Chủ động lộ trình tín chỉ carbon
Theo nhiều chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam phải nắm được thế chủ động; nếu không, lộ trình tín chỉ carbon của Việt Nam sẽ bị tụt hậu so với thế giới.
Tài nguyên rừng là cơ sở để phát triển thị trường carbon ở Việt Nam.
Trong bối cảnh vận hành thị trường carbon theo lộ trình từ năm 2028, Việt Nam sẽ tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức và quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới.
Doanh nghiệp cần chủ động
Mỗi doanh nghiệp hay cơ sở sản xuất đều có một định mức về lượng khí nhà kính thải ra môi trường. Nếu cao hơn mức quy định, những đơn vị này sẽ phải mua thêm tín chỉ carbon để không vi phạm quy định chung về bảo vệ môi trường. Ngược lại, nếu lượng phát thải thực tế nhỏ hơn mức giới hạn thì cơ sở đó có thể bán số tín chỉ carbon chưa sử dụng cho các đơn vị khác. Đây là cơ chế tạo nguồn lực để thúc đẩy việc giảm phát thải khí nhà kính và chuyển đổi sang nền kinh tế trung hòa carbon.
Theo ông Võ Quang Thuận – nguyên Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bình Phước, Chủ tịch HĐQT Công ty Cao su Thuận Lợi, trong bối cảnh vận hành thị trường carbon theo lộ trình từ năm 2028, việc cân nhắc đến tiềm năng phát triển thị trường carbon rừng của Việt Nam không chỉ là giải pháp đóng góp vào các mục tiêu giảm phát thải mà còn góp phần đem lại lợi ích kinh tế cho những người dân có sinh kế phụ thuộc vào rừng.
Phân tích về mặt lợi khi cộng đồng doanh nghiệp Việt chủ động trong thực hiện lộ trình tín chỉ carbon, ông Nguyễn Hoàng Anh – Phó Chủ tịch thường trực Câu lạc bộ nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam (DAA Việt Nam), cho rằng Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định chủ trương cần “xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”. Hiện thực hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Đặc biệt, tại Hội nghị COP26 (tháng 11/2021), Việt Nam đã đưa ra những cam kết mạnh mẽ về giảm phát thải khí nhà kính với mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050, trong đó chuyển đổi cơ cấu năng lượng sang ưu tiên năng lượng sạch, tái tạo là trọng tâm. Theo đó, việc thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon sẽ thực hiện kể từ năm 2025. Như vậy, các doanh nghiệp Việt chỉ còn 1 năm để bắt đầu cho một lộ trình là không còn dài. Đến năm 2028, nước ta sẽ vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức và trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới.
Lắp đặt hệ thống đo lường giảm phát thải ở ĐBSCL. Ảnh: Hoàng Vũ
Để không “thua trên sân nhà”
Ông Hoàng Anh cho rằng, hiện nay có hai loại thị trường carbon. Thị trường carbon tuân thủ được tạo ra từ sự cam kết của các quốc gia trong công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu. Đây là vấn đề bắt buộc các quốc gia thành viên phải thực hiện theo quy định. Thị trường carbon tự nguyện là nơi việc phát hành, mua và bán tín chỉ carbon trên cơ sở tự nguyện giữa các tổ chức, công ty hoặc giữa các quốc gia. Ngoài ra, có một hình thức đơn giản là mang lên sàn mua bán, và hiện nay đã có một số quốc gia đang thực hiện… Vì vậy, đây là một cơ hội tốt để cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam định hình, sẵn sàng cho một sân chơi bình đẳng để bắt nhịp với xu thế toàn cầu. Ngược lại, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải trả một giá đắt nếu không muốn nói là “thua tại trên sân nhà”.
Cũng theo ông Hoàng Anh, trên thị trường carbon, có 2 loại hàng hoá sẽ giao dịch, gồm: Loại thứ 1 là hạn ngạch phát thải khí nhà kính – Chính phủ sẽ phân bổ và doanh nghiệp có quyền phát thải trong hạn ngạch mình sở hữu. Còn phát thải thêm thì phải mua hạn ngạch từ các doanh nghiệp khác. Chính vì vậy, giá hạn ngạch ở thị trường lâu đời như Liên minh châu Âu (EU), hay Mỹ rất cao. Giá giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính tại thị trường châu Âu dao động ngưỡng 80-100 euro/tấn, Hoa Kỳ 40 USD/tấn… Loại thứ 2 là tín chỉ carbon mang tính chất tự nguyện. Khi doanh nghiệp đầu tư vào những mô hình kinh doanh giảm phát thải như trồng rừng, thì các cơ quan quản lý phê duyệt, thẩm định lượng giảm đó sẽ tạo ra được tín chỉ carbon. Tín chỉ đó vì mang tính tự nguyện nên giá dao động từ 1 đến 15 đô la Mỹ/tấn, tùy vào loại hình công nghệ và mức đầu tư.
Tuy nhiên, cả 2 loại hàng hoá trên đều được giao dịch mạnh mẽ. Hiện trên thế giới có 58 quốc gia phát triển thị trường carbon, trong đó 27 quốc gia áp dụng thuế carbon và một số quốc gia áp dụng cả hai. Song, sàn giao dịch tín chỉ carbon cũng như thuế carbon đang là các biện pháp mới nhất của nhiều nước trong nỗ lực giảm mức phát thải quốc gia.
Từ những yếu tố trên, ông Hoàng Anh lo ngại, Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung đang phải đối mặt với áp lực gấp rút thực hiện các sàn giao dịch tín chỉ carbon nhằm ứng phó với hàng rào thuế carbon do EU sẽ chính thức áp dụng từ năm 2026. Vì vậy, ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động, sẵn sàng ứng phó với những hàng rào kỹ thuật từ các quy định nêu trên để hội nhập toàn cầu.
“Việc tạo ra và bán tin chỉ carbon không chỉ làm tăng thêm nguồn thu nhập bù đắp cho những chi phí đầu tư vào công nghệ xanh mà còn tăng cường uy tín và hình ảnh của tổ chức doanh nghiệp, thúc đẩy các nghiên cứu sáng tạo, và bảo vệ môi trường cùng đa dạng sinh học nơi chính địa bàn của doanh nghiệp hoạt động”, ông Hoàng Anh nhấn mạnh.