[Đà Nẵng] 5 năm thực hiện Nghị quyết 43-NQ/TW

LTS: Ngày 24-1-2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là văn kiện quan trọng với những định hướng chiến lược, lâu dài, mở ra nhiều cơ hội, cơ chế, chính sách phát triển Đà Nẵng trở thành trung tâm của khu vực. Qua gần 5 năm triển khai thực hiện, thành phố đạt nhiều kết quả quan trọng, thể hiện tinh thần năng động, sáng tạo, đồng thuận để chung tay phát triển Đà Nẵng theo tinh thần nghị quyết đề ra. Từ số báo hôm nay (14-11), Báo Đà Nẵng mở chuyên mục “5 năm thực hiện Nghị quyết 43-NQ/TW”, ghi nhận những kết quả nổi bật trong thực hiện nghị quyết trên các lĩnh vực.

Đổi mới mô hình tăng trưởng, phát huy các động lực tăng trưởng mới

Thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1- 2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thành phố đã tích cực đổi mới mô hình tăng trưởng, phát huy các động lực mới và cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực kinh tế. Thành phố cũng đang tập trung phát triển các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn.

Hạ tầng kỹ thuật và cơ sở du lịch của thành phố phát triển hiện đại, đáp ứng nhu cầu du khách, góp phần thu hút du lịch, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Phát triển công nghiệp, cơ cấu lại nền kinh tế

Hiện thành phố đẩy nhanh triển khai các thủ tục liên quan đến việc lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp và các cụm công nghiệp nhằm tăng quỹ đất thu hút đầu tư, góp phần thực hiện định hướng phát triển công nghiệp và cơ cấu lại kinh tế thành phố. Cùng với đó, thành phố đẩy mạnh thu hút đầu tư công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin và công nghiệp hỗ trợ; tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm…

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Minh Tường chia sẻ: “Trong 10 tháng năm 2023, thành phố đã cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư các dự án nằm ngoài các khu công nghiệp và Khu Công nghệ thông tin tập trung với tổng vốn đầu tư đến 40.947 tỷ đồng, đạt 500% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng vốn thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) 176,835 triệu USD, đạt 135% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó có 1 dự án sản xuất có vốn đầu tư lớn vào Khu Công nghệ cao Đà Nẵng.

Chúng tôi đang nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài, sắp tới một số nhà đầu tư sẽ tham gia đấu giá các khu đất mà thành phố đang kêu gọi đầu tư các dự án. Chúng tôi cố gắng để cải thiện môi trường đầu tư và các thủ tục về thành lập, phát triển doanh nghiệp cũng như các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp”.

Theo báo cáo của UBND thành phố về kết quả thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ giữa nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII của Đảng bộ thành phố, cơ cấu nội ngành công nghiệp có sự chuyển dịch rõ rệt và đúng định hướng tái cơ cấu ngành. Công nghiệp chế biến, chế tạo luôn thể hiện là điểm sáng trong tăng trưởng kinh tế, trở thành đầu tàu phát triển; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) đã tăng qua các năm: 2019, 2022.

Cơ cấu nội ngành công nghiệp chế biến – chế tạo tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp kỹ thuật – công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao như: tăng tỷ trọng điện tử, thiết bị điện, cơ khí chế tạo máy móc – thiết bị, sản xuất – lắp ráp ô-tô, phương tiện vận tải… Khu Công nghệ cao Đà Nẵng, Khu Công nghệ thông tin tập trung (giai đoạn 1) được đầu tư tương đối hoàn thiện, hứa hẹn sẽ là động lực mới có tính quyết định đến sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố, thông qua phát triển ứng dụng và thương mại hóa công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao phục vụ mục tiêu nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế.

Cơ cấu kinh tế của Đà Nẵng đang hướng sự chuyển dịch sang các lĩnh vực có tiềm năng xuất khẩu cao, nhất là công nghệ thông tin, công nghệ cao. TRONG ẢNH: Sản xuất các chi tiết van điện từ và bơm thủy lực tại Công ty TNHH Tokyo Keiki Precision Technology ở Khu Công nghệ cao Đà Nẵng. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế mũi nhọn

Cũng theo báo cáo của UBND thành phố, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2021-2023 ước tăng 7,1%/năm, đây là mức tăng khá trong bối cảnh thành phố vẫn còn nhiều khó khăn và nhiều vướng mắc, thách thức chưa được tháo gỡ, xử lý triệt để… GRDP bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 4.500 USD.

Đà Nẵng đã bước đầu hình thành những ngành kinh tế mũi nhọn như: du lịch, dịch vụ thương mại, vận tải, logistics, tài chính, ngân hàng, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp công nghệ thông tin, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Theo đó, công nghiệp công nghệ thông tin từng bước khẳng định là một trong những lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của thành phố với tổng doanh thu toàn ngành thông tin và truyền thông giai đoạn 2021-2023 đến 48.155 tỷ đồng, tăng bình quân 6,4%/năm, kim ngạch xuất khẩu phần mềm đạt 376,5 triệu USD, tăng 16,3%/năm.

Còn trong lĩnh vực du lịch, từ năm 2021-2023, các cơ sở lưu trú trên địa bàn thành phố phục vụ 11,3 triệu lượt khách, tăng bình quân 32,5%/năm, trong đó, khách nội địa đạt hơn 9,2 triệu lượt, tăng 29,4%/năm, khách quốc tế đạt 2,1 triệu lượt, tăng 44,9%/năm. Phó Giám đốc Sở Du lịch Tán Văn Vương cho rằng, thời gian qua, thành phố đã tích cực triển khai đề án “Định hướng phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trong đó tập trung làm mới các sản phẩm du lịch hiện có và chuẩn bị các sản phẩm mới, đặc thù, đặc trưng để tạo lợi thế cạnh tranh thu hút du khách.

Thành phố đang tập trung công tác tuyên truyền, quảng bá điểm đến Đà Nẵng tại các thị trường mới, khôi phục và xúc tiến các đường bay… Sở Du lịch đã và đang phối hợp với các cơ quan, đơn vị triển khai hoạt động kinh tế đêm, tập trung hoạt động phục vụ du khách (vào ban đêm). Sở Du lịch sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương triển khai phố đi bộ trên tuyến đường Bạch Đằng nối dài từ cầu Rồng đến cầu Nguyễn Văn Trỗi; từ cầu Nguyễn Văn Trỗi đến công viên bờ đông cầu Rồng…; đồng thời, phối hợp triển khai dự án “Dòng sông ánh sáng”, một sản phẩm du lịch “đinh” của Đà Nẵng; nâng cấp, bổ sung mới các sản phẩm, dịch vụ tại 2 tuyến biển…

Thành phố đang xây dựng và đề xuất các cơ chế, chính sách để góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng như đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quy mô khu vực”; xây dựng đề án thành lập Khu phi thuế quan thành phố Đà Nẵng và gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thẩm định vào báo cáo Thủ tướng Chính phủ (hiện trong quá trình lấy ý kiến các bộ, ngành)… Thành phố cũng đang tập trung phát triển cảng biển, hàng không gắn với dịch vụ logistics, một trong các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn theo định hướng tại Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Theo Báo Đà Nẵng