PCI 2024: Đánh dấu hành trình 20 năm cải cách bền bỉ
Hành trình 20 năm của PCI là minh chứng cho một nỗ lực cải cách hành chính bền bỉ, góp phần kiến tạo môi trường đầu tư minh bạch, công bằng và thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.
Phát biểu khai mạc Lễ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2024 (PCI 2024), Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công khẳng định, chỉ số PCI không đơn thuần là một bảng xếp hạng. Đó là một công cụ cải cách hành chính mạnh mẽ, là nơi doanh nghiệp nói lên tiếng nói thực tiễn, là nơi chính quyền lắng nghe và hành động.

Lễ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2024 (PCI 2024) được tổ chức tại Hà Nội sáng ngày 6/5
Bức tranh tích cực từ PCI 2024
Theo ông Phạm Tấn Công, PCI xuất phát điểm là một sáng kiến nghiên cứu đột phá và mới mẻ của VCCI vào năm 2005. Khi đó, ít ai có thể hình dung rằng chỉ số này sẽ trở thành một trong những công cụ cải cách hành chính hiệu quả và có ảnh hưởng sâu rộng nhất tại Việt Nam.
“PCI đã phát triển thành một hệ thống đánh giá toàn diện, khoa học và khách quan, trở thành thước đo đáng tin cậy về chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh. Thậm chí, PCI còn góp phần trao quyền cho doanh nghiệp tư nhân nói lên tiếng nói của mình, không chỉ để phản ánh thực trạng mà còn để thúc đẩy cải cách, khuyến khích cạnh tranh giữa các tỉnh, thành phố trên tinh thần cầu thị và đổi mới”, ông Công chia sẻ.

Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công khẳng định, PCI không chỉ đơn thuần là một bảng xếp hạng, đó là một cuộc đối thoại thường niên giữa cộng đồng doanh nghiệp và chính quyền địa phương
PCI không chỉ đơn thuần là một bảng xếp hạng. Đó là một cuộc đối thoại thường niên giữa cộng đồng doanh nghiệp và chính quyền địa phương, là nơi doanh nghiệp được nói lên tiếng nói thẳng thắn từ thực tiễn, là nơi chính quyền lắng nghe, và hành động. Từ mô hình “một cửa” trong gia nhập thị trường, các trung tâm hành chính công tập trung, đến các mô hình sáng tạo như “cafe doanh nhân”, đánh giá DDCI cấp sở, ngành, quận, huyện… tất cả đều được thúc đẩy bởi tinh thần cải cách mà PCI khơi nguồn.
Báo cáo PCI 2024 cho thấy một bức tranh tích cực về cải thiện điều hành kinh tế cấp tỉnh. Theo đó, điểm số trung vị đạt 67,67 điểm, tăng 1 điểm so với năm trước và là năm thứ tám liên tiếp vượt mốc 60 điểm – ngưỡng được xem là phản ánh một môi trường kinh doanh thuận lợi. Đặc biệt, Chỉ số PCI gốc – chỉ số phản ánh chất lượng điều hành kinh tế cốt lõi – đạt 68,18 điểm, tiếp tục cải thiện liên tục kể từ năm 2016. Đây là kết quả của sự bền bỉ, kiên trì cải cách của nhiều địa phương và sự giám sát tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp.
Trong bảng xếp hạng năm nay, Hải Phòng lần đầu tiên vươn lên vị trí dẫn đầu với 74,84 điểm – thành quả của quá trình tăng trưởng kinh tế năng động và đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư trong nhiều năm qua. Các địa phương như Quảng Ninh, Long An, Bắc Giang tiếp tục giữ vững vị trí trong nhóm dẫn đầu. Đặc biệt, Hưng Yên lần đầu tiên góp mặt trong Top 10, bên cạnh các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Thừa Thiên – Huế, Hậu Giang, Phú Thọ, Đồng Tháp.
Nền tảng cho giai đoạn tăng trưởng mới
Trong bối cảnh Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025, ông Phạm Tấn Công nhấn mạnh, vai trò của PCI như một “radar chính sách”, giúp phát hiện sớm những điểm nghẽn, những rào cản vô hình, từ đó kiến tạo một môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, thuận lợi, an toàn và công bằng.

Các đại biểu tham dự Lễ công bố PCI 2024
Đặc biệt, trong khi Nghị quyết 68 vừa được Bộ Chính trị ban hành xác định rõ vai trò then chốt của kinh tế tư nhân, PCI sẽ tiếp tục là nguồn dữ liệu thực tiễn quan trọng giúp hoạch định chính sách hỗ trợ khu vực này vươn lên tầm khu vực và toàn cầu, trở thành một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế nước ta.
Năm 2024 cũng là lần cuối cùng PCI được công bố với đầy đủ 63 tỉnh, thành phố, trước khi quá trình sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp tỉnh được triển khai vào cuối năm nay. Theo ông Phạm Tấn Công, đây là thời điểm đặc biệt, vừa là dấu mốc kết thúc một chu kỳ cải cách bền bỉ, vừa mở ra một giai đoạn phát triển mới, nơi hiệu quả điều hành và đổi mới sáng tạo sẽ là động lực then chốt.
VCCI cũng cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian tới, không chỉ qua PCI mà còn thông qua các sáng kiến mới như Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI). Đây là công cụ đánh giá quản trị môi trường gắn với mục tiêu phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần tạo ra “bộ đôi” chỉ số thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường.
Khép lại bài phát biểu, Chủ tịch VCCI gửi lời tri ân sâu sắc đến cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước với gần 200.000 lượt doanh nghiệp tham gia khảo sát trong 20 năm qua. Đồng thời, cảm ơn các địa phương đã vượt lên sự tự ái, nhạy cảm để lắng nghe tiếng nói thẳng thắn của doanh nghiệp, từ đó ban hành hàng loạt nghị quyết, chương trình hành động thiết thực.

Năm 2024 cũng là lần cuối cùng PCI được công bố với đầy đủ 63 tỉnh, thành phố, trước khi quá trình sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp tỉnh được triển khai vào cuối năm nay
Ông cũng bày tỏ sự cảm ơn đối với Chính phủ, các cơ quan Trung ương, đặc biệt là sự đồng hành quý báu từ Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) – đối tác chiến lược đã gắn bó với PCI từ ngày đầu tiên đến nay.
“Chúng tôi tin rằng, hành trình PCI – hành trình cải cách không ngừng nghỉ vì một Việt Nam năng động, minh bạch, công bằng và bền vững – sẽ tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa trong kỷ nguyên phát triển mới của đất nước”, ông Phạm Tấn Công nhấn mạnh.