Những thay đổi quan trọng của Luật Doanh nghiệp theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 Luật
Ngày 11/01/2022, Quốc hội đã ban hành Luật số 03/2022/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự (“Luật sửa đổi, bổ sung 9 Luật”). Việc xây dựng, ban hành Luật này nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật, khơi thông và phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế – xã hội trong bối cảnh phòng chống, dịch bệnh COVID-19; cắt giảm và đơn giản hóa thủ tục trong đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Luật sửa đổi, bổ sung 9 Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/3/2022.
Bài viết sau đây giới thiệu những thay đổi quan trọng của Luật Doanh nghiệp theo Luật sửa đổi, bổ sung 9 Luật nhằm hoàn thiện khung pháp lý về quản trị doanh nghiệp, tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn.
1. Quy định về thành viên Hội đồng thành viên tại Điều 49 và Điều 50
Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, khoản 29 Điều 4 và khoản 1 Điều 46 Luật Doanh nghiệp đã quy định về “thành viên công ty”. Tuy vậy, thay vì quy định về quyền và nghĩa vụ của “thành viên công ty” thì Điều 49 và Điều 50 Luật Doanh nghiệp lại quy định về quyền, nghĩa vụ của “thành viên Hội đồng thành viên”.
Theo khoản 1 Điều 55 Luật Doanh nghiệp, Hội đồng thành viên là cơ quan quyết định cao nhất, bao gồm: (i) tất cả thành viên công ty là cá nhân và (ii) người đại diện theo ủy quyền của thành viên công ty là tổ chức. Do đó, việc sử dụng cụm từ “thành viên Hội đồng thành viên” trong hai Điều trên có thể dẫn đến cách hiểu là người đại diện theo ủy quyền của thành viên công ty là tổ chức cũng có các quyền và nghĩa vụ như thành viên công ty, trong đó có các quyền và nghĩa vụ cơ bản như quyền được chia lợi nhuận tương ứng với phần vốn góp, được chia giá trị tài sản còn lại của công ty tương ứng với phần vốn góp khi công ty giải thể hoặc phá sản; nghĩa vụ góp đủ, đúng hạn số vốn đã cam kết, chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty…
Vì vậy, Luật sửa đổi, bổ sung 9 Luật đã sửa đổi cụm từ “thành viên Hội đồng thành viên” thành “thành viên công ty” tại Điều 49 và Điều 50 Luật Doanh nghiệp để bảo đảm thống nhất với các quy định liên quan của Luật này.
2. Quy định về việc công bố thông tin báo cáo tài chính giữa năm của doanh nghiệp
Theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 109 Luật Doanh nghiệp và điểm g khoản 1 Điều 23 Nghị định số 47/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp thì doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ phải định kỳ công bố báo cáo và tóm tắt báo cáo tài chính giữa năm đã được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán độc lập trên trang thông tin điện tử của công ty và của cơ quan đại diện chủ sở hữu. Tuy nhiên, khoản 2 Điều 60 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014, khoản 1 Điều 33 Luật Kế toán năm 2015 và Điều 37 Luật Kiểm toán độc lập năm 2011 quy định doanh nghiệp nhà nước chỉ phải kiểm toán bắt buộc đối với báo cáo tài chính hằng năm; không quy định kiểm toán đối với báo cáo tài chính giữa năm.
Từ thời điểm triển khai thực hiện quy định nêu trên, có rất nhiều kiến nghị, phản ánh từ các doanh nghiệp (bao gồm doanh nghiệp quy mô lớn thuộc mô hình công ty mẹ – công ty con thuộc Trung ương và các công ty độc lập quy mô nhỏ thuộc địa phương) về sự chồng chéo, không thống nhất về nội dung yêu cầu doanh nghiệp thực hiện kiểm toán đối với báo cáo tài chính giữa năm giữa Luật Kế toán, Luật Doanh nghiệp và Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, việc yêu cầu doanh nghiệp công bố thông tin định kỳ đối với báo cáo tài chính giữa năm đã được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 109 Luật Doanh nghiệp tạo thêm gánh nặng về chi phí cho doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp quy mô nhỏ, hoạt động chủ yếu không vì mục tiêu lợi nhuận. Với khoảng 1.000 doanh nghiệp nhà nước phải thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin theo Luật Doanh nghiệp có thể gián tiếp làm giảm nguồn thu cho ngân sách nhà nước hằng năm do toàn bộ khối doanh nghiệp có thể mất chi phí nhiều tỷ đồng để thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính giữa năm trước.
Do vậy, nhằm giảm bớt chi phí, thời gian cho doanh nghiệp và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật trong thực hiện công bố thông tin doanh nghiệp, khoản 4 Điều 7 Luật sửa đổi, bổ sung 9 Luật đã để quy định báo cáo tài chính giữa năm của doanh nghiệp thực hiện công bố thông tin không bắt buộc kiểm toán.
3. Quy định về đối tượng xác định là doanh nghiệp quốc phòng, an ninh
Trên cơ sở kế thừa quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2014, khoản 5 Điều 217 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định: “Chính phủ quy định chi tiết việc tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp nhà nước trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh hoặc kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh”, theo đó xác định doanh nghiệp quốc phòng, an ninh trước hết phải là doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại Điều 88 Luật Doanh nghiệp. Theo quy định của Nghị định số 93/2015/NĐ-CP ngày 15/10/2015 của Chính phủ về tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp quốc phòng, an ninh thì doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh hoặc kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh phải là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, không bao gồm doanh nghiệp là công ty con của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Tuy nhiên, trên thực tế, một số doanh nghiệp được Bộ Quốc Phòng giao thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh lại là công ty trách nhiệm hữu hạn do công ty mẹ là Tập đoàn, Tổng công ty thuộc Bộ Quốc phòng sở hữu 100% vốn điều lệ. Trước khi Luật Doanh nghiệp năm 2014 có hiệu lực thi hành, các doanh nghiệp này đã được công nhận là doanh nghiệp quốc phòng, an ninh. Kể từ khi Luật Doanh nghiệp năm 2020 có hiệu lực thi hành, do không thuộc đối tượng được xác định là doanh nghiệp quốc phòng, an ninh, các doanh nghiệp này gặp khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các cơ chế chính sách hiện hành khi hạch toán chi phí thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.
Bên cạnh đó, hiện nay, trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng đang thực hiện sắp xếp doanh nghiệp thuộc Bộ theo hướng tổ chức lại các doanh nghiệp để hình thành mô hình công ty mẹ – công ty con. Trong đó, công ty mẹ là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; các công ty con hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn do Công ty mẹ sở hữu 100% vốn điều lệ cũng được Bộ Quốc phòng, Bộ Công an giao thực hiện các nhiệm vụ trực tiếp phục vụ quốc phòng an ninh. Tuy nhiên, công ty con này không thuộc đối tượng được xác định là doanh nghiệp quốc phòng an ninh theo quy định tại Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn, do vậy không có cơ sở thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh theo các quy định hiện hành.
Do vậy, để đảm bảo xác định đối tượng là doanh nghiệp quốc phòng, an ninh phù hợp với thực tiễn, khoản 7 Điều 7 Luật sửa đổi, bổ sung 9 Luật đã sửa đổi khoản 5 Điều 217 Luật Doanh nghiệp giao Chính phủ hướng dẫn về tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh hoặc kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh là doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn do doanh nghiệp nhà nước quy định tại khoản 2 Điều 88 Luật Doanh nghiệp nắm giữ 100% vốn điều lệ để xử lý các vướng mắc trên thực tiễn nêu trên.
4. Quy định về việc tham dự và biểu quyết tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông
Theo Điều 148 Luật Doanh nghiệp, điều kiện để nghị quyết Đại hội đồng cổ đông được thông qua được xác định dựa trên tỷ lệ số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp tán thành. Tuy nhiên, việc xác định cổ đông dự họp lại chưa được quy định rõ nên thực tế xảy ra trường hợp cổ đông đã đăng ký và có tham dự cuộc họp Đại hội đồng cổ đông nhưng bỏ về giữa chừng hoặc không bỏ phiếu vào hòm phiếu hoặc không biểu quyết trực tuyến. Điều này dẫn đến vướng mắc trong việc xác định số cổ đông dự họp để tính tỷ lệ số phiếu biểu quyết theo quy định tại Điều 148 nêu trên. Mặc dù chỉ là vấn đề kỹ thuật song vướng mắc nêu trên lại đang gây cản trở lớn đến việc thông qua nghị quyết Đại hội đồng cổ đông. Theo thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp thì cả nước hiện có 237.679 công ty cổ phần đang hoạt động và vướng mắc này có thể gặp phải ở bất cứ công ty cổ phần nào.
Do đó, khoản 5 Điều 7 Luật sửa đổi, bổ sung 9 Luật đã sửa đổi khoản 1, khoản 2 Điều 148 Luật Doanh nghiệp theo hướng chỉ tính kết quả bỏ phiếu của cổ đông tham dự và biểu quyết tại cuộc họp tán thành để thông qua nghị quyết, cụ thể:
(i) Nghị quyết về các nội dung: loại cổ phần và tổng số cổ phần của từng loại; thay đổi ngành, nghề và lĩnh vực kinh doanh; thay đổi cơ cấu tổ chức quản lý công ty, dự án đầu tư hoặc bán tài sản có giá trị từ 35% tổng giá trị tài sản trở lên được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định tỷ lệ hoặc giá trị khác; tổ chức lại, giải thể công ty được thông qua nếu được số cổ đông đại diện từ 65% tổng số phiếu biểu quyết trở lên của tất cả cổ đông tham dự và biểu quyết tại cuộc họp tán thành, trừ trường hợp quy định tại các khoản 3, 4 và 6 Điều này; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định (khoản 1 Điều 148).
(ii) Các nghị quyết được thông qua khi được số cổ đông sở hữu trên 50% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông tham dự và biểu quyết tại cuộc họp tán thành, trừ trường hợp quy định tại các khoản 1, 3, 4 và 6 Điều này; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định (khoản 2 Điều 148).
5. Quy định về việc ký biên bản họp Hội đồng thành viên/Hội đồng quản trị
Theo khoản 3 Điều 60, khoản 2 Điều 158 Luật Doanh nghiệp thì trường hợp chủ tọa, người ghi biên bản từ chối ký biên bản họp Hội đồng thành viên/Hội đồng quản trị nhưng nếu được tất cả thành viên khác của Hội đồng thành viên/Hội đồng quản trị tham dự họp ký thì biên bản này có hiệu lực. Điểm e khoản 2 Điều 60 Luật Doanh nghiệp cũng quy định biên bản họp Hội đồng thành viên phải bao gồm họ, tên, chữ ký và nội dung ý kiến của người dự họp không đồng ý thông qua biên bản họp (nếu có). Tuy nhiên, trên thực tế thành viên không đồng ý thông qua biên bản họp thường không hợp tác, không chịu ký tên vào biên bản họp dẫn đến biên bản không đảm bảo đủ nội dung chủ yếu theo quy định của Luật và không có hiệu lực. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến thẩm quyền quyết định của Hội đồng thành viên/Hội đồng quản trị trong điều hành, quản trị doanh nghiệp.
Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nêu trên, Luật sửa đổi, bổ sung 9 Luật đã sửa đổi điểm e khoản 2 và khoản 3 Điều 60, khoản 2 Điều 158 Luật Doanh nghiệp theo hướng bỏ yêu cầu phải có chữ ký của người dự họp không đồng ý thông qua biên bản họp trong nội dung biên bản họp, cụ thể:
(i) Khoản 3 Điều 60: “Trường hợp chủ tọa, người ghi biên bản từ chối ký biên bản họp thì biên bản này có hiệu lực nếu được tất cả thành viên khác của Hội đồng thành viên tham dự và đồng ý thông qua biên bản họp ký và có đầy đủ nội dung theo quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và e khoản 2 Điều này. Biên bản họp ghi rõ việc chủ tọa, người ghi biên bản từ chối ký biên bản họp. Người ký biên bản họp chịu trách nhiệm liên đới về tính chính xác và trung thực của nội dung biên bản họp Hội đồng thành viên. Chủ tọa, người ghi biên bản chịu trách nhiệm cá nhân về thiệt hại xảy ra đối với doanh nghiệp do từ chối ký biên bản họp theo quy định của Luật này, Điều lệ công ty và pháp luật có liên quan”.
(ii) Khoản 2 Điều 158: “Trường hợp chủ tọa, người ghi biên bản từ chối ký biên bản họp nhưng nếu được tất cả thành viên khác của Hội đồng quản trị tham dự và đồng ý thông qua biên bản họp ký và có đầy đủ nội dung theo quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, g và h khoản 1 Điều này thì biên bản này có hiệu lực. Biên bản họp ghi rõ việc chủ tọa, người ghi biên bản từ chối ký biên bản họp. Người ký biên bản họp chịu trách nhiệm liên đới về tính chính xác và trung thực của nội dung biên bản họp Hội đồng quản trị. Chủ tọa, người ghi biên bản chịu trách nhiệm cá nhân về thiệt hại xảy ra đối với doanh nghiệp do từ chối ký biên bản họp theo quy định của Luật này, Điều lệ công ty và pháp luật có liên quan”.