[Bình Ðịnh] Lợi ích kép từ giao khoán bảo vệ rừng

Nhiều năm qua, tỉnh Bình Ðịnh thực hiện tốt chính sách giao khoán quản lý, bảo vệ rừng cho hộ dân, cộng đồng dân cư; từ đó, rừng được người dân chung tay bảo vệ, bà con có thêm sinh kế từ rừng.

Ban quản lý rừng đặc dụng An Toàn hiện đang quản lý hơn 25.100 ha rừng tại Khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn (xã An Toàn, huyện An Lão). Để nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng, theo ông Nguyễn Hùng Nam, Giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng An Toàn, đơn vị giao khoán cho 276 hộ dân ở thôn 1, thôn 2, thôn 3 (xã An Toàn) bảo vệ hơn 7.000 ha rừng, với mức khoán 400 nghìn đồng/ha/năm theo chính sách phát triển lâm nghiệp bền vững gắn bảo vệ rừng nâng cao thu nhập cho người dân. Ngoài ra, hằng năm từ chính sách dịch vụ môi trường rừng do UBND tỉnh điều phối, đơn vị còn hỗ trợ thêm cho cộng đồng, hộ dân ở địa phương để nâng cao chất lượng công tác bảo vệ rừng.

Người dân nhận khoán bảo vệ rừng ở Tây Sơn phối hợp với lực lượng chức năng tuần tra, bảo vệ rừng. Ảnh: NGỌC NHUẬN

Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Tây Sơn được giao quản lý hơn 20.639 ha rừng và đất rừng phòng hộ. Đơn vị cũng đã giao khoán hơn 16.123 ha rừng cho 11 cộng đồng dân cư tại các xã: Tây Xuân, Tây Phú, Vĩnh An, Tây Giang, Bình Tân bảo vệ.

Ông Đinh Mau, Trưởng làng Xà Tang, xã Vĩnh An (huyện Tây Sơn), chia sẻ: Cộng đồng dân cư ở đây có 70 hộ, đều là người Bana, được giao khoán quản lý, bảo vệ hơn 1.682 ha rừng tự nhiên. Tiền bảo vệ rừng tuy không nhiều nhưng là một khoản cố định góp phần đảm bảo đời sống, hơn nữa một số nguồn lợi khác thu hoạch được dưới tán rừng cũng bổ sung nguồn thu cho bà con. Từ khi nhận bảo vệ rừng, tự mình ai cũng chủ động nâng cao ý thức, trách nhiệm cùng gìn giữ rừng coi như đây vừa là việc riêng của gia đình vừa là việc chung của cả làng. Nhờ đó, nhiều năm liền vùng rừng do làng mình nhận khoán bảo vệ không xảy ra tình trạng phá rừng, cháy rừng.

Tại thôn Hội Sơn, xã Cát Sơn (huyện Phù Cát) có 80 hộ tham gia tổ cộng đồng bảo vệ gần 7.000 ha rừng. Ông Phan Thanh Bình, thành viên tổ cộng đồng bảo vệ rừng thôn Hội Sơn, kể: “Tổ phân công các thành viên luân phiên trực tuần tra bảo vệ diện tích rừng được giao khoán với mức thu nhập 300 nghìn đồng/ha/năm. Trước đây, cuộc sống khó khăn, người dân còn lên rừng chặt cây, đốt than để bán, từ khi được Nhà nước giao khoán bảo vệ rừng, bà con có thu nhập nên ý thức hơn giữ gìn những cánh rừng lên xanh”.

Cùng với chính sách khoán bảo vệ rừng, tỉnh còn giao Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Bình Định thực hiện chính sách chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho các tổ chức, chủ rừng để hỗ trợ cho hộ dân, cộng đồng bảo vệ rừng. Bà Nguyễn Thị Thanh Trúc, Phó Giám đốc Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Bình Định, cho biết: “Toàn tỉnh hiện có 13 tổ chức, DN là chủ rừng được chi trả dịch vụ môi trường rừng trên diện tích 99.636,7 ha, chiếm tỷ lệ 29% tổng diện tích rừng của tỉnh. Việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã góp phần tạo sinh kế cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ đó, rừng được quản lý, bảo vệ tốt hơn”.

Theo Chi cục Kiểm lâm (Sở NN&PTNT), đến nay toàn tỉnh giao khoán cho hộ dân, cộng đồng dân cư bảo vệ hơn 120.330 ha rừng và khoán khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng với diện tích hơn 460 ha. Thông qua việc thực hiện các chính sách của Nhà nước về giao khoán bảo vệ rừng, đã góp phần bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có của tỉnh, nâng độ phủ rừng của tỉnh đến năm 2023 đạt 57,3%.

Ông Lê Đức Sáu, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Kiểm lâm, cho biết: Việc giao khoán quản lý, bảo vệ rừng cho hộ dân, cộng đồng địa phương đã mang lại lợi ích kép, người dân có thu nhập từ bảo vệ rừng, khai thác sản vật dưới tán rừng, nâng cao trách nhiệm chung tay cùng giữ rừng. Chi cục sẽ tiếp tục tham mưu Sở NN&PTNT trình UBND tỉnh thực hiện các chính sách về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; trong đó, chú trọng phát triển các mô hình sinh kế, du lịch sinh thái gắn với bảo vệ rừng, năng lực cho lực lượng bảo vệ rừng; trang bị kiến thức, kỹ năng tuần tra rừng cho người dân…

Theo Báo Bình Định