện lực ngày càng phát sinh, thiếu hụt nhân lực ngày càng trầm trọng; còn tại khu vực Nam Bộ với trung tâm là TP. HCM thì thiếu hụt lao động và sự tăng giá trong các khu công nghiệp.
Trái ngược với điều đó, khu vực miền Trung của Việt Nam, trong đó có Bình Định hiện giá thuê khu công nghiệp còn tương đối tốt. Bên cạnh đó, dễ dàng đảm bảo được nguồn nhân lực nên dần dần nhận được sự quan tâm của các doanh nghiệp Nhật Bản như là một điểm đến đầu tư mới.
Ông Yakabe Yoshinori còn cho biết, tỉnh Bình Định nằm khá xa TP. HCM và TP. Đà Nẵng (nơi tập trung sự đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản).
Tuy nhiên, hiện, Bình Định có khoảng 20 dự án đầu tư của Nhật Bản – một điều hiếm thấy ở các tỉnh, thành phố khác.
“Tôi biết phần lớn là nhờ đóng góp của Hội hữu nghị Nhật – Việt TP Sakai. Ngoài ra, tôi cho rằng sức hấp dẫn và tiềm năng cao của tỉnh Bình Định cũng là một lý do”, ông Yakabe Yoshinori nêu quan điểm.
Nhật Bản là đối tác FDI quan trọng của Bình Định
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn, Nhật Bản là đối tác quan trọng. Tỉnh Bình Định đã chủ động tổ chức nhiều đoàn công tác xúc tiến đầu tư tại thị trường Nhật Bản, tạo ấn tượng tốt đối với nhà đầu tư, doanh nghiệp Nhật Bản.
Tỉnh Bình Định cũng đã thiết lập và tăng cường mối quan hệ hợp tác với Hội Hữu nghị Nhật – Việt tại TP. Sakai, TP. Izumizano cùng nhiều địa phương khác của Nhật Bản, nhất là tỉnh Osaka.
Bình Định cam kết hỗ trợ tối đa để các nhà đầu tư, doanh nghiệp, các đối tác nước ngoài nói chung và Nhật Bản nói riêng tìm kiếm được cơ hội đầu tư. Ảnh: T.T
Hiện, tỉnh Bình Định đã thu hút được 19 dự án (10 dự án công nghiệp, 7 dự án dịch vụ và 2 dự án nông nghiệp) của các nhà đầu tư, doanh nghiệp Nhật Bản (chiếm 22% tổng số dự án FDI của tỉnh), với tổng vốn đăng ký đầu tư 94,17 triệu USD.
Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản của tỉnh Bình Định đạt hơn 176,7 triệu USD, chiếm tỷ trọng 32% so với hàng hóa xuất khẩu sang các quốc gia châu Á khác. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt 126,4 triệu USD, chiếm tỷ trọng 46,1%.
Ông Tuấn khẳng định, tỉnh Bình Định xác định năm 2023 và những năm tiếp theo tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng kinh tế – xã hội, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời chủ động xúc tiến, thu hút thêm nhiều nhà đầu tư Nhật Bản đến Bình Định tìm hiểu, hợp tác đầu tư.
Ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định cho biết, các thế hệ lãnh đạo của tỉnh rất coi trọng và đã có những bước đi mạnh mẽ, cụ thể nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa tỉnh với các cấp chính quyền, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, đối tác nước ngoài nói chung và nước Nhật Bản nói riêng.
Bằng sự nỗ lực của hai bên cùng với sự hỗ trợ tích cực của Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, lãnh đạo chính quyền tỉnh Osaka; Hội Hữu nghị Nhật – Việt tại TP. Sakai và các Bộ, ban, ngành, đơn vị liên quan, tỉnh Bình Định đã kết nối và thiết lập được các mối quan hệ hợp tác hữu nghị với một số địa phương, doanh nghiệp, đối tác quan trọng của Nhật Bản.
“Bình Định cam kết hỗ trợ tối đa để các nhà đầu tư, doanh nghiệp, các đối tác nước ngoài nói chung và Nhật Bản nói riêng tìm kiếm được cơ hội đầu tư khác biệt, thành công, bền vững lâu dài tại tỉnh và đem sự thành công lan tỏa, chia sẻ, thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh phát triển song hành. Chúng tôi sẽ chuẩn bị những điều kiện tốt nhất để chào đón các nhà đầu tư Nhật Bản trong thời gian sắp tới”, ông Dũng nhấn mạnh.
Ngày 7/7, tại TP. Quy Nhơn, UBND tỉnh Bình Định tổ chức sự kiện “Gặp gỡ Bình Định – Nhật Bản 2023” và Hội nghị xúc tiến đầu tư các doanh nghiệp Nhật Bản để tiếp tục giới thiệu tiềm năng, lợi thế, các thành tựu kinh tế – xã hội, dự án đầu tư trọng điểm của tỉnh đến với các nhà đầu tư, doanh nghiệp Nhật Bản.
Đây là một trong những hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản trên địa bàn tỉnh Bình Định.