[Bình Định] Ðẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP
Thực hiện Chương trình hành động số 11-CTr/TU của Tỉnh ủy về “Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bình Ðịnh giai đoạn 2020 – 2025”, năm 2023 Trung tâm Khuyến nông (Sở NN&PTNT) thực hiện nhiều mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đạt kết quả khả quan.
Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP giúp tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có chất lượng tốt; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; không sử dụng các hóa chất, chất độc hại với cơ thể con người, môi trường; có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng… Sản phẩm sản xuất ra dễ tiêu thụ, giá bán ổn định, được người tiêu dùng đón nhận, đánh giá cao, qua đó nâng cao giá trị nông sản. Vì vậy, trong vài năm trở lại đây việc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đã thu hút được nhiều DN, người dân trong tỉnh quan tâm đầu tư, góp phần hướng đến xây dựng một nền nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch.
Cây hành trồng theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ. Ảnh: THÀNH NGUYÊN
Trong năm 2023, trên địa bàn toàn tỉnh có trên 205 ha cây trồng được chứng nhận VietGAP, trong đó có 114,8 ha rau các loại và 90,4 ha cây ăn trái. Ngoài ra, gần 15 ha được chứng nhận hữu cơ (6,7 ha lúa và 2,4 ha cây bưởi ở huyện Hoài Ân; 5,2 ha cây dừa ở huyện Phù Cát và 0,68 ha rau ở TX An Nhơn). Hầu hết các sản phẩm được chứng nhận VietGAP có đầu ra ổn định, thu nhập của người sản xuất tăng lên đáng kể.
Nói về áp dụng tiêu chuẩn VietGAP trong sản xuất cây hành, ông Đồng Xuân Hưng ở thôn Chánh Trạch 2, xã Mỹ Thọ (huyện Phù Mỹ) cho hay: Trước đây bà con nông dân trồng cây hành theo kiểu truyền thống, hay lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật; từ khi áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn. Đơn cử như mô hình do Trung tâm Khuyến nông triển khai tại địa phương, năng suất hành đạt 90,2 tạ/ha; lợi nhuận gần 184 triệu đồng, cao hơn 15 lần so với trồng lúa trên cùng diện tích, chân đất.
Huyện Phù Cát có diện tích kiệu khá lớn, khoảng 141 ha, đây là cây gia vị ngắn ngày, dễ trồng, chi phí đầu tư ít và đem lại hiệu quả kinh tế khá, phù hợp với điều kiện tự nhiên của huyện. Vì vậy việc nâng cao chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm cho người sản xuất và tiêu dùng là nhu cầu cấp bách đặt ra. Trung tâm Khuyến nông xây dựng mô hình sản xuất cây kiệu đạt chuẩn VietGAP trên diện tích 1 ha tại xã Cát Lâm. Kết quả cho thấy sau khoảng 5 tháng, kiệu sinh trưởng tốt, năng suất đạt 64 tạ/ha, lợi nhuận đạt 203 triệu đồng/ha, cao hơn so với ruộng kiệu đối chứng canh tác theo kiểu cũ tương ứng 6,4 tạ/ha và 36,8 triệu đồng/ha.
Ông Mai Văn Bê ở thôn Xuân Sơn, xã Ân Hữu (huyện Hoài Ân), chia sẻ: Vườn bưởi của gia đình canh tác theo phương pháp cũ cho năng suất không cao, chất lượng quả bưởi thấp, nên thường bị ép giá. Khi được tiếp cận và áp dụng kỹ thuật thâm canh theo tiêu chuẩn VietGAP, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm được công phun thuốc, góp phần bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, cây bưởi phát triển rất tốt, trái to đều, sản lượng tăng hơn 30%, được thị trường ưa chuộng nên nhiều thương lái đến tận vườn đặt hàng.
Sản xuất theo chuẩn VietGAP về cơ bản thích ứng tốt với biến đổi khí hậu và giúp giảm thiểu tác động đến môi trường thông qua việc hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm thiểu lượng nước tưới và duy trì đa dạng sinh học trong khu vực trồng. Đồng thời, năng suất và hiệu quả kinh tế tăng hơn so với sản xuất đại trà. Các sản phẩm được cấp chứng nhận VietGAP giúp người sản xuất bán được sản phẩm, người tiêu dùng cũng an tâm hơn trong lựa chọn tiêu thụ. Vì vậy, đây là phương thức sản xuất mà các cấp chính quyền địa phương cần có chính sách xây dựng và nhân rộng để giúp người dân phát triển sản xuất theo hướng bền vững, đem lại thu nhập ổn định.
Th.S Hồ Quang Thạch, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông, đánh giá: Việc sản xuất theo chuẩn VietGAP giúp tạo ra các sản phẩm nông nghiệp bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng, bảo vệ môi trường, sức khỏe người tiêu dùng và truy xuất được nguồn gốc của sản phẩm. Ðặc biệt, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP tiết kiệm được chi phí do sử dụng các nguồn vật tư đầu vào, quản lý sản xuất hiệu quả hơn thông qua đánh giá nội bộ, đồng thời cải tiến các điểm chưa phù hợp trong hệ thống quản lý, từ đó làm tăng hiệu quả sản xuất và thu nhập cho người nông dân.