Bốn giải pháp xử lý tồn tại trong đấu thầu qua mạng
Đơn vị ông Phạm Trung Thành (Hà Nội) đã thực hiện đấu thầu qua mạng tất cả các gói thầu. Tuy nhiên, theo ông Thành thì phương thức đấu thầu này không mang lại hiệu quả tiết kiệm chi phí (do giảm thầu) so với đấu thầu truyền thống.
Các nhà thầu xây lắp thường trúng thầu ở mức giá rất sát với dự toán của gói thầu (đấu thầu qua mạng thường là 95%-99%, trước đây, đấu thầu truyền thống có khi giảm giá đến 40% và thường trúng ở mức 75%-90% dự toán gói thầu). Trong ngành ông Thành công tác lại có quy định nếu chỉ định thầu thì phải chiết giảm tối thiểu 10% giá trị, nhưng hiện nay không còn được chỉ định thầu nữa.
Do đó, việc thực hiện đấu thầu qua mạng tại đơn vị ông bị thiệt hại như sau: Tỷ lệ giảm thầu của các gói thầu đấu thầu qua mạng thấp hơn so với các gói thầu đấu thầu truyền thống trước đây; tỷ lệ giảm thầu của đấu thầu qua mạng chỉ từ 1%-5%, trong khi chỉ định thầu lại được chiết giảm tối thiểu 10%.
Ông Thành hỏi, nếu tình trạng đấu thầu của đơn vị ông vẫn như trên thì có được phép chỉ định thầu để tiết kiệm chi phí nhiều hơn so với công tác đấu thầu này không?
Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời vấn đề này như sau:
Nếu gói thầu thuộc trường hợp chỉ định thầu và hạn mức chỉ định thầu và đáp ứng điều kiện chỉ định thầu quy định tại Điều 22 Luật Đấu thầu, Điều 54 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP thì được phép chỉ định thầu.
Ngoài ra, trừ gói thầu thuộc Khoản 1 Điều 22 Luật Đấu thầu, người có thẩm quyền phê duyệt hình thức chỉ định thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu để làm căn cứ áp dụng.
Lộ trình đấu thầu qua mạng hiện tại thực hiện theo quy định tại Điều 37 Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT. Để giải quyết kịp thời, triệt để tồn tại trong đấu thầu qua mạng, cần thực hiện đồng bộ, quyết liệt một số giải pháp như:
– Triển khai đấu thầu qua mạng theo đúng lộ trình đã được duyệt;
– Ứng dụng công nghệ thông tin để đẩy mạnh công tác giám sát, đánh giá hoạt động đấu thầu và công khai hợp đồng đấu thầu;
– Tiếp tục tăng cường cập nhật kiến thức về đấu thầu cho cán bộ làm công tác đấu thầu, đặc biệt là tư vấn về đấu thầu;
– Tăng cường chất lượng, hiệu quả các cuộc thanh tra, kiểm tra về đấu thầu.