[Bình Định] Doanh nghiệp tiên phong tham gia chuỗi cung ứng xanh

Năm 2024, Bình Ðịnh đánh dấu giai đoạn chuyển đổi quan trọng khi các doanh nghiệp trên địa bàn tiên phong tham gia vào chuỗi cung ứng xanh. Ðây không chỉ là xu hướng tất yếu nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe từ các thị trường quốc tế như EU, Mỹ, Nhật Bản, mà còn là chiến lược quan trọng giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và gia tăng giá trị cho sản phẩm địa phương.

Bước chuyển mình mạnh mẽ

Nhiều DN trong lĩnh vực chế biến gỗ, dệt may, cảng biển, sản xuất thực phẩm đã mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ, ứng dụng thiết bị hiện đại để tối ưu hóa sản xuất, giảm phát thải khí nhà kính và tiết kiệm tài nguyên.

Công ty CP Công nghệ gỗ Đại Thành trang bị máy móc hiện đại trị giá hàng triệu USD để đáp ứng các tiêu chí xanh từ đối tác quốc tế. Ảnh: HẢI YẾN

Là ngành sử dụng nhiều lao động, lĩnh vực may mặc tại Bình Định hiện có 152 DN, tổng công suất 146 triệu sản phẩm/năm, tạo việc làm cho khoảng 35.000 lao động. Tuy nhiên, để đáp ứng tiêu chuẩn sản xuất xanh, ngành này đang đối mặt với nhiều thách thức. Mặc dù vậy, một số DN đã chủ động hiện đại hóa sản xuất. Công ty CP May Bình Định đã đầu tư các máy cắt, máy trải vải tự động và hệ thống hoàn thiện quy trình may, giúp tăng năng suất lao động và giảm năng lượng tiêu thụ.

Ông Lê Dân, Trưởng Chi nhánh Tổng Công ty May Nhà Bè tại Bình Định, cho biết: Nguồn nguyên liệu phải nhập khẩu, trong khi sản xuất xanh đòi hỏi sự chuyển đổi toàn diện, từ nguyên liệu, thiết bị đến lao động. Điều này tạo áp lực lớn, đặc biệt với các DN nhỏ và vừa.

Trong khi đó, Công ty CP Cảng Quy Nhơn đã chuyển đổi các phương tiện từ chạy dầu diesel sang năng lượng điện, giúp giảm chi phí vận hành và phát thải CO2. Theo ông Hồ Liên Nam, Phó Tổng Giám đốc Cảng Quy Nhơn, việc đầu tư thiết bị chạy bằng điện không chỉ tiết kiệm chi phí vận hành mà còn giảm hao mòn, qua đó tiết kiệm chi phí bảo trì và sửa chữa. Khi bốc xếp một mã hàng hóa bằng dầu diesel, chi phí dao động từ 25.000 – 30.000 đồng, trong khi thiết bị điện chỉ tiêu tốn 6.000 – 7.000 đồng.

Ngoài các hạng mục đang trong quá trình chuyển đổi từ sử dụng diesel sang điện, Công ty CP Cảng Quy Nhơn còn đang đầu tư các thiết bị sử dụng năng lượng tái tạo, dự kiến hoàn thành trong năm 2025. Các thiết bị như cần trục đa năng, xe nâng chạy điện đã được đưa vào vận hành, không chỉ giúp giảm phát thải CO2 mà còn tiết kiệm chi phí vận hành.

Tuy nhiên, ông Nam thừa nhận rằng bài toán chuyển đổi sang cảng thông minh và cảng “xanh” còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là về vốn đầu tư. Chỉ riêng hệ thống bàn nâng, băng tải và điện tại cảng đã tiêu tốn 41 tỷ đồng; trong đó, chỉ riêng đầu tư chuyển đổi năng lượng cho 4 – 5 thiết bị nâng hàng (RTG) từ diesel sang điện tiêu tốn khoảng 9 – 10 tỷ đồng.

Động lực thúc đẩy phát triển bền vững

Thời gian qua, ngành chế biến gỗ tại tỉnh tiếp tục khẳng định vị thế trên bản đồ xuất khẩu toàn cầu nhờ đầu tư công nghệ hiện đại. Các DN lớn như Công ty CP Phú Tài, Công ty CP Công nghệ gỗ Đại Thành… không ngừng nâng cấp nhà máy, áp dụng quy trình sản xuất xanh để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Năng lượng sinh học Phú Tài, chia sẻ: Sản phẩm viên nén gỗ hiện rất được ưa chuộng tại EU và Nhật Bản. Tuy nhiên, DN phải hợp tác chặt chẽ với nông dân trồng rừng để đảm bảo nguồn nguyên liệu hợp pháp và dễ dàng truy xuất nguồn gốc.

Xu hướng chuyển đổi xanh không chỉ mở ra cơ hội tăng trưởng vượt bậc cho các DN chế biến gỗ của tỉnh mà còn giúp tăng hiệu quả sản xuất. Đơn cử như Công ty CP Công nghệ gỗ Đại Thành đã trang bị máy móc hiện đại trị giá hàng triệu USD để đáp ứng các tiêu chí xanh từ đối tác quốc tế. Trong đó, chỉ riêng việc cải tiến hệ thống sấy nhiệt hơi, giúp công ty giảm 3/4 lượng điện năng tiêu thụ so với công nghệ cũ.

Không chỉ ngành sản xuất truyền thống, các DN trong lĩnh vực thực phẩm cũng đi đầu trong xanh hóa sản xuất. Trong đó, Công ty CP IPP Sachi đã xây dựng quy trình sản xuất bánh tráng khép kín trị giá trên 1 tỷ đồng và đầu tư với 150 triệu đồng cho hệ thống tái sử dụng nước lọc để tiết kiệm tài nguyên nước.

Chuyển đổi xanh không chỉ là bài toán thách thức mà còn là cơ hội để DN Bình Định vươn xa trên thị trường toàn cầu. Việc đầu tư vào công nghệ, đổi mới thiết bị và xây dựng chiến lược phát triển bền vững sẽ giúp các DN tăng năng suất, giảm chi phí vận hành và tạo lợi thế cạnh tranh.

Dù còn nhiều khó khăn về nguồn vốn, công nghệ và nhân lực, sự nỗ lực của các DN ở tỉnh trong lộ trình xanh hóa đã cho thấy tín hiệu tích cực, khẳng định vai trò của tỉnh trên bản đồ chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây là động lực quan trọng để địa phương tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững trong tương lai.

Theo Báo Bình Định