[Bình Định] Doanh nghiệp tích cực, chủ động tiếp cận thị trường

Hoạt động thương mại tại tỉnh đang chứng kiến bước chuyển mình mạnh mẽ, từ mô hình truyền thống như chợ, sạp hàng nhỏ lẻ sang các hình thức hiện đại hơn như siêu thị, trung tâm thương mại và sàn thương mại điện tử. Các DN vừa và nhỏ cũng thay đổi tư duy kinh doanh, chủ động hơn trong tiếp cận thị trường, nhạy bén với xu hướng tiêu dùng và linh hoạt hơn trong cách thức đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng.

Tự tin vươn xa

Theo báo cáo của Sở Công Thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4.2025 ước đạt hơn 10.588 tỷ đồng, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh yếu tố cầu tiêu dùng ổn định, sự tăng trưởng này còn đến từ các chương trình kích cầu, khuyến mãi và kết nối cung – cầu tại các trung tâm mua sắm, đặc biệt trong các dịp lễ hội.

Nhiều DN ở tỉnh đang từng bước khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế. Công ty CP IPP Sachi vừa hoàn tất chuyến xuất khẩu chính ngạch thứ hai sang Mỹ với số lượng sản phẩm hơn gấp đôi so với lần đầu, gồm bánh tráng cuốn và snack bánh tráng, vượt mốc 1.000 sản phẩm. Ông Nguyễn Hữu Vinh, Giám đốc Công ty CP IPP Sachi, chia sẻ: “Đây là thành quả của quá trình nghiên cứu thị trường, cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm để đáp ứng thị hiếu quốc tế. Chúng tôi đang đàm phán với một số đối tác tiềm năng tại Mỹ để tiếp tục mở rộng thị phần”.

HTX Sản xuất Nấm Anvies An Nhơn cũng đang hướng ra thị trường xuất khẩu với sản phẩm đặc trưng là nấm sấy thăng hoa và tiêu xanh sấy lạnh. Chủ tịch HĐQT HTX Phan Kim Nhật Quỳnh cho biết: “Đưa sản phẩm nấm ra thị trường quốc tế đòi hỏi yêu cầu rất cao về nhà xưởng, quy trình trồng trọt và chất lượng sản phẩm. Hiện HTX đã sản xuất 2.600 hộp nấm rơm sấy thăng hoa, 2.600 hộp nấm mối sấy thăng hoa, 1.850 hộp tiêu xanh sấy lạnh cùng một số sản phẩm khác như ớt xiêm xanh. Chúng tôi đang xin chủ trương mở rộng vùng nguyên liệu để đảm bảo chất lượng đồng đều, ổn định”.

Ở hướng đi khác, Cơ sở rượu Bàu Đá Thành Tâm chọn hình thức xuất khẩu ủy thác, nhằm giảm thiểu rủi ro khi thâm nhập thị trường nước ngoài. Ông Nguyễn Thanh Tâm, chủ Cơ sở rượu Bàu Đá Thành Tâm, cho biết: “Năm 2023, cơ sở xuất hơn 650 lít rượu sang Hàn Quốc, năm 2024 con số này tăng lên hơn 1.000 lít. Chúng tôi cũng bắt đầu xuất khẩu ủy thác sang Đức, mở ra cơ hội tiếp cận khách hàng châu Âu vốn có yêu cầu rất cao về chất lượng”.

Chuyến hàng xuất khẩu sang Mỹ thứ 2 của Công ty IPP Sachi. Ảnh: HẢI YẾN

Giữ vững thị trường truyền thống

Không chỉ xuất khẩu, nhiều DN còn tập trung phát triển thị trường nội địa, như: Công ty TNHH DULAH, Spevi Food (Hoài Ân), HTX Nông nghiệp Ngọc An, Công ty TNHH Nhân Hòa (Hoài Nhơn), Công ty TNHH MTV Vidata (Tây Sơn), Cơ sở nước mắm Thái An (Phù Cát)… không chỉ có mặt hàng xuất khẩu chính ngạch hoặc ủy thác mà còn tập trung đưa sản phẩm về gần gũi với người tiêu dùng qua các chợ truyền thống. Đây không chỉ là điểm bán hàng, mà còn là kênh quảng bá sản phẩm địa phương hiệu quả.

Mỗi ngày, DN triển khai chương trình khuyến mãi, giới thiệu sản phẩm tại các chợ nhằm tăng độ nhận diện thương hiệu và xây dựng lòng tin với người tiêu dùng. Bà Nguyễn Thị Ái Liên (56 tuổi, đường Nguyễn Chánh, TP Quy Nhơn) chia sẻ: “Tôi đi chợ Đầm thấy có quầy giới thiệu bánh hỏi khô, bánh canh khô của Công ty TNHH MTV Vidata rất mừng. Tôi có 2 đứa con ở nước ngoài, nên cần mua mấy món này gửi sang cho chúng ăn cho đỡ nhớ quê”.

Tại TX An Nhơn, Công ty TNHH Thực phẩm Trương Gia (Belifoods) đang tập trung phát triển sản phẩm từ khoai lang tím như bánh tráng, bún khô. Không chỉ đạt chuẩn về chất lượng và an toàn thực phẩm, sản phẩm của công ty còn mang đậm bản sắc địa phương, phù hợp với xu hướng tiêu dùng “xanh – sạch – tiện lợi”.

Đồng hành với DN, Sở Công Thương đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực. Trong đó, tỉnh đã mở khu trưng bày sản phẩm OCOP tại trung tâm TP Quy Nhơn, với 40 gian hàng giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu. Ông Trần Thanh Dũng, Giám đốc Sở Công Thương, nhấn mạnh: Khu trưng bày tạo không gian giao thương chuyên nghiệp, góp phần xây dựng thương hiệu địa phương bài bản và bền vững. Sở cũng mở các lớp tập huấn kỹ năng bán hàng trên mạng, tổ chức livestream cùng các KOLs, TikToker… để hỗ trợ DN tiếp cận người tiêu dùng trên môi trường số. Tỉnh đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong chuyển đổi mô hình phân phối. Sở Công Thương cũng phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức sự kiện thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử, tạo điều kiện để DN địa phương mở rộng thị trường trong nước và quốc tế.

Theo Báo Bình Định