GIẢI ĐÁP MỘT SỐ BĂN KHOĂN CỦA DOANH NGHIỆP LIÊN QUAN TỚI QCVN 06:2022/BXD
Để hỗ trợ các Doanh nghiệp – Tổ chức áp dụng các Quy chuẩn, Tiêu chuẩn mới trong lĩnh vực PCCC, Hiệp hội PCCC & CNCH Việt Nam (VFRA) đã phối hợp với Cục Cảnh sát PCCC & CNCH (C07) – Bộ Công an tổ chức hội thảo – tập huấn về các Tiêu chuẩn, Quy chuẩn liên quan đến lĩnh vực PCCC mới được ban hành và có hiệu lực. Hội thảo được tổ chức tại Hà Nội ngày 24/03/2023 và tại thành phố Hồ Chí Minh ngày 31/03/2023.
Hội thảo – tập huấn hướng dẫn áp dụng Tiêu chuẩn, Quy chuẩn mới trong PCCC được tổ chức tại TP. Hà Nội ngày 24/03/2023
Sau khi tổ chức thành công 02 cuộc hội thảo trên, VFRA đã nhận được 1 số câu hỏi từ các Doanh nghiệp, Tổ chức (chưa có điều kiện tham gia các cuộc hội thảo trên) liên quan đến một số vướng mắc trong quá trình áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC.
Hiệp hội PCCC & CNCH Việt Nam đã tham vấn ý kiến từ các cơ quan quản lý nhà nước đối với các câu hỏi nhận được và dưới đây xin chia sẻ đến Hội viên VFRA và các doanh nghiệp, tổ chức quan tâm.
*****
Câu hỏi 1: Được biết Hiệp hội PCCC & CNCH Việt Nam vừa tổ chức hội thảo – tập huấn về các Tiêu chuẩn, Quy chuẩn liên quan đến lĩnh vực PCCC mới được ban hành và có hiệu lực trong đó có QCVN 06:2022/BXD – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn cháy cho nhà và công trình. Đề nghị Hiệp hội cho biết những điểm mới, nổi bật của QCVN 06:2022/BXD so với QCVN 06:2021/BXD và QCVN 06:2020/BXD đã được ban hành trước đó.
Trả lời:
Ngày 19/5/2021, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 02/2021/TT-BXD về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 06:2021/BXD về An toàn cháy cho nhà và công trình, thay thế QCVN 06:2020/BXD 06/4/2020. Qua thời gian áp dụng, đã xuất hiện một số điểm chưa phù hợp thực tiễn, ngày 30/11/2022, Bộ Xây dựng tiếp tục ban hành Thông tư số 06/2022/TT-BXD về việc ban hành QCVN 06:2022/BXD (thay thế QCVN 06:2021/BXD).
QCVN 06:2022/BXD được ban hành với nhiều điểm mang tính tháo gỡ các quy định khó thực hiện về PCCC mà doanh nghiệp, tổ chức còn vướng mắc, như:
– Giảm yêu cầu về bậc chịu lửa đối với nhà, đặc biệt là nhà sản xuất, ví dụ: Theo quy định tại QCVN 06:2021/BXD, với công trình nhà công nghiệp hạng sản xuất C, nếu nhà 1 tầng thì cho phép phân khoang cháy tối đa 5.200m2; nếu nhà 2 tầng thì cho phép phân khoang cháy tối đa 3500m2. QCVN 06:2022/BXD thay thế QCVN 06:2021/BXD đã cho phép nhà 1 tầng có khoang cháy đến 25.000 m2, nhà 2 tầng có khoang cháy đến 10.400 m2 và chỉ yêu cầu bậc chịu lửa III, IV tương ứng giới hạn chịu lửa của kết cấu chịu lực là 45 phút hoặc 15 phút, giúp dễ dàng thực hiện các biện pháp bảo vệ kết cấu chịu lửa;
– Giảm yêu cầu về giới hạn chịu lửa đối với màn ngăn cháy, vách kính, cửa kính, ví dụ: QCVN 06:2021/BXD quy định phải sử dụng màn ngăn cháy đạt EI 60; các cửa kính, vách kính phải đảm bảo giới hạn chiu lửa EI nhưng QCVN 06:2022/BXD cho phép màn ngăn cháy đạt EI 60, EI 30, EI 15 (3 loại); cửa kính, vách kính chỉ yêu cầu giới hạn chịu lửa EW (dễ đạt hơn, phù hợp với các sản phẩm kính);
– Giảm quy định về giới hạn chịu lửa của tường ngoài không chịu lực, quy định tại Bảng 4, Phụ lục E. Trước đây, tất cả các công trình đều yêu cầu tường ngoài (kính) phải có giới hạn chịu lửa, gây khó khăn trong đầu tư xây dựng về thi công, chi phí đầu tư. Hiện nay, QCVN 06:2022/BXD đã có quy định cụ thể, giảm đáng kể các trường hợp yêu cầu phải có giới hạn chịu lửa. Đồng thời khi các công trình đã bảo đảm khoảng cách an toàn PCCC thì không yêu cầu giới hạn chịu lửa đối với kết cấu này;
– Giảm quy định yêu cầu về khoảng cách an toàn PCCC. Đối với các công trình không đáp ứng yêu cầu về khoảng cách an toàn PCCC thì được lựa chọn nhiều giải pháp ngăn cháy khác để thay thế như sử dụng các tường ngăn cháy, kết cấu ngăn cháy, cũng như trang bị bổ sung hệ thống chữa cháy tự động;
– Bổ sung quy định để cho phép một số trường hợp chỉ cần thiết kế 01 cầu thang thoát nạn hoặc bố trí cầu thang thoát nạn để hở;
– Giảm yêu cầu về trang bị hệ thống cấp nước chữa cháy ngoài nhà đối với các khu vực miền núi, nông thôn cũng như các công trình quy mô nhỏ;
Câu hỏi 2: Có ý kiến cho rằng Bộ Công an đặt ra quy định phải bọc bảo vệ chống cháy cho kết cấu (dùng sơn chống cháy, vữa chống cháy…) và phải kiểm định kết cấu công trình đã gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân khi thực hiện. Đề nghị Hiệp hội cho biết quan điểm của mình về vấn đề này.
Trả lời:
Liên quan đến nội dung này, chúng ta cần phân tích các quy định cụ thể tại Quy chuẩn 06 để làm rõ vấn đề nêu trên:
1. Về Bảo vệ chống cháy cho kết cấu trong công trình:
Ngày 06/4/2020, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 01/2020/TT-BXD về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 06:2020/BXD về An toàn cháy cho nhà và công trình (thay thế QCVN 06:2010/BXD), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020. Quy chuẩn này có quy định: trong các nhà, khi thiết kế phải có các giải pháp kết cấu, bố trí mặt bằng – không gian và kỹ thuật công trình để bảo đảm khi xảy ra cháy thì nhà vẫn duy trì được tính ổn định tổng thể và tính bất biến hình trong một khoảng thời gian nhất định, được quy định bằng bậc chịu lửa của nhà.
Bảng 4 của Quy chuẩn QCVN 06:2020/BXD (Điều 2.6.2) có quy định giới hạn chịu lửa tối thiểu cần đạt được của các bộ phận kết cấu nhà tương ứng với bậc chịu lửa của công trình đó.
(Trích dẫn: Bảng 4 Quy chuẩn QCVN 06:2020/BXD)
Có thể thấy, các yêu cầu về giới hạn chịu lửa của kết cấu chịu lực chính trong công trình đã được quy định từ Quy chuẩn 06:2020/BXD, và tiếp tục được quy định tại các quy chuẩn sửa đổi sau đó, gồm QCVN 06:2021/BXD, QCVN 06:2022/BXD. Như thế, không có cơ sở để cho rằng Cơ quan Cảnh sát PCCC và CNCH đặt ra quy định phải bọc bảo vệ chống cháy cho kết cấu công trình.
2. Về giải pháp dùng sơn chống cháy cho các kết cấu thép của nhà xưởng, công trình:
Theo quy định tại các quy chuẩn QCVN 06:2020/BXD, QCVN 06:2021/BXD, QCVN 06:2022/BXD và các tài liệu nghiên cứu về an toàn cháy cho kết cấu công trình xây dựng, có nhiều giải pháp bảo vệ chống cháy cho kết cấu chịu lực, điển hình là kết cấu thép của dự án, công trình. Các chủ đầu tư, nhà thầu thi công có thể nghiên cứu và lựa chọn ra giải pháp phù hợp với công trình của mình, chẳng hạn:
– Thực hiện các giải pháp bảo vệ kết cấu bằng cách sử dụng các vật liệu bảo vệ điển hình tương tự hướng dẫn tại Phụ lục F của Quy chuẩn 06:2020/BXD (hoặc QCVN 06:2021/BXD; QCVN 06:2022/BXD);
– Sử dụng các giải pháp lớp bảo vệ chống cháy chủ động: Lớp bảo vệ dạng phun, trát (vữa chống cháy), hoặc lớp bảo vệ dạng tấm ốp (thạch cao, tấm chống cháy…);
– Sử dụng các giải pháp lớp bảo vệ chống cháy thụ động (sơn chống cháy);
– Sử dụng các giải pháp kỹ thuật làm mát (bằng nước, dung dịch);
– Sử dụng kết cấu bằng vật liệu đặc biệt có tính năng chịu lửa hoặc các loại vật liệu thay thế.
Như vậy, có nhiều giải pháp bảo vệ chống cháy cho kết cấu chịu lực, không nhất thiết phải sử dụng duy nhất giải pháp sơn chống cháy cho các dự án, công trình.
Trong thực tế, vì lý do thuận tiện trong thi công, bảo đảm thẩm mỹ, nhiều chủ đầu tư và nhà thầu đã đưa ra phương án sử dụng sơn chống cháy. Tuy nhiên việc sử dụng giải pháp sơn chống cháy cần phải lưu ý đến các yếu tố kỹ thuật, cụ thể:
– Trước khi lựa chọn phương án sử dụng sơn chống cháy hoặc các chất, vật liệu chống cháy khác để bảo vệ kết cấu công trình, cần có thiết kế chịu lửa để xác định các loại kết cấu chịu lực chính cần bảo vệ chống cháy và nhiệt độ tới hạn của kết cấu trong điều kiện cháy, là cơ sở để lựa chọn giải pháp bảo vệ chống cháy tương ứng.
– Sản phẩm sơn chống cháy của các hãng khác nhau có hiệu quả bảo vệ khác nhau, đồng thời khi sử dụng lên các kết cấu khác nhau cũng có hiệu quả bảo vệ khác nhau. Do đó, các loại sơn chống cháy được chọn để sử dụng cho dự án, công trình phải được thử nghiệm và chứng minh hiệu quả bọc bảo vệ theo quy trình tiêu chuẩn, phù hợp với thiết kế kết cấu công trình.
3. Bộ Công an có quy định phải kiểm định kết cấu công trình, gây khó khăn cho doanh nghiệp hay không?
Để đánh giá giới hạn chịu lửa của kết cấu thực tế trong công trình, tại Điều 2.2.2.2 của Quy chuẩn QCVN 06:2020/BXD quy định 03 phương pháp (nội dung này tiếp tục được quy định tại QCVN 06:2021/BXD; QCVN 06:2022/BXD), gồm:
a) Tính toán theo tiêu chuẩn thiết kế kết cấu chịu lửa;
b) Đối chiếu đặc điểm kỹ thuật với cấu kiện tương đương được nêu tại Phụ lục F của Quy chuẩn này;
c) Đối chiếu với mẫu thử nghiệm chịu lửa có cấu tạo với đặc điểm kỹ thuật tương đương.
Theo đó, trong trường hợp không có cơ sở đánh giá giới hạn chịu lửa của kết cấu chịu lực theo mục a) hoặc mục b) nêu trên thì cần phải thực hiện thử nghiệm chịu lửa cho mẫu kết cấu và cấp giấy chứng nhận kiểm định cho mẫu kết cấu đó. Đồng thời, tại Quy chuẩn này cũng quy định phương pháp thử nghiệm xác giới hạn chịu lửa của mẫu kết cấu chịu lực.
Ngày 24/11/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 136/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy. Khoản 2 Điều 38 và mục 5 Phụ lục VII của Nghị định này quy định “Mẫu kết cấu được bọc bảo vệ bằng các chất hoặc vật liệu chống cháy; mẫu cấu kiện ngăn cháy” phải kiểm định về PCCC. Quy định này thay thế quy định tại Nghị định 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 của Chính phủ, quy định kiểm định vật liệu và chất chống cháy (ví dụ: sơn chống cháy; vật liệu chống cháy; chất ngâm tẩm chống cháy…). Việc kiểm định mẫu kết cấu bọc bảo vệ bằng chất, vật liệu chống cháy giúp đánh giá đầy đủ bản chất của kết cấu chịu lực làm việc trong điều kiện cháy, chứng minh khả năng bảo vệ chống cháy của các lớp vật liệu bảo vệ cho kết cấu công trình. Quy định này đảm bảo tính khoa học, đồng bộ với các quy định pháp luật về phòng cháy và chữa cháy do Bộ Xây dựng ban hành đã nêu trên, đồng thời phù hợp các tiêu chuẩn quốc tế.
Để triển khai thực hiện các quy định nêu trên, ngày 28/12/2021, Bộ Công an ban hành Thông tư số 123/2021/TT-BCA ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 03:2021/BCA về phương tiện phòng cháy và chữa cháy, có hiệu lực thi hành từ ngày 28/6/2022. Tại mục b, khoản 3.1.1 của Quy chuẩn đã quy định rõ: Mẫu kết cấu, cấu kiện sau khi được cấp giấy chứng nhận kiểm định được sử dụng làm mẫu để sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm đưa ra lưu thông trên thị trường (không yêu cầu cấp giấy chứng nhận kiểm định cho từng dự án, công trình).
Như vậy, không phải toàn bộ các kết cấu được bọc bảo vệ bằng chất, vật liệu chống cháy đều phải kiểm định về PCCC và không cần thiết phải có Giấy chứng nhận kiểm định về PCCC cho từng dự án, công trình cụ thể.
Câu hỏi 3: Theo quy định, hiện nay các cơ sở như nhà chung cư, nhà hỗn hợp, khách sạn, nhà làm việc của doanh nghiệp cao dưới 5 tầng, cửa hàng kinh doanh, sửa chữa bảo dưỡng xe dưới 500 m2 cũng phải thông báo về đảm bảo an toàn PCCC với cơ quan chức năng; phải được thẩm duyệt thiết kế. Vì vậy, khi kiểm tra, một số lượng lớn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất bị buộc phải dừng hoạt động để khắc phục. Thêm vào đó, theo quy định mới, các công trình có hạng mục cải tạo, sửa chữa dù nhỏ vẫn phải xin cấp giấy phép thẩm duyệt thiết kế. Như vậy rất khó khăn cho doanh nghiệp và người dân?
Trả lời:
Danh mục dự án, công trình thuộc diện thẩm duyệt về PCCC được quy định cụ thể tại Phụ lục V, Nghị định 136/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 24/11/2020 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy. Trong đó chỉ quy định: “Nhà chung cư, nhà tập thể, nhà ở ký túc xá cao 7 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000 m3 trở lên; nhà hỗn hợp cao từ 7 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000 m3 trở lên” thì thuộc diện phải thẩm duyệt về PCCC, không quy định “nhà chung cư, nhà hỗn hợp, khách sạn, nhà làm việc của doanh nghiệp cao dưới 5 tầng” phải thuộc diện thẩm duyệt về PCCC.
Câu hỏi 4: Yêu cầu về khoảng cách PCCC do Bộ Công an đặt ra khó thực hiện, đặc biệt tại các đô thị có mật độ xây dựng cao như Hà Nội, TP HCM, doanh nghiệp nói sẽ rất chật vật để đáp ứng.
Trả lời:
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 06:2010/BXD về An toàn cháy cho nhà và công trình (do Bộ Xây dựng ban hành ngày 28/7/2010, có hiệu lực thi hành từ ngày 17/9/2010) có quy định trong các nhà, khi thiết kế phải có các giải pháp kết cấu, bố trí mặt bằng – không gian và kỹ thuật công trình để bảo đảm khi xảy ra cháy thì lực lượng và phương tiện chữa cháy có thể tiếp cận đám cháy và thực hiện các biện pháp chữa cháy, cứu người và tài sản; không để cháy lan sang các nhà bên cạnh, kể cả trong trường hợp nhà đang cháy bị sập đổ. Do đó, tại Phụ lục E của quy chuẩn này quy định khoảng cách phòng cháy chống cháy giữa các nhà và công trình. Các quy định này tiếp tục được sửa đổi, bổ sung tại các QCVN 06:2020/BXD; QCVN 06:2021/BXD và QCVN 06:2022/BXD.
Tại Quy chuẩn đã đưa ra các giải pháp để khi các công trình không bảo đảm khoảng cách an toàn PCCC thì phải có các giải pháp ngăn cháy để thay thế, giảm khoảng cách an toàn PCCC như sử dụng tường ngăn cháy, bổ sung hệ thống chữa cháy tự động… Nếu thiết kế công trình không bảo khoảng cách an toàn PCCC và cũng không bảo đảm ngăn cháy giữa các công trình thì sẽ tiềm ẩn nguy cơ cháy lan đến các công trình lân cận và gây hậu quả nghiêm trọng.
Câu hỏi 5: Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp (gồm cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài – FDI) đã phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện quy định pháp luật về PCCC (đặc biệt là các công trình sử dụng sơn chống cháy). Hiệp hội có thông tin gì về vấn đề này không?
Trả lời:
Gần đây, Hiệp hội PCCC & CNCH Việt Nam nhận thấy nhiều doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như các doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản, …phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng việc gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện quy định của pháp luật về PCCC (đặc biệt là các công trình sử dụng sơn chống cháy).
Với vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp và người dân với Nhà nước trong lĩnh vực PCCC & CNCH, Hiệp hội PCCC & CNCH Việt Nam trao đổi với Cục Cảnh sát PCCC và CNCH về các phản ánh nêu trên của doanh nghiệp và được thông tin như sau:
– Cục Cảnh sát PCCC và CNCH đã nắm bắt được các phản ánh của doanh nghiệp và đã chủ động gặp và trao đổi trực tiếp với một số Đại sứ quán, hiệp hội doanh nghiệp (Hàn Quốc, Nhật Bản) có khó khăn, vướng mắc. Qua trao đổi, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH nhận thấy nguyên nhân chủ yếu dẫn tới các khó khăn nêu trên là do đơn vị tư vấn, chủ đầu tư chưa nắm bắt kịp thời các quy định pháp luật về PCCC, lựa chọn nhà thầu có năng lực hạn chế dẫn tới chưa thực hiện đúng quy định.
Tại các buổi làm việc, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH đã hướng dẫn chung:
– Đối với các trường hợp các dự án, công trình đã được cấp Giấy chứng nhận kiểm định sơn chống cháy theo quy định Nghị định 79/2014/NĐ-CP (trước 10/01/2021) thì tiếp tục sử dụng kết quả kiểm định đó để thực hiện nghiệm thu về PCCC cho dự án, công trình theo quy định;
– Đối với các dự án, công trình lập hồ sơ thiết kế và thực hiện thẩm duyệt sau khi Nghị định 136/2020/NĐ-CP có hiệu lực (từ ngày 10/01/2021), phải có hồ sơ thiết kế chịu lửa cho kết cấu chịu lực của công trình, là cơ sở để lựa chọn định hướng giải pháp bảo vệ chống cháy cho kết cấu (dùng sơn chống cháy, vữa chống cháy, tấm ốp chống cháy hay loại vật liệu gì, cách thực hiện như thế nào?…) theo quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế hoặc tập hợp số liệu phục vụ thiết kế đã được xây dựng theo quy định. Chủ đầu tư nộp hồ sơ thiết kế chịu lửa, định hướng giải pháp bảo vệ chống cháy cho kết cấu công trình, và các thành phần hồ sơ khác theo quy định của Nghị định 136/2020/NĐ-CP đến cơ quan Cảnh sát PCCC và CNCH có thẩm quyền để thực hiện thẩm duyệt thiết kế về PCCC theo quy định. Căn cứ kết quả kiểm định mẫu kết cấu đã được thử nghiệm, kiểm định (kiểm chứng), nhà thầu tổ chức thi công bọc bảo vệ chống cháy cho kết cấu chịu lực của công trình theo hồ sơ thiết kế và thực hiện nghiệm thu về PCCC theo quy định;
Đối với các trường hợp cụ thể, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH đề nghị chủ đầu tư cung cấp chi tiết hồ sơ thiết kế về PCCC của công trình để các bên cùng tìm giải pháp phù hợp, đúng quy định pháp luật về PCCC, sớm đưa công trình vào sử dụng.