Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Sửa đổi): Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, doanh nghiệp
Mới đây, Chủ tịch Quốc hội vừa ký chứng thực Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Luật được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.
Theo đó Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) gồm 7 chương, 80 điều, là bộ luật được hoàn thiện về quyền lợi người tiêu dùng, thông tin của người tiêu dùng. Ngoài ra cũng có nội dung về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung. Một số giao dịch đặc thù, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Luật bảo về quyền lợi người tiêu dùng có đối tượng áp dụng là: người tiêu dùng, tổ chức, cá nhân kinh doanh, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Luật bổ sung tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp (tổ chức xã hội) tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)
Người tiêu dùng được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, bảo vệ thông tin, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp. Được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch, thông tin kịp thời, chính xác, đầy đủ về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, nội dung giao dịch, nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và về tổ chức, cá nhân kinh doanh. Lựa chọn sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh theo nhu cầu, điều kiện thực tế của mình; quyết định tham gia hoặc không tham gia giao dịch; thỏa thuận các nội dung giao dịch với tổ chức, cá nhân kinh doanh; được cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đúng với nội dung đã giao kết.
Góp ý với tổ chức, cá nhân kinh doanh về giá, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, phong cách phục vụ, phương thức giao dịch và nội dung liên quan đến giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh. Yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh bồi thường thiệt hại khi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, không bảo đảm an toàn, đo lường, số lượng, khối lượng, chất lượng, công dụng, giá, nội dung khác theo quy định của pháp luật hoặc không đúng với đăng ký, thông báo, công bố, niêm yết, quảng cáo, giới thiệu, giao kết, cam kết của tổ chức, cá nhân kinh doanh.