[Bình Ðịnh] Cơ hội hợp tác doanh nghiệp Bình Ðịnh – Ấn Ðộ

Hội nghị thúc đẩy đầu tư, phát triển thương mại, du lịch với các đối tác Ấn Ðộ diễn ra chiều 25.6 là sự kiện quan trọng, đánh dấu mốc hợp tác mới giữa Bình Ðịnh và Ấn Ðộ, góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư giữa Ấn Ðộ và Việt Nam.

Dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đỗ Thành Trung; ông Madan Mohan Sethi, Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TP Hồ Chí Minh và 40 tổ chức, tập đoàn, DN Ấn Độ. Về phía lãnh đạo tỉnh, có đồng chí Hồ Quốc Dũng – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Anh Tuấn – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy…

Nhà đầu tư sẽ được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh: Hơn 50 năm qua,Việt Nam – Ấn Độ luôn duy trì tình hữu nghị bền vững và ngày càng phát triển tốt đẹp trên tất cả lĩnh vực. Đó là nền tảng vững chắc để quan hệ hợp tác cấp địa phương giữa hai bên, trong đó có quan hệ hợp tác giữa tỉnh Bình Định với các DN, đối tác Ấn Độ thêm cơ hội rộng mở.

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư Ấn Độ phát triển kinh doanh bền vững tại Bình Định. Ảnh: NGUYỄN DŨNG

“Hội nghị thúc đẩy đầu tư, phát triển thương mại, du lịch với các đối tác Ấn Độ tại Bình Định là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Ấn Độ nói chung, quan hệ hợp tác giữa tỉnh Bình Định với các DN, đối tác Ấn Độ nói riêng. Đầu tư tại Bình Định, nhà đầu tư Ấn Độ sẽ được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để phát triển bền vững”, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng khẳng định.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn, Bình Định hội tụ đầy đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Nhiều năm qua, Bình Định quyết tâm tập trung phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, chuyển đổi không gian phát triển, thực hiện hiệu quả các khâu đột phá về nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển kết cấu hạ tầng; đầu tư có trọng điểm vào các trụ cột phát triển kinh tế của tỉnh. Đồng thời đẩy mạnh cải cách thể chế, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về môi trường đầu tư, kinh doanh; đào tạo, thu hút và sử dụng nguồn nhân lực hiệu quả; tập trung nguồn lực đầu tư cho các dự án hạ tầng trọng điểm, nhất là hạ tầng giao thông phía Bắc tỉnh, hạ tầng các khu đô thị, khu công nghiệp kết nối với sân bay, cảng biển trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023 tỉnh Bình Định đứng thứ 25/63 tỉnh, thành và thuộc nhóm 30 địa phương được đánh giá có chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất.

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đang là xu thế tất yếu của thế giới và của Việt Nam. Bình Định đã nắm bắt xu thế phát triển này và đã đi đầu trong việc hình thành tổ hợp Trung tâm nghiên cứu, sản xuất, đào tạo chuyên gia công nghệ đầu tiên tại Việt Nam. Đây sẽ là nơi làm việc, nghiên cứu phát triển và đào tạo nhân sự công nghệ, góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh, cũng như trong khu vực, hướng đến mục tiêu đưa Quy Nhơn thành trung tâm trí tuệ nhân tạo của Việt Nam. Các DN Ấn Độ có thế mạnh trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, các dịch vụ công nghệ phần mềm, chế tạo, dược phẩm, công nghệ sinh học, công nghệ nano, viễn thông, đóng tàu, hàng không… Đây chính là những lĩnh vực mà Bình Định ưu tiên thu hút đầu tư. Việc hợp tác phát triển lĩnh vực này giữa Bình Định và Ấn Độ là phù hợp với nhu cầu, chiến lược hợp tác giữa 2 bên.

Với gần 9.000 DN đang hoạt động trên nhiều ngành nghề khác nhau, các DN Bình Định đủ năng lực, có thể tham gia chuỗi cung ứng và hợp tác với các DN Ấn Độ. Vì thế, nhu cầu hợp tác, đầu tư phát triển giữa các DN Bình Định và Ấn Độ là rất lớn.

“Với quan điểm không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh để phấn đấu trở thành “điểm đến lý tưởng” đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, Bình Định luôn coi lợi ích hợp pháp, chính đáng và thành công của nhà đầu tư là thành công của chính mình. Đầu tư vào Bình Định, nhà đầu tư sẽ được áp dụng chính sách ưu đãi cao nhất của Chính phủ Việt Nam và ưu đãi bổ sung của tỉnh Bình Định. Đến với Bình Định, các DN, nhà đầu tư Ấn Độ sẽ được tạo mọi thuận lợi để thực hiện dự án thành công và phát triển bền vững”, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cam kết.

Thúc đẩy hợp tác đầu tư

Chia sẻ tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đỗ Thành Trung cho biết: Chúng tôi tin tưởng tỉnh Bình Định sẽ thực sự trở thành điểm đến tiềm năng của các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Ấn Độ. Bộ KH&ĐT sẵn sàng đồng hành cùng các bộ, ngành hỗ trợ Bình Định biến ý tưởng và quyết tâm phát triển của tỉnh thành hiện thực; đồng thời cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi, phối hợp giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tìm hiểu và triển khai hoạt động để các DN Ấn Độ đầu tư thành công, lâu dài tại tỉnh Bình Định, hướng đến sự phát triển bền vững của tỉnh và sự thịnh vượng của hai nước.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn và Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TP Hồ Chí Minh Madan Mohan Sethi ký kết ghi nhớ hợp tác đầu tư. Ảnh: NGUYỄN DŨNG

Ông Madan Mohan Sethi, Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TP Hồ Chí Minh, bày tỏ: Hội nghị là sự kiện quan trọng đánh dấu mốc hợp tác mới giữa hai địa phương, góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư giữa Ấn Độ và Việt Nam. Đây cũng là cơ hội quý giá để DN hai nước kết nối, trao đổi thông tin và tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư. Bản thân tôi đã nhiều lần đến TP Quy Nhơn và nhận thấy rằng nơi này có tiềm năng lớn để phát triển các ngành công nghiệp trên nhiều lĩnh vực. Vì thế, các DN Ấn Độ và DN của Bình Định hãy dành thời gian để trao đổi, tìm kiếm cơ hội xuất nhập khẩu sản phẩm, đồng thời tìm kiếm tiềm năng hợp tác để cùng nhau phát triển. Lãnh sự quán Ấn Độ sẵn sàng hỗ trợ kết nối các DN Việt Nam với các tập đoàn hàng đầu của Ấn Độ trong các lĩnh vực nông nghiệp thông minh, nuôi trồng thủy sản, cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin, y tế, giáo dục và nhiều lĩnh vực khác.

Ấn tượng với giải pháp phát triển khoa học công nghệ, trong đó có ứng dụng AI tại Bình Định, ông Payyaula Sai Venkat, Chủ tịch Hiệp hội Robotics, cho biết: Chúng tôi đang mở rộng hợp tác lĩnh vực ứng dụng AI và đã tìm thấy cơ hội tại Bình Định. Trước mắt, Hiệp hội thực hiện ký kết ghi nhớ hợp tác đầu tư với Trường ĐH Quy Nhơn về chương trình đào tạo có cấu trúc, nhằm nâng kỹ năng chế tạo robot cho sinh viên và DN tại Bình Định; ký kết ghi nhớ thiết lập mối quan hệ hợp tác, hỗ trợ trong việc nghiên cứu, phát triển, khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh Bình Định trong lĩnh vực Robotics với Công ty TNHH Giải pháp phần mềm Tường Minh.

Đại diện Hiệp hội Robotics (Ấn Độ) ký kết ghi nhớ hợp tác với đại diện Trường ĐH Quy Nhơn và Công ty TNHH Giải pháp phần mềm Tường Minh. Ảnh: NGUYỄN DŨNG

Trong khi đó, qua trao đổi, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định và Hiệp hội các ngành công nghiệp quy mô nhỏ Orissa (Ấn Độ) đã tìm được tiếng nói chung và cùng ký kết ghi nhớ hợp tác đầu tư phát triển lĩnh vực xuất nhập khẩu các mặt hàng từ gỗ. “Đây là bước khởi đầu, cơ hội lớn mở hướng cho tương lai lâu dài ngành gỗ Bình Định nói chung, các DN thành viên của Hiệp hội nói riêng, nên chúng tôi thường xuyên kết nối, bàn bạc giải pháp cùng phát triển”, ông Nguyễn Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định cho hay.

Hội Doanh nhân trẻ Bình Định ký kết thiết lập quan hệ hợp tác với Tổ chức thương mại kinh tế Ấn Độ trong việc nghiên cứu, phát triển, khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh Bình Định trên lĩnh vực: Nghiên cứu và phân tích về các cơ hội phát triển các nguồn lực về y tế và dược phẩm; hỗ trợ tỉnh xây dựng các chương trình liên kết, xúc tiến đầu tư, giới thiệu quảng bá hình ảnh, con người Bình Định đến các nhà đầu tư Ấn Độ…

Dịp này, Hiệp hội Du lịch Bình Định ký kết biên bản ghi nhớ với Hiệp hội Điều hành Tour du lịch Phật giáo (ABTO) tại bang Jharkhand, Ấn Độ.

Theo Báo Bình Định